Ngày 15/12/2016, Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Ký ức Hà Nội - Mùa đông năm 1946” với sự tham gia của các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ năm xưa và đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô. Chương trình nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2016).
Tại chương trình, Ban Tổ chức đã trình chiếu những thước phim tài liệu “Hà Nội vùng đứng lên” và các tiết mục giao lưu văn nghệ trong chương trình đã tái hiện lại một thời chiến đấu oanh liệt 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt, Ban tổ chức tặng quà cho 10 nhân chứng từng tham gia thời kỳ toàn quốc kháng chiến; giao lưu nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Buổi giao lưu nhân chứng lịch sử đã để lại nhiều cảm xúc cho những người có mặt tại hội trường.
Ông Vũ Tâm năm nay đã hơn 90 tuổi, là một trong những chiến sĩ của Thủ đô tham gia trận đánh ác liệt ở chợ Đồng Xuân năm 1946, đã đứng lên phát động toàn thể hội trường đọc lại lời tuyên thệ “Toàn quốc kháng chiến”. Hành động bất ngờ của ông Tâm khiến cho những chiến sĩ năm xưa và cả thanh niên Thủ đô có mặt tại hội trường đều xúc động, không ít người rơi nước mắt.
Ông Tâm cho rằng, chiến trường nào cũng ác liệt, đầy hy sinh, gian khổ.
“Chúng tôi đã chiến đấu 4 tại chỗ “ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ, chết chôn tại chỗ”. 45 năm sau, chúng tôi tìm thấy hài cốt của đồng đội chúng tôi vẫn nằm ngay tại chợ Đồng Xuân cùng với một quả lựu đạn”, ông Tâm nhớ lại.
Ông Lê Đức Vân, một trong 5 thành viên sáng lập Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu kể chuyện lớp lớp thanh niên tình nguyện nhập đội tự nguyện chiến đấu, giải phóng quân, chuẩn bị lực lượng chính quy và không chính quy chống giặc trên toàn quốc.
“Tôi còn nhớ rõ hình ảnh những đoàn tàu dày đặc anh em thanh niên Nam tiến chống Pháp. Thanh niên giúp cứu đói cho dân, thu thập xác những người chết đói đi chôn. Thanh niên cũng tham gia chống lại những luận điệu xuyên tạc chống Chính phủ của những thế lực chống phá. Không khí đấu tranh của chúng ta khi đó rất gắt gao”, ông Lê Đức Vân kể.
Bà Thành Nhân - một nữ cán bộ tuyên truyền khi đó mới 14 tuổi đã có ý thức giác ngộ nhờ cả gia đình đều đi theo Cách mạng. Bà Nhân kể, trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có những lúc phải đối mặt với hiểm nguy cận kề, bị địch dí súng vào đầu nhưng bà vẫn kiên cường ý chí, không đầu hàng.