40 năm tìm gặp nữ giao liên

Ông Thạnh và bà Tảng ngày tái ngộ sau 40 năm Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Thạnh và bà Tảng ngày tái ngộ sau 40 năm Ảnh do nhân vật cung cấp
TP - Có một thuyền trưởng tàu không số suốt gần 40 năm âm thầm tìm gặp nữ giao liên đã trao mình nắm đất thiêng trong chuyến tàu cập bến Vũng Rô (Phú Yên) đêm giao thừa 1965...

> Người anh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Ông Thạnh và bà Tảng ngày tái ngộ sau 40 năm Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Thạnh và bà Tảng ngày tái ngộ sau 40 năm. Ảnh do nhân vật cung cấp.
 

Đó là Trung tá Hồ Đắc Thạnh (hiện trú TP Tuy Hòa, Phú Yên), nguyên thuyền trưởng tàu không số đã 12 lần vượt biển, nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

“Trong 12 chuyến, có bốn lần chúng tôi cập cảng Vũng Rô, nhưng kỷ niệm đặc biệt nhất là với cô gái đêm giao thừa 1965”, ông Thạnh mở đầu câu chuyện. 23 giờ 30, ngày 28–1–1964, tàu không số cập bến Vũng Rô đúng lúc tiếng radio vang vọng lời Bác Hồ chúc Tết. Không đủ người vận chuyển hàng chục tấn thuốc nổ, vũ khí lên bờ trong đêm, ông Thạnh quyết định lùi ngày bốc dỡ và cho ngụy trang tàu cẩn thận.

Tiệc mừng năm mới giản dị, ấm cúng được tổ chức ngay trong khoang máy và hầm hàng. Ông Thạnh thay mặt thuỷ thủ thuật lại chuyến vượt biển đầy thử thách, hiểm nguy xuất phát từ Hải Phòng cho bà con địa phương. Mọi người chăm chú, lắng nghe và không ngớt vỗ tay động viên chiến sĩ tàu không số bền gan, mưu trí.

“Lúc ấy, có cô giao liên chừng 16 - 17 tuổi ngồi cạnh anh Sáu Thu và tôi. Thấy anh Thu giục phát biểu, cô bẽn lẽn, rồi dõng dạc thay mặt bà con chúc Tết thủy thủ: "Có Đảng, có Bác Hồ và đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc; có các anh thủy thủ vượt sóng to, gió lớn, đối mặt quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên nguyện xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó".

Ai cũng xúc động trước những lời mộc mạc, chân tình. Tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh người con gái nhỏ nhắn nhưng ý chí mạnh mẽ. Tôi chỉ kịp hỏi tên cô ấy là Tảng”, ông Thạnh nhớ lại.

Ngay tối mùng một Tết, việc bốc dỡ hàng được khẩn trương hoàn thành. Tàu sẵn sàng rời bờ, giờ chia tay quân dân bịn rịn. Bất ngờ nữ giao liên nhỏ nhắn ấy dúi nắm đất bọc trong bao nilon vào tay ông Thạnh cùng lời nhắn gửi: “Các anh đi, bà con quê hương Phú Yên chẳng có gì hơn, chúc lên đường bằng an, may lành, hoàn thành nhiệm vụ. Quê hương xin gửi theo tàu nắm đất Vũng Rô - kiên cường, bất khuất. Mong rằng nắm đất ấy sẽ hòa vào mảnh đất chung khi Bắc – Nam sum họp”.

“Ngồi trong tàu, anh em chúng tôi chuyền tay nhau nắm đất còn ấm nóng từ bàn tay nữ giao liên, quyết tâm sớm hoàn thành nhiệm vụ, đáp lại mong mỏi của bà con. Nắm đất đó chúng tôi lưu giữ như kỷ vật thiêng liêng, cùng tàu vượt sóng ra Bắc và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân (Hải Phòng)”, ông Thạnh kể.

Theo dấu đất thiêng

Đất nước thống nhất, ông Thạnh tiếp tục công tác trong lực lượng Hải quân ở Vùng 3, chỉ huy trưởng Hải quân Quy Nhơn... Tranh thủ dịp nghỉ phép, ông nhiều lần ra vào vùng đất Phú Yên để hỏi thăm về nữ giao liên. “Chẳng khác nào mò kim đáy bể, chỉ biết tên, nhưng không rõ quê quán. Tìm gặp lại những người liên lạc tại bến Vũng Rô, họ bảo cô Tảng chuyển công tác sau chuyến tàu 1965 vài tháng. Nhiều lần có tin lại tất tả đi tìm, nhưng chưa được”.

“Ngày chia tay mọi người tặng nhau lương thực, các vật dụng. Lúc đó bút, mực không có nên muốn viết thư gửi miền Bắc rất khó. Tôi còn nhỏ, chỉ nghĩ rằng sống nhờ đất, chết về với đất và mong dải đất quê hương Bắc - Nam sớm sum họp nên vội lấy một miếng đất, gói vào bao nilon và chạy đến dúi vào tay vị thuyền trưởng”.- Bà Tảng tâm sự.

 

Năm 2004, người thủy thủ già dành gần tuần lễ về lại thôn Đa Ngư với hy vọng mong manh. Lần này, dịp may mỉm cười, ông được một người dân chỉ về gia đình ngoại của cô Tảng. Tưởng chừng sớm gặp lại nữ giao liên ngày nào, nhưng gia đình lại báo tin Tảng lấy chồng và định cư tại An Dân (Tuy An) phía Bắc Phú Yên, cách Đông Hòa cả trăm cây số.

Không nản lòng, ông Thạnh tiếp tục tìm đến vùng An Dân rộng lớn, thưa dân cư, khó tìm đường. Đang lúc hỏi chuyện Chủ tịch Hội cựu chiến binh Tuy An ông Nguyễn Văn Dữ, cả đoàn vỡ hòa niềm vui khi ông Dữ thông báo người nữ giao liên đó chính là bà Nguyễn Thị Tảng và cũng là vợ mình.

“Tôi vui sướng, tức tốc tìm đến nhà cô Tảng. Ban đầu, bà ấy cũng ngờ ngợ rồi ôm chầm lấy chúng tôi, mừng mừng tủi tủi không nói nên lời”, ông Thạnh kể. Sau sự kiện Vũng Rô, tàu không số bị lộ, bà Tảng được rút về Tuy Hòa hoạt động. Năm 1968, bà lập gia đình và chuyển về công tác tại huyện Tuy An.

Bao năm trôi qua, những bàn tay giờ nhăn nheo, mái tóc bạc, nhưng cái bắt tay vẫn thật nồng ấm, rắn rỏi như ngày nào trao nhau nắm đất.

Bài 4 - Thuyền trưởng ở... Trường Sa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG