17 giờ vật lộn trong sóng dữ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một chiếc SUP (ván đứng), một mái chèo, một chiếc áo phao, một chiếc đồng hồ – đó là tất cả hành trang giúp cô gái trẻ Huỳnh Châu Ngọc Hà (SN 1996, trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) sinh tồn trong hơn 17 giờ, trôi dạt từ biển Đà Nẵng ra đến gần Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).
17 giờ vật lộn trong sóng dữ ảnh 1

Huỳnh Châu Ngọc Hà kể lại hơn 17 tiếng vật lộn để sinh tồn trên biển, giữa những cơn sóng dữ Ảnh: Giang Thanh

Ðịnh mệnh

Chúng tôi gặp Hà sau khi em được hỗ trợ để từ Đồn Biên phòng Cửa Đại (Quảng Nam) về lại khách sạn đang lưu trú ở Đà Nẵng. Cô gái có vóc người nhỏ nhắn, đôi bàn tay gầy gò với những vết xước vừa đóng vẩy. Đôi mắt Hà vẫn trũng sâu sau hơn 17 giờ không ngủ, vật lộn trên biển với mọi nỗ lực để tìm kiếm sự hỗ trợ, để sinh tồn.

Đây là lần đầu tiên Hà đến Đà Nẵng kết hợp vừa du lịch, vừa thăm bạn (người bạn hiện đang mất tích cùng với người cho thuê SUP - PV). Đây cũng là lần đầu tiên Hà trải nghiệm chèo SUP ở trên biển. “Ngày 19/12, thấy mưa to gió lớn nên em có nhắn tin lại cho bên thuê SUP để hủy. Đến sáng 20/12, bên đó liên hệ lại và thuyết phục tiếp tục tham gia vì thời tiết đã ổn, hôm đó còn có nắng đẹp. Em báo lại với bạn và bạn cùng đồng ý. Sau đó, anh hướng dẫn có gợi ý tụi em có thể chèo ở biển vì biển đẹp, sóng không quá to”, Hà nhớ lại.

17 giờ vật lộn trong sóng dữ ảnh 2

Chiếc SUP đã giúp cô gái 26 tuổi sinh tồn 17 giờ trên biển Ảnh: BĐBP

Khoảng 11h30, Hà cùng bạn di chuyển đến khu vực bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà) để chèo SUP. Quãng đường từ bãi cát ra phía biển khá thuận lợi, nhưng sự cố xảy ra khi cả 3 đang quay đầu vào bờ. “Lúc đó, SUP của anh hướng dẫn và bạn em bị lật, cả hai đều rơi xuống nước. Túi đựng điện thoại, vật dụng cũng bị trôi mất. Khoảng cách khá gần nên em cố sức chèo tới để hỗ trợ. Nhưng cứ chèo được một lúc lại bị sóng đẩy ngược ra xa. Đến khoảng 13h30, khi không thấy bóng dáng của 2 người còn lại, em mới biết mình đã bị sóng đánh dạt ra xa bờ rồi”, Hà kể.

Dù trước đó cũng học khóa chèo SUP, nhưng Hà chỉ mới chèo một lần ở trên sông Sài Gòn. Những hiểu biết của Hà về môn thể thao này cũng như kỹ năng để xoay xở khi gặp sự cố đa phần đều là lí thuyết. “Trong đầu em lúc đó chỉ nhớ được một điều, đó là chỉnh mũi SUP đối diện với con sóng mới có thể di chuyển tiếp mà không bị lật”, Hà nói.

Nghĩ là vậy, nhưng để có thể điều chỉnh mũi SUP theo ý muốn để có thể chèo vào bờ vốn không dễ dàng. Cứ chèo được một lúc, cô gái nhỏ lại bị gió thổi ngược ra.

Không bỏ cuộc

Kéo nhẹ ống quần, Hà chỉ cho chúng tôi vết bỏng rộp vẫn còn rỉ nước phía gót chân phải. Phần dây buộc liên tục cứa vào da khi Hà cố sức bơi vào hoặc khi chiếc SUP bị lật và bị thổi ra xa do sóng đánh. Hà kể, nhiều lúc cũng nghĩ hay là mình tháo dây buộc chân ra, bỏ SUP lại rồi bơi vào bờ nhưng quá mệt và đuối nên không thể làm được. “Em đang học bơi thì phải bỏ dở vì dịch bệnh, cũng chỉ biết một vài động tác cơ bản. Chân tay căng cứng, không còn sức để duỗi chân ra. Chiếc SUP như phao cứu sinh cuối cùng để em níu vào, cứ mệt là lại “vắt” người lên SUP để nghỉ”, Hà nói.

“Em cảm thấy cực kì may mắn vì vẫn luôn giữ niềm tin và không bỏ cuộc. Ngay từ lúc dạt xa khỏi hai người bạn, em đã rất sợ, cứ nghĩ là mình xong rồi. Em vẫn đinh ninh là bạn em cùng anh hướng dẫn ở gần bờ và đã bơi vào an toàn” - Hà tâm sự.

Đến khi tượng Phật bà trên chùa Linh Ứng chỉ còn là một điểm trắng mờ mờ, xa xăm, Hà biết mình đã ở rất xa thành phố. Lúc đó, Hà thấy một hòn đảo nhỏ và định bụng sẽ chèo về phía đó, ít nhất phải lên được bờ đã chứ không thể cứ mãi lênh đênh trên biển. “Nhưng khi trời tối đen, em thấy phía đó không có ánh điện, mà ở một phía khác lại thấp thoáng ánh đèn. Vì vậy em đổi hướng, cố sức chèo về phía hòn đảo có ánh đèn với hi vọng tìm được sự hỗ trợ”, Hà nhớ lại.

Những lúc sóng to, giữa bóng tối, Hà nhảy hẳn xuống biển từ trước để không bị đánh lật rồi lại lóp ngóp bơi về chiếc SUP để bám vào. Để không bị lạnh, Hà cũng chỉ có thể nằm sấp người trên SUP nghỉ ngơi. “Cứ nằm một lúc, thấy đỡ hơn là em tiếp tục chèo cả đêm như vậy”, Hà nói.

Đến hơn 5h sáng, khi mặt trời ló rạng, Hà thấy xa xa có một chiếc tàu lớn như xà lan. “Em dùng hết sức để gào lớn, nhưng họ không thể nghe thấy rồi cũng mất hút. Sau đó, em thấy một chiếc thuyền khác, cũng cố gắng gọi nhưng vô vọng”, Hà cho hay.

May mắn, một chiếc tàu cá gần đó thấy cô gái nhỏ lênh đênh trên biển đã lên tiếng hỏi thăm bảo Hà chèo về phía tàu. Nhưng gần đến mạn tàu, Hà lại bị đánh ngược ra xa. Cô lần theo những miếng phao mút rồi bám vào lưới đánh cá, nhưng khoảng cách quá xa nên những ngư dân trên đó chỉ cho Hà chèo về phía chiếc tàu khác đang tiến tới. “May mắn em nép được vào mạn tàu rồi được kéo lên. Khi lên tàu, hỏi mọi người, em mới biết mình đã dạt gần đến Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam!”, Hà thảng thốt nhớ lại.

Hà sẽ ở lại Đà Nẵng chờ đợi tin tức của người bạn đang mất tích. Lực lượng chức năng ở Đà Nẵng đang tiếp tục tìm kiếm 2 người mất tích. Sáng 22/12, đại diện Sở Du lịch và BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cũng làm việc với Hà để tìm hiểu thêm thông tin, hỗ trợ cho việc tìm kiếm.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.