160 năm Pháp tấn công Đà Nẵng - Kỳ cuối: Sửa sai với quá khứ

Tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng nằm trong phạm vi bảo vệ di tích thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Thành
Tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng nằm trong phạm vi bảo vệ di tích thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Hơn 20 năm phát triển “nóng”, những di tích, giá trị văn hóa lịch sử của Đà Nẵng đang mỏng đi, trong đó có những công trình liên quan đến buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã không còn, hoặc bị quên lãng. Thành phố đang nỗ lực sửa sai, giữ gìn và phát huy những giá trị của những công trình còn sót lại.

Những cái bóng “đè” lên thành Điện Hải

Tháng 3/2018, Đà Nẵng long trọng tổ chức đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với thành Điện Hải và khởi động dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo đối với di tích này.

“Thành Điện Hải là di tích có lúc bị khuất lấp, bị lãng quên, nhưng hiện tại được khôi phục lại. Lãnh đạo thành phố chủ trương xây dựng một quảng trường, tạm đặt tên là Quảng trường trung tâm Thành Điện Hải, tôi thấy sung sướng vô cùng. Nếu được thế này thì anh em làm văn hóa chúng tôi không có gì vui bằng”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT thành phố thốt lên tại hội thảo liên quan đến Thành Điện Hải được tổ chức 3 tháng sau ngày đón nhận bằng. 

Theo ông Hùng, công trình kiến trúc Thành Điện Hải quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa và rất đáng tự hào. Bởi thành Điện Hải biểu tượng chung về tinh thần yêu nước của nhân dân Đà Nẵng, miền Trung và của cả dân tộc ta giữa thế kỷ 19. “Gần đây, các nhà lịch sử nói một chi tiết này mà tôi thấy rất thú vị. Đó là, trong suốt cuộc chiến đầu tiên chống Pháp kéo dài từ 1858 đến 1884 này, cho đến khi thực dân Pháp thiết lập xong sự đô hộ, thì trận đánh vào Đà Nẵng và xung quanh thành Điện Hải (giai đoạn 1858-1860) là trận thắng duy nhất của quân và dân ta. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành Điện Hải đối với cuộc chiến chống thực dân Pháp giai đoạn này”, ông Hùng nói. 

160 năm Pháp tấn công Đà Nẵng - Kỳ cuối: Sửa sai với quá khứ ảnh 1 Thành Điện Hải đang được trùng tu, tôn tạo giai đoạn 1.Ảnh: Nguyễn Thành

Tại hội thảo này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố cho hay ý tưởng thiết kế kiến trúc xung quanh Thành Điện Hải chứng tỏ thái độ ứng xử đúng đắn đối với một di tích cấp quốc gia đặc biệt. “Chúng ta đã đối xử quá sai với di sản này, đã để “bóng đè” trên thành Điện Hải không phải là một mà là hai, ba bóng đè”, ông Tiếng cho biết.

Ông Tiếng không nói rõ, nhưng ai cũng biết những cái “bóng đè” lên Thành Điện Hải là gì. Là một khối bê tông của nhà bảo tàng xây ngay trên nền thành, là tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố (trên đường Trần Phú) xây dựng trong phạm vi vùng đệm bảo vệ di tích và xa hơn là công trình nhà hàng và bến du thuyền (của Vũ “nhôm”) án ngữ mặt tiền sông Hàn. Hay công trình tòa nhà Công viên phần mềm trên đường Quang Trung nằm ngay bên cạnh thành.

Việc di dời những “bóng đè” này, buổi họp báo của UBND thành phố Đà Nẵng vào 4/2018 được phóng viên báo chí đề cập. Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố hôm ấy đã “mong dư luận chia sẻ” về việc này, vì các công trình kiên cố trên đã đưa vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời ông cho hay, không phải các vị lãnh đạo tiền nhiệm làm các tòa nhà này là sai. Bởi khi đó, chúng ta chỉ nhận thức được đến đó. Chủ tịch Đà Nẵng cũng không khẳng định hay phủ định về việc di dời các công trình, đồng thời cho hay thành phố chi hàng chục tỷ để trùng tu, tôn tạo Di tích Thành Điện Hải.

Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố cho rằng, vào năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có hai động thái sửa sai, đó là quyết định không xây dựng Trung tâm lưu trữ ở sát tường thành phía Bắc ngay ở  “phút 89”. Và quyết định di dời mấy chục hộ dân để trả lại khu vực phía Tây thành. Đồng thời đề nghị nên bỏ ý tưởng xây bãi đỗ xe ngầm ở ngay mặt bằng mà trước đây dự kiến xây dựng Trung tâm lưu trữ. Và thành phố có thể tiếp tục sửa sai bằng động thái mở lại cổng thành phía Nam, là cổng chính vào thành trước đây, để có thêm một lối vào cho du khách tham quan từ phía đường Quang Trung. Đồng thời, tìm cách xử lý công trình nhà hàng, bến du thuyền của Vũ “nhôm” để trả lại tầm nhìn ra sông Hàn cho Thành Điện Hải.

“Từ cuộc chiến 1858 mà cả thế giới biết đến Việt Nam. Hình ảnh cuộc chiến 1850 -1860 ở Đà Nẵng đã được người phương Tây đưa vào trưng bày tại các bảo tàng lớn. Tại sao chúng ta không phát huy những giá trị đó để tôn lên giá trị của Thành Điện Hải, của cuộc chiến đấu oai hùng?”.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Quốc Đức Thiện

Để du khách "nhìn thấy" tiền nhân 160 năm trước

Dù là cái bóng “đè” lên thành Điện Hải, nhưng hiếm bảo tàng cấp địa phương nào như Bảo tàng Đà Nẵng mỗi ngày thu hút trên dưới 1.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, câu chuyện di dời bảo tàng ra khỏi khuôn viên thành lại được ông Huỳnh Quốc Đức Thiện - Giám đốc bảo tàng hết sức ủng hộ, dù rằng công sức tâm huyết anh chị em bao năm gầy dựng để tạo nơi đây thành điểm đến hút khách, đầy tiếc nuối.

Ông Thiện chia sẻ, việc di dời sẽ hạ giải công trình hiện nay nhưng sẽ giữ lại tầng hầm. Ở đó sẽ làm một bảo tàng trưng bày giới thiệu toàn bộ cứ liệu lịch sử liên quan đến thành Điện Hải và xem đây là bảo tàng sử liệu cuộc chiến 1858 - 1860. Bên trên sẽ phục dựng công trình như miếu thờ các anh hùng nghĩa sỹ, các danh tướng như Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Ân… thành một khu tâm linh. Công trình Kỳ đài và vọng gác sẽ được phục dựng. Còn lại sẽ để nguyên trạng bởi cứ liệu về thành Điện Hải chỉ dựa trên tài liệu thành văn của triều Nguyễn và khảo tả của người Pháp qua các bức ký họa.

Bảo tồn thích nghi và phải tính đến chuyện phát huy, khai thác giá trị. Ông Thiện cho hay sẽ dùng công nghệ 5D để du khách, người dân sống trong trận chiến, hiểu về cuộc chiến cách đây 160 năm như thế nào. Để làm việc đó, sẽ phải mời một hội đồng cố vấn, đạo diễn phim giỏi, dựng phim ngắn trong vòng 5 phút tái diễn lại một trận đánh tiêu biểu. Việc này ở bảo tàng nhiều nước phát triển đã làm và hiện chỉ mới dừng lại ở công nghệ 3D nhưng du khách xếp hàng dài để được xem. Hào quanh thành, sẽ bơm nước, thả sen, thả hoa súng, du khách có nhu cầu tham quan xung quanh sẽ có thuyền phục vụ. Các khẩu thần công sẽ bố trí lại, nhân viên, bảo vệ sẽ mặc sắc phục xưa theo như các bức ký họa. Bước vào thành là du khách bước vào và sống lại trong không gian xưa.

MỚI - NÓNG