Ba trường đại học (ĐH) kỹ thuật lớn nhất nước, gồm: Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, vừa ký kết bản thỏa thuận hợp tác tổ chức các khóa trao đổi sinh viên.
Ảnh:BKU |
Theo bản ký kết, các trường này sẽ công nhận kết quả các khóa học cho sinh viên.
Ba trường sẽ tổ chức các khóa trao đổi sinh viên dài hạn và ngắn hạn. Các khóa dài hạn là 1 học kỳ tương ứng khoảng 20 tuần, cho phép sinh viên của các trường được đăng ký học tập/ thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác.
Sinh viên đăng ký tối đa 15 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Sinh viên được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng với sinh viên của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập chuẩn.
Các khóa ngắn hạn là học kỳ hè tương ứng từ 6 đến 8 tuần, tổ chức trong thời gian hè, cho phép sinh viên của các trường được đăng ký học tập từ 1-2 học phần.
Ngoài thời gian lên lớp, sinh viên có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trường tiếp nhận.
Mặt khác, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hoá, hoạt động cộng đồng…
Sinh viên đăng ký tại trường đang học và được sự đồng ý của trường cử đi cho phép tham gia các khóa trao đổi sinh viên. Sinh viên đăng ký các khóa học dài hạn 1 học kỳ, hoặc ngắn hạn sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Sinh viên không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Các học phần sinh viên đăng ký có thể nằm trong chương trình cử nhân, kỹ sư chuyên sâu đặc thù, thạc sĩ của trường tiếp nhận. Chi phí ăn ở, đi lại do sinh viên tự chi trả. Các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác.
Hiện khóa học ngắn hạn bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Các khóa học ngắn hạn tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường.
Chương trình này được thực hiện trong 5 năm kể từ tháng 7/2022.