Người Tiền Phong vui mừng lấy ngày 9/1 kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của tờ báo sẽ được mình tiếp tục phát triển với tham vọng “Kỷ nguyên số - Dẫn dắt thông tin”. Nhưng, tại sao ngày ấy lại được chọn?
Tờ báo của tương lai
Báo điện tử Tiền Phong sẽ là “tờ báo của tương lai”. Ngày ấy anh Lương Ngọc Bộ - Phó Tổng Biên tập, thường nói như vậy về tờ báo sẽ ra đời bên cạnh một đội hình hùng hậu các ấn phẩm giấy mà làng báo mệnh danh là nhiều nhất Việt Nam của tờ báo gốc Tiền Phong.
Phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ |
Những cái mốc chuẩn bị cho việc ra đời ấy được Tổng Biên tập Dương Xuân Nam, Phó Tổng Biên tập Lương Ngọc Bộ bàn bạc kỹ lưỡng và có những bước chuẩn bị quyết liệt, khẩn trương trong năm 2004: Thi tuyển phóng viên - kỳ thi có số lượng dự kiến trúng tuyển nhiều nhất vì một nửa sẽ là phóng viên của tờ báo mới; làm thủ tục bổ nhiệm thêm 2 Phó Tổng Biên tập - mà một người trong số đó sẽ “cầm” tờ điện tử Tiền Phong… Riêng tôi lúc đó là Phó phòng Thư ký Tòa soạn đã được anh Lương Ngọc Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu để xây dựng tờ báo mới.
Anh Bộ nói giao cho tôi vì trong dàn Thư ký Tòa soạn hồi ấy thì tôi có thâm niên nhiều hơn, nhưng quan trọng là dân học Vật lý ra nên có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ, mà Báo điện tử Tiền Phong được anh xác định là tờ báo vận hành trên nền tảng Internet
Vào cái năm 2004 đó ở trong nước lác đác có mấy tờ gọi là báo điện tử ra đời, nhưng chưa được độc giả đánh giá cao, chưa mang lại cho chúng tôi những bài học điển hình. Cũng bởi, báo giấy vẫn đang ở đỉnh cao, Internet ở Việt Nam chưa phổ biến, phí truy cập mạng cao, lý thuyết và kinh nghiệm làm báo điện tử trên thế giới còn sơ khai.
Tôi nhờ bạn sinh viên đang là cộng tác viên Káp Thành Long tìm cho cuốn giáo trình báo điện tử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng soi kỹ cũng chả thấy có thể học được điều gì.
Cố nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Trưởng ban đầu tiên của TPO. |
Lúc này, cùng với Nguyễn Việt Hùng - lúc đó phụ trách kỹ thuật của Tiền Phong - chúng tôi vào các trang web báo chí thế giới, chủ yếu là Mỹ như: Washington Post, USA Today… tự xem xét, mổ xẻ và tự mường tượng ra tờ báo tương lai của Tiền Phong.
Hệ thống quản trị nội dung (Content Management System-CMS) là linh hồn, là xương sống của báo điện tử và cũng là thách thức lớn của những người bắt đầu xây dựng tờ báo mới như chúng tôi.
Đầu tiên, tôi và Việt Hùng bị các bạn kỹ thuật của công ty công nghệ làm lóa mắt bởi ma trận mẫu của họ, rồi sau đó họ quay chúng tôi về luồng công việc dự kiến trên báo điện tử.
Luồng công việc trên báo giấy thì tôi đủ kinh nghiệm chứ báo điện tử làm ngày nào, học ở đâu mà biết. Thế là từ kinh nghiệm làm báo giấy tôi trình bày, phiên ra cách làm trên báo điện tử, thảo luận về các điểm khác biệt để tạo ra quy trình tạm chấp nhận được.
Tôi và Việt Hùng bảo nhau, mình không biết gì cũng có cái hay. Mình cứ làm bạn đọc, xem - so sánh, phân tích để tìm ra sự tiện ích của từng tờ báo, ghi chép lại rồi yêu cầu công ty công nghệ phát triển theo.
Với cách học ấy, quy trình nhập bài, biên tập, xuất bản được chúng tôi yêu cầu gắt gao và sát thực. CMS hoàn thiện dần. Chúng tôi cũng tự học được cách làm báo trên Internet.
Tuyển quân
Trong đợt tuyển phóng viên năm 2004, anh Lương Ngọc Bộ có dặn: “Đợt này tập trung chọn nhân sự cho điện tử, chú lưu ý tuyển quân”. Tôi phác nhanh mấy tiêu chí: Trẻ - để tiếp thu nhanh cái mới, có phong cách làm việc mới trong tờ báo cổ thụ có tuổi đời trên nửa thế kỷ, báo mới cần người trẻ, tư duy trẻ, nhiệt huyết. Cũng có cả suy nghĩ rất ích kỷ và thực dụng là chọn người trẻ trẻ để đỡ phải lo tiền trả, vì kinh phí cho tờ báo mới chắc không có nhiều.
Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm thành lập Báo điện tử Tiền Phong sẽ diễn ra lúc 8h30 sáng thứ Ba, 7/1/2025, tại Khách sạn Melia Hà Nội.
Tiêu chuẩn thứ hai là phải giỏi ngoại ngữ - vì như vậy có thể chủ động được lượng bài dịch tự sản xuất. Phần nội dung trong nước ban đầu dựa hẳn vào báo gốc. Nghĩ thế, nhưng với tôi cái cần nhất vẫn là ở ứng viên sự ham học, cầu thị, năng động.
Với 3 tiêu chí ấy, Phạm Tuyên - tiếng Pháp, Nguyễn Hiếu Thảo - tiếng Anh vốn là nhân sự của phòng Kỹ thuật được tôi chọn đầu tiên. Báo điện tử cũng cần có họa sĩ, thế là có Tạ Thu Trang.
Thế hệ những người đầu tiên của TPO (từ trái, hàng trên: Thanh Thủy, Mai Hoa, Ngọc Linh, Hữu Quang, Xuân Cường, Phạm Tuyên, Ngọc Nam, Lan Anh, Thu Trang) |
Còn những người trúng tuyển là: Vũ Lan Anh - phóng viên trẻ báo Văn hóa, đạt điểm cao nhất kỳ thi; Phạm Hữu Quang - một nhà báo trẻ xông xáo đã thể hiện được khả năng làm báo bên cạnh viết báo, Mai Xuân Cường - cậu sinh viên gầy gò “cười được suốt buổi”. Ít mà tốt vậy, tôi tự an ủi vì tổng số trúng tuyển của kỳ thi tuyển đó tới tận 18 người.
Tiếp đó, Nguyễn Ngọc Linh - Thư ký Tòa soạn đầu tiên là người tôi chọn về từ trang mạng TintucVietnam khá nổi tiếng thời đó. Ngay sau đó, thêm một thạc sĩ báo chí học ở Nga về là Nguyễn Mai Hoa được nhận.
Nguồn được quan tâm nữa là các bạn sinh viên vốn cộng tác với Tiền Phong, nhưng chưa ra trường nên chưa thể tham dự kỳ thi như: Káp Thành Long, Phan Kiền… Long sau sang Thanh niên rồi là Phó TBT Zing News.
Phan Kiền thì nhất định chỉ cộng tác chứ không về Tiền Phong điện tử, dù cho lúc Kiền bảo vệ thạc sĩ cả ban vào làm cổ động viên. Bây giờ, anh ta đường đường là Tiến sĩ Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phó TBT Nguyễn Ngọc Nam (áo trắng đứng giữa), trưởng ban TPO Nguyễn Việt Hùng (đeo kính) và các PV, CTV đến dự ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ của Phan Kiền năm 2008. |
Một lần duyệt comment, có một độc giả nêu ý kiến về bài Thể thao. Tôi giao Hữu Quang tìm bằng được. Khi lôi về, thì hóa ra đó là admin của một diễn đàn bóng đá Ý. Hỏi: Thích làm báo không? Đáp: Có ạ. Thế thì về làm thể thao nhé. Nguyễn Tuấn Đức nhập đội.
Kể đến việc tuyển người lại nhớ đến Nguyễn Việt Hùng - lúc đó đã là Trưởng ban Tiền Phong điện tử - lôi về một “gánh hát” trẻ trung, đa sắc và đầy tài lẻ, có cả người nổi tiếng nhưng có tài đồ họa làm cho những bức ảnh trên web thật nuột nà. Các bạn phụ trách nhóm câu lạc bộ: Điện ảnh, Thời trang, Xe - Máy…
Nhân vật cộm cán, đảm trách phần an ninh mạng của Tiền Phong điện tử là một hacker do Nguyễn Việt Hùng giới thiệu bởi trước đó Tiền Phong và Vietnamnet cùng mạnh dạn tổ chức một cuộc hội ngộ hacker mũ trắng người Việt trên toàn thế giới. Hacker đó chính là ông chủ chuỗi cầm đồ F88 đang danh nổi như cồn. Như vậy, có thể nói bóng ma hacker khó mà đe dọa được Tiền Phong điện tử non trẻ.
Với đội ngũ này, Tiền Phong điện tử bên cạnh vẻ thâm nghiêm phải có của một tờ báo chính thống lâu đời khi mới lên mạng đã thể hiện được sức trẻ và sự đam mê.
TPO giao lưu trực tuyến với Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy |
Mải miết chạy, ngẩn người nhìn lại
Thực ra, thâm tâm tôi cũng muốn Tiền Phong điện tử “về đích” vào ngày 16/11 cho trùng ngày kỷ niệm với “báo mẹ”. Tuy nhiên, mọi sự người tính nhưng rồi cũng tính không lại với những người khác.
Đó là chuyện CMS đã được nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán, đảm bảo kỹ thuật và phần lớn tiền đã chuyển bỗng một ngày cái CMS của công ty công nghệ trở thành chuyện rùm beng trên mạng, báo chí cũng vào cuộc. Thế là phải thanh lý hợp đồng, phải bảo mật để tờ báo gần đến ngày sinh khỏi oan gia vì cuộc chiến CMS nọ.
Phải gấp rút tìm một đối tác khác! Cũng may, thực ra lúc ấy ở Việt Nam đơn vị làm CMS có rất ít. Tôi bảo Việt Hùng đàm phán với công ty đối địch kia. Bên đó vốn có sản phẩm tốt. Chúng tôi cũng đã được học hỏi từ CMS trước nên hai bên thỏa mãn nhu cầu của nhau rất nhanh.
Tiền Phong điện tử lại lên mạng, nhanh chóng, mượt mà. Nhưng, trong tôi là nỗi lo trĩu nặng vì khoản nợ cả trăm triệu trước cơ quan. Cũng may mắn, sau khi thất bại trong cuộc chiến CMS, công ty kia “vượt ngàn chông gai” rồi vững mạnh dần. Tới nay họ cũng là một công ty công nghệ - truyền thông có tiếng tăm.
Và tất nhiên, trong sự hồi sinh ấy họ cũng chắt chiu và ưu tiên trả nợ cho báo. CMS của họ cũng đã có những nghiên cứu mới, hoàn thiện hơn, ưu việt hơn để trở thành linh hồn, xương sống của Báo điện tử Tiền Phong hiện tại.
Ngày 7/12/2004, 3 ứng viên trúng tuyển mới có quyết định được về báo Tiền Phong điện tử và được ký hợp đồng từ ngày 1/1/2005. Kể từ đó cùng với nhóm nhân sự trước, Tiền Phong điện tử bắt đầu “đạp gió, rẽ sóng”. Thông tin tự dịch, tự viết, thông tin từ các ấn phẩm giấy được đưa lên mạng. Rõ là ra dáng một tờ báo điện tử “tầm cỡ Việt Nam”.
Lúc này mấy anh em mới ngẩn ra hỏi nhau: Lấy ngày nào mà làm sinh nhật nhỉ? Tôi đề xuất: Cho dễ nhớ thì lấy ngày 9/1 - Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam. Tất cả nhất trí vì ngày có quyết định thành lập Ban Tiền Phong điện tử, ngày có giấy phép - 18/10/2004 - cũng đã trôi qua khá lâu.
Ngày 9/1/2005 cũng trôi qua như ngày kỷ niệm của Hội Sinh viên Việt Nam, cũng như những ngày khác trong chuỗi ngày chan chứa say sưa của một nhóm người sau này tự gọi nhau là TPO F1. Không ra mắt trong lung linh đèn nến, ấn nút tượng trưng lên mạng Internet, chỉ cần biết đã có một tờ Báo điện tử Tiền Phong đã ra đời để thỏa đam mê làm nghề, để cống hiến.
Những PV, CTV của TPO từ những thời F1, F2. |
Báo điện tử Tiền Phong là cái tên đầu tiên, chính thức trên những văn bản của tienphong.vn hôm nay. Sau đó nó cũng thường được gọi là Tienphong Online, rồi Tê Pê Ô, Tê Pê O, Ti Pi Âu...