Sông Cái chảy qua thị xã Ninh Hoà, phần ngăn cách giữa 3 xã nằm cuối dòng chảy, giáp với đầu sông Dinh. Mùa mưa nước chảy rất siết, gió nam thổi mạnh, nhiều khu vực có xoáy sâu. Hai mươi năm trước, người dân chỉ có thể vượt sông trên những con xuồng, chiếc ghe mỏng mảnh. Chấp nhận thử thách với thiên nhiên bởi không còn cách nào khác, khi mọi địa điểm buôn bán, giao thương của người dân đều nằm ở phía bên kia sông, thuộc xã Ninh Phụng.
Chiếc bè “cứu khổ”
"Trông vậy không cam lòng. Cha tôi từ lúc đó đã rất trăn trở nghĩ cách giúp xóm làng"- cha con anh Phùng Xuân Trầm (38 tuổi, xã Ninh Bình) là 2 người đầu tiên mày mò ra cách đưa người dân vượt sông an toàn và đến tận bây giờ, vẫn không ngừng nghỉ. Những ngày đi núi làm rẫy, vượt qua nhiều khúc sông lớn bằng chiếc bè con làm từ cây Lồ Ô, cha anh Trầm biết đây chính là giải pháp. Ông chặt những đoạn tre cụt ngọn, kết lại thành tấm ván lớn. Sức chứa chỉ được 6,7 người một lượt. "Có những hôm chở "lố" (quá tải - PV), cha tôi nhiều phen suýt để bè chìm, may mà hôm ấy thời tiết đẹp, gió không mạnh"- anh Trầm kể. Cha anh Trầm 10 năm vững tay chèo trên chiếc bè tự chế, đến khi tay yếu, mắt mờ, anh Trầm tiếp tục "nối nghiệp". "Tôi chỉ làm công nhân thôi. Làm cái này làm cho vui nhưng bỏ thì khó lắm. Vì bao nhiêu con người trông chờ vào mỗi chiếc bè của tôi để làm phương tiện".
Để tăng sức chở, anh Trầm xuống biển, tìm mua nhưng chiếc phao. Nối lại với tấm ván tre ở trên, lúc này chở được lên 10 người. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghĩ cách để tạo thành một chiếc bè "cải tiến " hơn. Bỏ phao nối ở dưới đi, anh thay bằng những chiéc can nhựa to. Chiếc bè chở thêm lên được 2 người.
Để cản sức gió và đỡ lực kéo, anh Trầm nối dây thép qua hai bên sông, tạo một cần trục để kéo. Hơn 10 năm nghĩ ra cách hoàn thiện chiếc bè là cả một "kì tích" đối với anh công nhân trẻ tuổi. Và anh vẫn nhắc đến như một "niềm tự hào"
của mình.
Hai vợ chồng thay phiên nhau lèo lái chiếc bè con. Vẫn có những lúc gió mạnh, chiếc bè mỏng mảnh tưởng như trôi ra khỏi cần trục, tay anh Trầm không thể bám trụ được. Những buổi anh đến xưởng, vợ ở nhà chèo. "Cũng nhờ có hai vợ chồng với chiếc bè mà tụi tui buôn bán thuận tiện hẳn. Vì nếu không có đường băng qua sông, sẽ phải đi đường vòng. Rất xa. Ai cũng mong có một cây cầu, mà giờ không có thì phải đi bè chứ biết sao? Một ngày 4,5 vòng đi qua đi về như vậy, còn gì là buôn bán nữa"- chị Thơm, một người dân xã Ninh Xuân tâm sự. Các em học sinh của trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Ninh Phụng) đến lớp trên chuyến đò, vợ chồng anh Trầm quen mặt từng em. Chuyến đò 2.000/ lượt, riêng các em học sinh, anh chị chở "miễn phí".
Mùa nắng thì được nhờ. Đến mùa mưa, phải gác mái. Bè không thể xuôi trên sông vào thời điểm nước dâng cao và với sức gió mạnh vào mùa đông. Các em buộc phải đi bộ đến trường theo con đường vòng xa gấp 3 lần mỗi ngày.
Theo UBND xã Ninh Bình, hiện có 5 thôn trong xã nằm dọc bờ sông Cái với hơn 500 hộ sinh sống có nhu cầu đi lại ra QL26. Đặc biệt, hiện còn có thêm hàng trăm công nhân của các công ty, xí nghiệp, học sinh trong vùng nên việc đi lại qua bến đò bằng bè nổi tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đã có thời gian dài, vì an toàn, xã buộc người dân phải dừng hoạt động vượt sông bằng phương tiện tự chế. Nhưng rồi phải nhanh chóng chấp nhận phương tiện ban đầu trở lại vì ngoài con đường này, các con đường vòng khác rất bất tiện.