35 năm Gạc Ma: Đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy con về

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng ngày 12/3, anh em Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng nhắn nhau cùng tề tựu về đình làng Nại Nam (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) để làm lễ tưởng niệm tri ân 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, thân xác còn gửi lại ở biển Trường Sa.

Không tiếc máu xương

Trong khuôn viên đình làng, trên bia vàng ghi công, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ còn có phần khắc tên 21 người con Hòa Cường Bắc là những liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc sau ngày đất nước được giải phóng. Trong đó có 7 liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa vào ngày 14/3/1988. Lễ tưởng niệm 35 năm Gạc Ma được tổ chức tại đây lại càng trở nên ý nghĩa.

35 năm Gạc Ma: Đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy con về ảnh 1

Anh em Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng bên mô hình tàu HQ604 tại lễ tưởng niệm 35 năm Gạc Ma (ảnh: Nguyễn Thành).

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng chủ trì nghi lễ cầu siêu cho anh linh, hương hồn 64 liệt sĩ thân xác còn nằm lại ở biển lạnh. Trong không khí trang nghiêm, đồng đội, thân nhân, đại diện lãnh đạo địa phương cùng quây quần bên bia vàng cúi đầu tưởng niệm và ôn lại ký ức ngày lịch sử 14/3/1988.

Diễn văn tưởng niệm ngắn gọn nhưng nhiều lần ông Tấn phải dừng lại vì xúc động. Ngày 14/3/1988, 64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến không cân sức, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn của lính Trung Quốc. Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng với phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất công sự nhưng với tình yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

35 năm Gạc Ma: Đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy con về ảnh 2

Mẹ Trần Thị Huệ 35 năm không nguôi nhớ con (ảnh: Nguyễn Thành).

“Sự kiện lịch sử ở Gạc Ma đã chứng minh một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, trong đó có 10 chàng trai trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa đã sẵn sàng xả thân, không lùi bước. Họ đã quyết lấy xương máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, người cựu binh Trường Sa xúc động.

35 năm chờ con trở về

Đã 82 tuổi, mấy năm nay phải ngồi xe lăn nhưng mẹ Lê Thị Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) vẫn quyết tâm ra dự lễ tưởng niệm con trai và đồng đội ở đình làng Nại Nam. Thời gian thấm thoát, 35 năm đã trôi qua, nhưng nỗi lòng thương nhớ về con trai thân yêu của mẹ chưa bao giờ nguôi ngoai.

35 năm Gạc Ma: Đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy con về ảnh 3

Mẹ Lê Thị Lan tại lễ tưởng niệm 35 năm Gạc Ma (ảnh: Nguyễn Thành).

Mẹ kể, năm ngoái, con cái lo lắng, khuyên ngăn nhưng mẹ vẫn quyết lặn lội đường xa vào tỉnh Khánh Hòa để dự lễ tưởng niệm, cầu siêu cho con trai và đồng đội tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

“Ngày nào còn sức là mẹ còn đi. Đã 35 năm mẹ vẫn chờ mong có ngày một phần xương cốt của con được tìm thấy, đưa về đất liền. Già yếu, mẹ chỉ lo mình không thể chờ đến ngày đó được”, mẹ Lan nghẹn ngào.

“Đã 35 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức bi tráng của người dân Việt Nam về những con người quả cảm mà sự hi sinh của họ được dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu của các anh là nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm. Không một ai bị lãng quên và không ai được phép lãng quên”.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng

Mô hình tàu HQ 604 cùng 64 ngọn nến, vòng hoa được anh em Ban liên lạc bộ đội Trường Sa đưa ra sông Hàn, thả trôi ra cửa biển. Thuyền gỗ chông chênh, nhưng mẹ Trần Thị Huệ (81 tuổi, mẹ liệt sĩ Lê Thế) vẫn níu tay anh em, năn nỉ: “Cho mẹ đi với. Mẹ muốn ra đó với con trai của mẹ”. Mẹ Huệ già yếu, anh em lo lắng, nhưng mẹ quyết tâm, anh em Ban liên lạc gọi nhau dìu, đỡ mẹ lên thuyền. Níu tay đồng đội của con để đứng trên thuyền, mắt mẹ Huệ nhòe đi khi mô hình tàu HQ 604 được thả xuống dòng Hàn giang. Hình tàu HQ604 trôi xa ra cửa biển, mẹ Huệ vẫn đưa tay vẫy theo, dòng ướt lệ chảy dài trên gò má nhăn nheo. “Đã 35 năm rồi, mẹ vẫn nhớ nét mặt, nụ cười con của mẹ. Đêm đêm, mẹ vẫn mơ thấy con về”, mẹ Huệ nói trong nghẹn ngào.

“Đã 35 năm rồi, mẹ vẫn nhớ nét mặt, nụ cười con của mẹ. Đêm đêm, mẹ vẫn mơ thấy con về”.

Mẹ Huệ nói nghẹn ngào nói

Tham gia lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, ông Dương Đình Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng chia sẻ: “Đã 35 năm qua chúng ta luôn trăn trở về 64 anh hùng liệt sĩ chưa về với đất mẹ, một phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc chưa quy về một dải với non sông đất nước. Thân xác các anh vẫn nằm giữa biển cả suốt 35 năm qua là nỗi đau, là niềm trăn trở không của riêng ai. Các thế hệ hôm nay và mai sau phải biết tri ân, nhớ về các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, phải nhớ đến 64 liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh thân xác để bảo vệ cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa biển khơi mênh mông”.

Theo tờ trình của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhân dịp 35 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa (14/3/1988 - 14/3/2023) được tổ chức chiều 13/3 tại Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Dịp này, tỉnh Khánh Hòa trao quà cho bốn gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh tại trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức trồng cây tri ân tại khuôn viên Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

CÔNG HOAN

MỚI - NÓNG