Ngay trong cuộc họp, 38 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, không tổ chức các tour du lịch mạo hiểm khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, không đưa khách đến các địa điểm chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh du lịch mạo hiểm.
Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cũng yêu cầu các công ty lữ hành phải đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trong suốt quá trình tham gia tour du lịch; nghiêm túc thực hiện việc quản lý và sử dụng hướng dẫn viên. Chỉ sử dụng hướng dẫn viên đã được cấp thẻ.
Lâm Đồng hiện có 16 công ty được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 33 công ty chỉ tổ chức dịch vụ lữ hành cho khách nội địa.
Thế nhưng một số công ty lữ hành nội địa đã “xé rào” tổ chức các tour du lịch cho khách quốc tế, đặc biệt là tour mạo hiểm “chui” gây hậu quả nghiêm trọng.
Thác Datanla được cấp phép hoạt động du lịch mạo hiểm
Trường hợp vừa xảy ra ở Cty TNHH Giấc mơ vàng khiến một du khách Ba Lan cùng hướng dẫn viên tử nạn là thực tế đau xót. Nhiều năm nay khu du lịch thác Hang Cọp đã đóng cửa, ngừng đón khách tham quan để đầu tư nâng cấp.
Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã thông báo để các công ty du lịch không đưa khách vào. Đơn vị chức năng còn gắn biển “Cấm du khách nước ngoài chơi trò mạo hiểm tại thác Hang Cọp” để cảnh báo vậy mà Cty TNHH Giấc mơ vàng vẫn tổ chức tour ở đây.
Có khu du lịch được cấp phép triển khai dịch vụ du lịch mạo hiểm với các thiết bị an toàn như Thác Đatanla nhưng công ty lữ hành không chịu phối hợp kết nối tour mà lén đưa du khách băng rừng vào chơi để rồi gây ra vụ tử nạn của 3 du khách Anh vào thời điểm này năm ngoái.
Đi thực địa ở một số thác nước hoang sơ chưa được Sở VH-TT&DL cho phép kinh doanh du lịch mạo hiểm như Thác 7 tầng ở Lạc Dương, chúng tôi phát hiện nhiều dấu vết của các hoạt động du lịch mạo hiểm như leo vách núi, đu dây vượt thác…