Đó là thông tin được GS.TS Mai Hồng Bàng, Chủ tịch Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam cho biết trong Hội nghị khoa học tiêu hóa thường niên lần thứ 29 (diễn ra ngày 1 và 2/12/2023 tại TPHCM).
Theo đó, bệnh lý tiêu hóa là một bệnh lý phổ biến trên thế giới, gặp ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh lý này chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh nội khoa và cả ngoại khoa, với biểu hiện triệu chứng đa dạng, tiến triển âm thầm, nhưng diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nặng nề.
GS Hồng Bàng cho biết, trong số 5 loại ung thư nguy hiểm, phổ biến nhất tại Việt Nam, bên cạnh ung thư phổi, ung thư vú thì có tới 3 loại ung thư tiêu hóa gồm: ung thư dạ dày thực quản, ung thư gan mật tụy, ung thư đại trực tràng. Trong số nhóm ung thư tiêu hóa, đặc biệt là ung thư Gan-mật-tụy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Theo GS Hồng Bàng, từ thực tế trên đang đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nghiên cứu về những căn bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng sâu và chất lượng hơn để góp phần chẩn đoán sớm, điều trị và dự phòng hiệu quả giúp giảm gánh nặng bệnh tật của bệnh lý tiêu hoá.
Y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong can thiệp, điều trị các bệnh lý về đường tiêu hóa |
Hội nghị khoa học tiêu hóa diễn ra tại TPHCM đã nhận được sự tham gia của các chuyên gia, báo cáo viên hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Anh, Hồng Kông, Singapore và các chuyên gia hàng đầu trong nước. Thông qua 72 báo cáo trực tiếp tại hội trường, các nhà khoa học đã chia sẻ những tiến bộ mới và kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, xây dựng kế hoạch, phác đồ điều trị, chiến lược điều trị dự phòng nhằm nâng cao chất lượng điều trị, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có gần 18.000 người mắc ung thư dạ dày, trong đó 15.000 trường hợp tử vong; 16.000 người mắc ung thư đại trực tràng và có đến hơn 7.000 người chết vì căn bệnh này.