300 ngày cưu mang ông Tây thuyền buồm

Những ngư dân này đã kéo ông già “solo” thuyền buồm ra khỏi lưỡi hái tử thần Ảnh: Thanh Trần
Những ngư dân này đã kéo ông già “solo” thuyền buồm ra khỏi lưỡi hái tử thần Ảnh: Thanh Trần
TP - “Tôi đã trôi dạt trong tuyệt vọng hơn một tháng trời. Mọi tín hiệu cầu cứu đều vô vọng, tưởng chừng mình đã tới sát cánh cửa tử thần rồi thì gặp những vị cứu tinh trên biển. Ngư dân Việt Nam đã cứu tôi…”, tay chơi thuyền buồm người Mỹ gốc Nga Rimas Meleshyus (67 tuổi)  thốt lên như vậy ngay sau khi con tàu QNg 98785 cập cảng. 

Nhưng ngư dân Việt, không chỉ giúp ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần, mà gần một năm trời sau đó, họ và nhiều người Việt Nam khác tiếp tục chở che, đùm bọc và chia sẻ cho người đàn ông đơn độc trên đất khách quê người. Trọn vẹn cho đến tận lúc ông quay trở về quê hương vào cuối năm 2018.

Cứu tinh trên biển, bạn hiền trên bờ

Một chiều đầu tháng 2/2018, con tàu QNg 98785 cập cảng Trạm biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chở theo ông Rimas với chiếc áo đỏ nổi bần bật. Tôi còn nhớ như in ông bịn rịn bắt tay, ôm lấy 12 ngư dân Quảng Ngãi trong niềm xúc động vô bờ trước khi bước xuống thuyền. 

Ngày 25/5/2017, ông bắt đầu chu du biển cả đơn độc bằng con thuyền buồm có gắn động cơ tên Memosis từ Hawaii tới Fiji, Tuvalu… Đến ngày 10/12 năm đó, khi cách vùng biển Yokohama (Nhật Bản) khoảng 500km thì thuyền ông đâm vào một vật thể lớn làm thuyền hỏng, nước tràn vào trong. Ông liên tục gửi tín hiệu đi nhiều nơi cầu cứu nhưng đều vô vọng. Ông bất lực thả trôi qua không biết bao nhiêu vùng biển. 

Mãi đến… năm sau, ngày 18/1/2018, khi những ngư dân Quảng Ngãi chìa tay ra cứu vớt ông mới hay mình đã dạt đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngư dân Võ Văn Nhị (32 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhớ lại ông Rimas lúc ấy kêu cứu bằng giọng yếu ớt trên con thuyền với cánh buồm rách bươm. Chẳng chần chừ, tàu cá tiến lại gần rồi cử một người buộc dây lao xuống biển bơi về phía ông Rimas hỏi han, đưa ông lên tàu. Người sữa, kẻ bánh đưa cho ông Tây ăn uống cầm hơi. Qua vốn tiếng Anh ít ỏi của ngư dân trẻ trên tàu, mọi người biết được ông gặp nạn khi căng buồm ra thế giới.

17 ngày tiếp theo, ông được cả tàu chăm cơm nước, chia chỗ ngủ và  làm ngư dân cùng họ đi đánh bắt. “Tôi đã tuyệt vọng sau gần 40 ngày trôi dạt. Không thể tin mình gặp được ngư dân Việt Nam và được cứu sống. Tôi mang ơn các bạn”, ông Rimas cảm kích.

300 ngày cưu mang ông Tây thuyền buồm ảnh 1 Ông Rimas Meleshyus cùng ngư dân trên tàu cá QNg 98785 đã cứu mạng ông giữa trùng khơi Ảnh: Thanh Trần

Vào bờ, cơ quan chức năng tại Đà Nẵng bố trí cho ông lưu trú trong một khách sạn gần cảng Tiên Sa. Tưởng chừng chuỗi ngày tiếp theo sẽ chán chường mỏi mòn chờ đợi thủ tục về nước, thì bỗng một tối, có chàng thanh niên tìm đến tận nơi xưng là thủy thủ từng chinh phục nhiều vùng biển. Đọc được tin ông gặp nạn trên báo, anh sắp xếp công việc đến ngay để động viên và trò chuyện cùng ông. Chàng trai ấy là Nguyễn Trần Minh An (30 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), người đại diện Việt Nam tham dự cuộc đua thuyền vòng quanh thế giới 2015 – 2016. Người đầu bạc kẻ tóc xanh tay bắt mặt mừng, rôm rả câu chuyện về hành trình biển cả, cách thoát khỏi vùng sóng to gió dữ, khát khao chinh phục…

“Thật xúc động khi An tới tìm tôi dù chẳng hề quen biết. Cậu ấy và tôi có sự đồng điệu, về thuyền buồm, về biển nên tôi xem An là một người bạn. Tôi đã kể cho cậu ấy nghe những gì tôi phải đương đầu trong chuyến phiêu lưu bão tố vừa rồi, và nhận lại rất nhiều sự khích lệ”, đôi mắt ông Rimas ánh lên niềm hạnh phúc. Tối hôm ấy, tôi cùng Rimas và Minh An dùng bữa cơm trước khách sạn. Như rất am hiểu về người phương Tây, Minh An lấy ít cơm và gắp thật nhiều gà rán cho ông. Ông Rimas đưa ngón tay biểu tượng “like”, mặt lộ ra niềm cảm kích rồi ăn hết phần của mình một cách ngon miệng. Trước khi chia tay, Minh An nói bạn bè mê thuyền buồm trên cả nước gửi lời hỏi thăm và rất ngưỡng mộ ông.

Không lâu sau đó, ông Đỗ Thái Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội KHKT Công nghệ đóng tàu Việt Nam cũng lặn lội vào thăm Rimas. “Tôi thường để ý các sự kiện, nhân vật  liên quan đến thuyền buồm bởi mình cũng đam mê. Nói chuyện với Rimas, tôi thấy ông ấy có chút “điên rồ” – một “tiêu chí” của người chơi thuyền buồm, yêu biển và thích “solo”. Có điều ông ấy marketing bản thân, lan tỏa chuyến phiêu lưu không tốt nên không nhận được nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ”, ông Bình đánh giá. Dù vậy, hình ảnh lão già solo thuyền buồm quanh thế giới theo ông Bình cũng là sự thúc đẩy, khích lệ tình yêu biển, niềm đam mê thuyền buồm và khát khao chinh phục thiên nhiên cho các bạn trẻ ở đất nước mình. 

“Thượng khách” trú nạn

Giải quyết thủ tục về nước cho ông ngốn rất nhiều thời gian do ông chưa được cấp quyền công dân Mỹ, một số giấy tờ cá nhân hết hiệu lực. Vậy nên sau hai tháng ở khách sạn, ông được chuyển lên Trung tâm bảo trợ xã hội TP Đà Nẵng. 

Bà Hệ Thị Thanh Hương, giám đốc Trung tâm kể hôm ông Rimas tới, trung tâm vẫn còn xây dựng dở dang. Biết người nước ngoài vốn tôn trọng không gian riêng nên trung tâm đã soạn sửa một phòng với bàn ghế, thau chậu, li bình, bát đũa…riêng. Đến lúc khu nhà mới hoàn thành, vị khách đặc biệt này lại được bố trí sang một căn phòng rộng rãi khang trang.

Bà nói: “Ổng trông vậy mà khó tính kinh hoàng. Nhất là trong việc ăn uống. Nước nhất định phải nấu sôi trên bếp ga mới chịu dùng pha trà, pha cà phê, nước lọc chỉ uống loại đóng chai “xịn”. Ổng tuyệt nhiên không dùng đường, sáng chỉ ăn bánh mì với trứng, thích thịt gà, cà ri…thỉnh thoảng mới dùng đồ ăn thuầnViệt. Chế độ của ổng gấp đôi người khác, “rắc rối” lắm. Nhưng ngẫm lại cực chẳng đã người ta mới bị xô vô thế này, không thương sao được”. 

300 ngày cưu mang ông Tây thuyền buồm ảnh 2 Ông Rimas Meleshyus chụp rất nhiều hình lưu niệm với những ân nhân trên biển của mình. Trong ảnh: Thuyền viên Lê Quốc Đông (23 tuổi, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) chia tay người bạn tàu “không mời mà đến” Ảnh: Thanh Trần

Trước tới nay, trung tâm đã đón nhiều người gặp nạn, trong đó có cả người nước ngoài tuy nhiên chưa có trường hợp nào ở lâu như ông Rimas! Bà Hương nhớ như in 8 tháng trời ông Rimas làm bạn với nơi này, thuộc từng nếp ăn ở. Ông dễ vui như trẻ thơ, nhất là khi được đưa đi mua bộ com-lê mới, được ra chợ chọn ví, chọn giày. “Ổng “nghiện” nói về thuyền buồm. Miễn có người chịu nghe là ổng “phát sóng” nguyên ngày. Ai tới chơi ổng cũng đem xấp ảnh, báo về thuyền buồm của ông ra “khoe” hết. May thay trung tâm có mấy nhân viên nói tiếng Anh bầu bạn, chứ không cũng tội nghiệp, già rồi, đất khách quê người dễ tủi lắm”, bà bùi ngùi.

Ngày nghe tin thủ tục về nước của ông hoàn tất, cả trung tâm mừng cho ông khôn xiết vì cuối cùng cũng được hồi hương. Sáng sớm 19/12/2018, ông Riams chia tay “tổ ấm” trong niềm xúc động vì mọi người ở đây chăm sóc ông quá tốt, đối xử như người thân. Ông còn hứa về Mỹ ổn định sẽ viết thư gửi cho những người bạn Việt Nam nghĩa tình. 

Từ năm 2012, ông Rimas bắt đầu chu du thế giới bằng thuyền buồm. Cũng năm ấy, bão biển cướp mất chiếc thuyền buồm của ông. Thú chơi mạo hiểm này nhiều lần đẩy ông vào tình cảnh thập tử nhất sinh. Năm 2016, ông trôi dạt từ California (Mỹ) sang Hawaii suốt 46 ngày. Rời cảng Hilo, Hawaii sau đó, ông lại gặp nạn tới 137 ngày vì máy theo dõi vệ tinh bị sự cố. Dù vậy, khát khao chinh phục biển cả trong ông chưa bao giờ nguội lạnh.

Khi được ngư dân Quảng Ngãi cứu vớt, ông đau xót bỏ lại con thuyền buồm giữa biển vì đã hư hỏng nặng, tàu cá không thể kéo theo suốt nhiều ngày. Trên thuyền còn nhiều đồ đạc, tư trang, trong đó có cuốn sổ lưu lại hành trình chu du biển cả của mình. Ông ấp ủ xuất bản một cuốn sách về những chuyến phiêu lưu, và sẽ ghi thêm câu chuyện được người Việt Nam  cưu mang. “Không sao, tôi sẽ cố gắng làm lại và chắc chắn không quên kể về các bạn”, ông khẳng khái. 

MỚI - NÓNG