BS Nguyễn Văn Học, khoa Chấn thương chỉnh hình 1- Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị tổn thương nặng nề do tai nạn tuốt lúa.
Trong đó bệnh nhân nặng nhất là Hoàng Xuân H. (24 tuổi, Đông Hưng, Thái Bình. Khoảng 7h ngày 15/10, khi đang tuốt lúa, anh H. không may đã bị cuốn cả cánh tay trái vào máy tuốt lúa. Gia đình vội vã đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng sơ cứu, sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình trước khi chuyển đến Bệnh Việt Đức vào khoảng 12h cùng ngày.
khi được chuyển đến bệnh viện Việt Đức, toàn bộ cánh tay trái của bệnh nhân H. đã bị dập nát, gãy cả xương cẳng tay và cánh tay, mạch máu, thần kinh đều bị dập hết, mất toàn bộ cảm giác. Đồng thời, bệnh nhân cũng bị mất máu rất nhiều.
“Tất cả các bác sĩ trong tua trực ngày 15/10, trong đó có cả chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình và mạch máu cùng ngồi hội chẩn bàn cách “cứu” cánh tay cho bệnh nhân Hoàn Xuân H., tuy nhiên do các cơ đã nát hết, không còn đáp ứng được các kích thích nên chúng tôi đã buộc phải cắt lìa”- BS Học cho hay
Ngay sau đó, khoảng 14h chiều cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ phần dập nát cho bệnh nhân Hoàng Xuân H. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền khoảng hơn 1 lít máu. Sau 3 ngày nằm viện, hiện vết thương đã khô.
Cũng trong ngày 15/10, có thêm 2 trường hơp khác bị tai nạn lao động do máy tuốt lúa, máy gặt lúa gây ra được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Đó là trường hợp bệnh nhân 22 tuổi cũng ở Đông Hưng, Thái Bình bị máy tuốt lúa cuốn vào tay phải, gây gãy hở xương cẳng tay. Dù đã được các bác sĩ phẫu thuật ghép nối xong tiên lượng chức năng vận động sẽ rất kém.
Trường hợp thứ ba là một nam bệnh nhân khác 38 tuổi cũng ở Thái Bình được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu do máy tuốt lúa cuốn đứt phăng 3 ngón tay tay phải.
BS Học cho biết, với các trường hợp tai nạn do máy tuốt lúa hay máy ép mía bị tổn thương các chi, người dân cần ngay lập tức sơ cứu băng ép, cầm máu, vì giai đoạn này bệnh nhân rất dễ sốc dẫn đến tử vong.
Tại các cơ sở y tế tuyến dưới, sau khi sơ cứu, trường hợp nặng cần đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn để chuyển lên các bệnh viện chuyên khoa xử lý.
BS Học khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các loại máy tuốt lúa, cắt lúa, thậm chí là máy ép mía bởi không ít tai nạn thương tâm đã xảy ra. Đã có nhiều trường hợp nặng thì bị cắt cụt tay, có trường hợp may mắn hơn thì cắt ít hơn hoặc có thể ghép nối được, nhưng vẫn bị ảnh hưởng đến chức năng vận động…