Trong 36 cặp đôi có 18 cặp đôi trẻ tham gia “Đám cưới nếp sống mới”, 10 cặp đôi “Đám cưới vàng” (có cuộc sống vợ chồng chung sống hạnh phúc từ 50 năm trở lên).
Anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội chia sẻ, mô hình “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” là một trong những cách làm tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc cưới theo nếp sống văn minh; Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ. Lễ hội cũng góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, hỏi và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí”. Toàn bộ chi phí tổ chức đám cưới tập thể đều được xã hội hóa.
Tại chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa: Triển lãm “Cưới xưa và nay” giới thiệu những kỷ vật đám cưới hơn 50 năm trước của các cặp đôi “Đám cưới vàng”, triển lãm các bức ảnh đẹp của đôi lứa, của gia đình sau khi được tham dự đợt hoạt động đầu tiên, giới thiệu các mâm cỗ của lễ ăn hỏi truyền thống; Trình diễn Lễ ăn hỏi truyền thống; Nghi lễ trao Giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi trẻ. Các cặp đôi giao lưu bí quyết “Giữ lửa hạnh phúc” giữa các thế hệ, đây là dịp để những cặp vợ chồng lớp trước truyền lại cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm sống, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Cặp đôi “Đám cưới vàng” Trần Văn Trọng (80 tuổi) và Nguyễn Thị Cầu (75 tuổi) đã 55 chung sống hạnh phúc bên nhau. Bà Nguyễn Thị Cầu hãnh diện chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống sống chung 3 đời. Vợ chồng chúng tôi hiện đang sống cùng nhà với gia đình đứa con trai út; ở cạnh nhà gia đình đứa con trai thứ hai. Nhưng bao nhiêu năm gia đình vẫn giữ được hòa khí ấm áp, yêu thương. Gia đình tôi nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa”.
Xúng xính trong chiếc váy cưới lộng lẫy, cô dâu Nguyễn Thu Hằng ngập tràn hạnh phúc nắm tay chú rể Nguyễn Thành Luân bước lên sân khấu làm lễ cưới tập thể. Hằng cho biết, cô và chồng đã yêu nhau được 2 năm, cũng trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng cuối cùng bằng tình yêu thương chân thành đôi bạn trẻ đã quyết định nên duyên vợ chồng. Khi biết đến đám cưới tập thể, đôi bạn trẻ đã nhanh chóng đăng ký tham gia.
“Tôi quan niệm, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hay không không phụ thuộc vào một lễ cưới xa hoa, ồn ào. Quan trọng là hai người yêu thương, chia sẻ và cảm thông cho nhau như thế nào để cùng nắm tay nhau vượt qua mọi thử thách của cuộc sống”, chú rể Nguyễn Thành Luân chia sẻ.
Để có được hạnh phúc đó, mỗi người trong gia đình phải nhường nhịn, thấu hiểu và sẻ chia cho nhau. Đặc biệt trong chuyện mẹ chồng nàng dâu, không có sự phân biệt, đối xử mà xem con dâu như con mình.
“Thậm chí, những người làm cha làm mẹ cần biết hy sinh. Có lần vợ chồng tôi đã lên kế hoạch đi du lịch nhưng rồi đến ngày đi không ai trông cháu nội cho, các con phải đi làm không nghỉ ở nhà trông con được, vợ chồng tôi đành phải hủy kế hoạch đi chơi. Hay trong chuyện ăn uống cũng vậy, chúng tôi già rồi thích nấu kỹ, ăn mềm; bọn trẻ thích nấu đơn giản, nhanh gọn. Vì thế trong lúc nấu ăn, tôi cũng để ý thức ăn của bọn trẻ thì múc ra trước, còn của mình thì hầm thêm một lúc nữa”, Bà Nguyễn Thị Cầu chia sẻ bí quyết.