Tới dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UB TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Như Ý
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải cho biết: Ngày 19/12 là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; song cũng khiến cho các thế lực đế quốc và bọn phản động vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá, hòng thủ tiêu thành quả vĩ đại vừa giành được của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.
Các tiết mục nghệ thuật mở đầu buổi lễ. Ảnh: Như Ý
Chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong giặc ngoài”.
Dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng; dân tộc Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: hoặc là khoanh tay, cúi đầu trở lại kiếp nô lệ; hoặc là đấu tranh đến cùng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của đất nước.
Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.
Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Đáp lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong Thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Các cựu chiến binh huyện Thạch Thất tại buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Như Ý.
Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến.
Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lập nên bao kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách – đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Huy Du – cựu chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, hiện đang sinh sống tại Nhân Chính, Quan Nhân, Hà Nội – 65 năm tuổi Đảng bày tỏ sự xúc động, tự hào khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến.
Đại diện thế hệ trẻ của Thủ đô phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách – giảng viên Đại học Y Hà Nội, bày tỏ: “Chúng tôi cảm nhận huyền thoại về 60 ngày đêm năm đó không chỉ nằm trong ký ức của những người dân Hà Nội mà sự kiện đã đi vào lịch sử đất nước như một thiên anh hùng ta bất tử. Lớp trẻ chúng tôi tự hào và biết ơn cha ông khi bình thản đi vào cuộc chiến đấu chống kẻ thù với lời thề son sắt quyết tử cho tổ quốc quyết sinh."