Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên

TPO - Sáng 16/11, tại Hà Nội, báo Tiền Phong tổ chức kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2024).

Dự lễ kỷ niệm có Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng; nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam; các đồng chí nguyên là Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam: Nguyễn Phong Doanh, Nguyễn Huy Lộc; Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Minh Toản; các đồng chí nguyên là Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong: Lương Ngọc Bộ, Vũ Tiến, cùng nguyên cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tiền Phong qua các thời kỳ; đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tiền Phong.

Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 1

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Duy Phạm.

Chuyển đổi mô hình, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị

Tại lễ kỷ niệm, trong không khí đầm ấm, gần gũi, thân tình, các đại biểu đã ôn lại truyền thống lịch sử 71 năm của báo Tiền Phong; tri ân các thế hệ đi trước; thông tin về kết quả các mặt công tác của báo Tiền Phong năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ đề ra năm 2025.

Tại buổi lễ, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày báo Tiền Phong ra số đầu tiên, nhà báo Phùng Công Sưởng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động báo Tiền Phong.

"Tờ báo của chúng ta đang phát triển với nhiều thuận lợi, cơ hội cũng như khó khăn thách thức", nhà báo Phùng Công Sưởng nói. Theo Tổng Biên tập báo Tiền Phong, về thuận lợi, báo Tiền Phongbề dày truyền thống, có sứ mệnh cao cả, có uy tín, thương hiệu và có đội ngũ những người làm báo đoàn kết, giàu nhiệt huyết và yêu nghề.

Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 2Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 3Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 4

Báo Tiền Phong tri ân các thế hệ đi trước. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng - Duy Phạm.

Tuy nhiên, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nói về những khó khăn, như: Sự biến đổi khôn lường về các yếu tố an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu; sự thay đổi từng giờ của công nghệ; sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo; "cuộc chiến sống còn" với các nền tảng mạng xã hội trên khía cạnh nội dung và kinh tế báo chí. Cùng với đó, mô hình phát triển của báo Tiền Phong dù đạt nhiều kết quả, nhưng đến nay có một số hạn chế nhất định; một bộ phận người làm báo chưa thay đổi kịp với môi trường mới.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhìn nhận, báo cần chuyển đổi mô hình, điều chỉnh, xây dựng mới chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị và nâng cao năng suất lao động; kiện toàn các vị trí nhân sự cấp phòng, ban và Ban biên tập.

Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 5Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 6Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 7

Các tiết mục văn nghệ của đoàn viên, thanh niên, cán bộ, người lao động báo Tiền Phong tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

"Thực hiện tốt một số nhiệm vụ năm 2025 về nội dung và kinh tế, trong đó có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Giải Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong, Giải golf Vô địch quốc gia...; mở rộng một số nguồn thu mới từ kinh tế số, tối ưu hoá các hoạt động kinh tế", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.

Nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nhấn mạnh sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số báo chí ở mức cơ bản trong năm 2025 với 5 trụ cột; tạo đà cho chuyển đổi số nâng cao trong những năm tiếp theo; tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, người lao động có tư duy làm việc tốt, kỹ năng thành thạo trong công việc, hướng đến chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cùng với đó, nhà báo Phùng Công Sưởng nêu, sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng bộ máy và con người tinh gọn, hiệu quả. Chú trọng công tác đào tạo và đầu tư phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động báo chí.

"Cho dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, chủ động trong thực thi công việc, chúng tôi tin chắc rằng, báo Tiền Phong sẽ vượt qua những khó khăn, hướng đến thành công", nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.

Báo cần những thông tin "thiết thực"

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong, bày tỏ xúc động khi về gặp mặt các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động báo Tiền Phong, chứng kiến tờ báo Tiền Phong ngày càng lớn mạnh.

Nhà báo Dương Xuân Nam chia sẻ, mỗi thời kỳ, báo chí sẽ đối mặt với những thách thức khác nhau. Thời ông làm báo có những khó khăn khác với bây giờ. “Thời nay ngoài khó khăn thì còn là thách thức của mạng xã hội”, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu, cho rằng đây là vấn đề chung của báo chí Việt Nam và báo chí thế giới.

Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 8

Nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam chia sẻ tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Duy Phạm.

Theo nhà báo Dương Xuân Nam, điều này đặt ra vấn đề những tờ báo, người làm báo phải thay đổi cách nhìn, cách làm, cách nghĩ. “Tôi đã nhiều lần nói với đồng chí Phùng Công Sưởng về việc cần chú trọng phát triển báo điện tử, bởi hiện nay, báo giấy ở Mỹ cũng đã thu hẹp lại rồi. Nên chú trọng phát triển báo điện tử. Báo Tiền Phong có cả truyền hình, cần phát triển thêm nữa, hấp dẫn hơn nữa”, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu.

Nói thêm về sự khác biệt, nhà báo Dương Xuân Nam cho biết, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là “tính thiết thực của báo chí”. “Ngày xưa chúng tôi làm báo thì tính tò mò là số 1, lợi ích là số 2, uy tín là số 3. Bây giờ thì cần thiết thực, thiết thực và thiết thực, tức là phải làm ra tiền”, nhà báo Dương Xuân Nam nêu.

Nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong phân tích, báo Tiền Phong cần tổ chức các sự kiện, viết các bài viết thiết thực, để “người mua báo, đọc báo họ làm ăn, kiếm ra tiền”. Ví dụ, đọc báo để biết cách chơi chứng khoán, biết cách làm cái này, cái khác để kiếm ra tiền. Thiết thực như vậy thì bạn đọc mới mua báo, đọc báo.

“Tôi hy vọng báo Tiền Phong sẽ tiếp tục phát triển, vượt qua những khó khăn, thách thức. Bởi tôi thấy trong bài phát biểu của Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng ngắn gọn, nêu rất đầy đủ các vấn đề. Tôi nghĩ rằng, báo Tiền Phong sẽ phát triển, hiện đại hoá, có uy tín, thiết thực để đạt được mục tiêu đề ra”, nhà báo Dương Xuân Nam nói.

Báo Tiền Phong kỷ niệm 71 năm ngày ra số đầu tiên ảnh 9

Các đại biểu và cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tiền Phong chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Xuất bản số báo đầu tiên ngày 16/11/1953, tại bản Dõn (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), qua lịch sử hình thành và phát triển 71 năm, báo Tiền Phong đã thể hiện sứ mệnh “tiên phong”, là diễn đàn, là tiếng nói của tuổi trẻ cả nước. Nhiều giai đoạn lịch sử, báo Tiền Phong có sự phát triển vượt bậc, trở thành hình mẫu, niềm mơ ước của nhiều tờ báo cùng phân khúc về nhiều mặt: số lượng phát hành, kinh tế báo chí, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao quy mô toàn quốc như Giải Việt dã báo Tiền Phong, Hội thi Hoa hậu báo Tiền Phong (sau này phát triển lên thành Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam)…

Trong kỷ nguyên số, báo Tiền Phong không chỉ tiếp tục duy trì ấn phẩm báo in mà còn đẩy mạnh phát triển các nền tảng trực tuyến, tạo ra một môi trường truyền thông đa phương tiện, phục vụ mọi nhu cầu thông tin của độc giả. Báo Tiền Phong điện tử chính thức ra mắt bạn đọc ngày 9/1/2005, nhằm Ngày truyền thống Hội Sinh viên Việt Nam, thuộc hàng những tờ báo điện tử ra đời sớm nhất tại Việt Nam.

Trải qua gần 20 năm xây dựng, từ một tờ báo điện tử có lượng bạn đọc khiêm tốn, gần như chỉ là “phiên bản điện tử” của tờ báo in hằng ngày, báo Tiền Phong điện tử đã phát triển thành một trong những tờ báo điện tử lớn, có uy tín với bạn đọc. Báo điện tử Tiền Phong vươn mình trở thành một trong 10 tờ báo điện tử có lượng bạn đọc nhiều nhất Việt Nam.

Nhận thức rõ yêu cầu tất yếu “đổi mới hay tự diệt”, dừng lại là tụt hậu, từ nhiều năm nay, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã xác định đặt báo điện tử làm trung tâm phát triển, báo in làm nền tảng, chuyên sâu, là nơi lắng đọng những giá trị truyền thống... Đặc biệt là những năm gần đây, báo điện tử Tiền Phong có bước chuyển mình mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và sự thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc; đồng thời phát triển nội dung trên các nền tảng số, nền tảng mạng xã hội.

Tin liên quan