2 ca tử vong vì thủy đậu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày qua Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng phải nhập viện điều trị. Hai ca đã tử vong.

Diễn biến phức tạp

Trung tâm Bệnh nhiệt đới vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về. Hai ngày sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở ôxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút và hiện phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực….

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền”.

Bác sĩ Cường thông tin thêm, thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.

Ngoài ra những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng là các trường hợp mắc bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận.

2 ca tử vong vì thủy đậu ảnh 1

Bác sĩ Đỗ Duy Cường khám bệnh nhân thủy đậu

“Một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu”, bác sĩ Cường nói.

Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.

Bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,80-39,40C. Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả vùng khác trên cơ thể.

Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu”.

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền. Tỉ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster, cần tiêm vắc xin phòng thủy đậu. Trẻ em cần được tiêm một liều vắc xin và người lớn được tiêm hai liều.

Cần thiết tiêm vắc xin phòng bệnh

Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày) và đến khi ban đóng vảy.

Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.