2 năm doanh nghiệp 'chết' bằng 10 năm cộng lại

2 năm doanh nghiệp 'chết' bằng 10 năm cộng lại
TP - Kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động gia tăng, những mặt trái của “thành tích” dần lộ rõ với các hệ quả để lại cho nền kinh tế. Có những DN đã “chết”, nhưng không thể phá sản nổi.

Bài 1: Khi Luật Phá sản bị 'phá sản'

> Để Luật Phá sản có tính khả thi
> Phải ưu tiên trả nợ lương người lao động khi phá sản

Dù đã có nhiều sửa đổi, nhưng Luật Phá sản còn nhiều quy định mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác khiến cho việc thực thi gặp nhiều khó khăn, DN chết dở, sống dở.

DN “chết” 2 năm bằng 10 năm cộng lại

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn-Phó trưởng Ban, phụ trách Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, như các nước khác, DN sinh ra, nhưng do thị trường không thuận lợi, chuẩn bị chưa kỹ, dự án thất bại là bình thường. Nhưng cái bất thường là, hai năm qua, tỷ lệ DN “ra khỏi thị trường” bằng lượng DN chết trong 10 năm cộng lại.

Dù có Luật Phá sản năm 2004, nhưng theo ông Tuấn, các chuyên gia hay đùa “Luật Phá sản bị phá sản”. Vì số lượng án phá sản, tòa án thụ lý rất thấp. Nhiều tỉnh nhiều năm không có án phá sản nào. Có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố chính là thủ tục phá sản DN của ta chưa phù hợp, tâm lý của người Á Đông nói chung, ngại từ “phá sản”, vì liên tưởng đến tội phạm. Trong khi ở các nước, đó là chuyện bình thường, đôi khi để bảo vệ cho chủ nợ, và cho chủ DN phá sản.

“Hiện nay, Luật Phá sản hơi cầu toàn về mặt thủ tục. Là DN kinh doanh, họ muốn tìm sự thuận tiện, nếu gần chết rồi, cũng phải thủ tục nhanh, ngắn gọn. Muốn phá sản tốt, thì hệ thống bổ trợ cũng tốt, như thẩm phán cũng phải am hiểu kinh doanh, trong khi thiết chế này mình chưa phát triển.

Ở các nước, khi DN phá sản, họ sẽ có đội ngũ quản lý tài sản đó, và điều chỉnh, làm sao giữ được ổn định tình hình. Còn mình, thủ tục phá sản, có từng bước xác định các loại chủ nợ, thủ tục nộp đơn xin phá sản... cũng rất phức tạp”, ông Tuấn phân tích.

Theo ông Tuấn, việc bế tắc trong phá sản DN có thể dẫn đến môi trường không minh bạch, tức nợ chồng nhau. Một trong những nguyên nhân khiến người ta ngại phá sản do hệ thống ngân hàng. Bởi vì nếu phá sản, ngân hàng gặp phải nợ xấu, rồi truy trách nhiệm cá nhân. Một số ngân hàng cũng không muốn cho phá sản, mà cứ cho DN lay lắt, xếp vào nhóm khó đòi, chứ chưa nguy cơ mất.

“Ở ngân hàng, có nhiều khoản vay vẫn đẹp, DN vẫn đang còn, nhưng thực tế, DN đã tiêu tán từ lâu, nhưng người ta cũng không làm thủ tục phá sản. Nếu làm, tình trạng nợ sẽ chuyển biến xấu ngay. Chưa kể liên quan đến trách nhiệm hình sự với lãnh đạo ngân hàng”, ông Tuấn nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Luật Phá sản có những quy định, thủ tục khá rắc rối cho nên rất khó áp dụng. DN xin phá sản cũng cảm thấy mệt mỏi dù đa phần đã được sự hỗ trợ pháp lý từ các văn phòng luật sư.

Thực tế cho thấy, đến nay số DN làm thủ tục phá sản rất thấp so với số DN đã đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Bởi vậy, số nợ tồn đọng chưa giải quyết được rất lớn. Những DN bỏ trốn hoặc xù nợ ngân hàng hoặc nhà nước, không còn là vi phạm dân sự hoặc kinh tế, mà vi phạm hình sự.

Lối thoát nào?

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch- Đầu tư đang tồn tại tổng cộng khoảng 86.000 DN không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình phá sản, giải thể theo quy định.

Trong số đó, nhiều DN muốn được giải thể, phá sản theo thủ tục thì không thực hiện được. Ngược lại nhiều DN thua lỗ, nợ nần cứ âm thầm bỏ trốn trước sự bất lực của các cơ quan quản lý.

TS Nguyễn Đức Kiên-Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Cần xem phá sản là một rào chắn, công cụ nhằm loại bỏ những DN quá yếu kém. Trong nền kinh tế thị trường, có những DN làm ăn phát đạt, thành công thì ngược lại cũng có những DN bị thua lỗ, phải ngừng hoạt động”, TS Kiên nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc cấp thiết hiện nay là Chính phủ phải thành lập một ủy ban mang tầm quốc gia để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế cũng như chống việc ngưng sản xuất và phá sản của DN.

Lãnh đạo một DN lớn tại Hà Nội cho biết, trong thực tế, các chủ nợ, nhất là ngân hàng thường không mấy khi muốn con nợ của mình tuyên bố phá sản. Bởi vì khi làm thủ tục phá sản, tài sản của DN bị định giá thấp, chủ nợ được trả nợ theo trình tự ưu tiên.

“Theo Luật Phá sản, chủ của DN bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN trong thời hạn từ 1-3 năm kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Vì vậy, không chủ DN nào muốn ra tòa làm thủ tục phá sản để... bị tước quyền kinh doanh, quản lý. Vì vậy, việc DN âm thầm “mất tích” cũng là điều dễ hiểu”, vị này nói.

Còn nữa

Theo VCCI, phần lớn các tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan khi được tiến hành hỏi ý kiến về các quy định của Luật Phá sản năm 2004 đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung tới 57 điều trên tổng số 95 điều của Luật Phá sản năm 2004.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG