160 năm Pháp tấn công Ðà Nẵng, Kỳ 2: Bằng chứng của sự khoan dung

Nghĩa địa Y Pha Nho được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất. Ảnh: Nguyễn Thành.
Nghĩa địa Y Pha Nho được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - 160 năm trước những người lính viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha xâm lược, đã thiệt mạng và nằm lại bán đảo Sơn Trà bên cạnh biển Tiên Sa. Ngày nay, những nấm mồ đó đang được sự chăm nom bởi những người dân, người lính Việt Nam.

Nghĩa địa độc nhất vô nhị

Bên cạnh thành Điện Hải và các nghĩa trang chôn cất các binh lính, sỹ phu của ta ngã xuống trong những năm đầu kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha, Đà Nẵng có một di tích lịch sử đặc biệt và được xem là độc nhất trên thế giới. Đó chính là nghĩa địa Y Pha Nho tựa lưng vào núi Sơn Trà, hướng ra biển Tiên Sa nằm gần cổng cảng Tiên Sa. Nghĩa địa này độc đáo, bởi những người đi xâm lược lại được chính mảnh đất, con người nơi đó bao dung giữ yên, chăm nom giấc ngủ vĩnh hằng bằng một sự bao dung hiếm có như ở Y Pha Nho.

Trong cuốn “Xứ Đông dương”, Toàn quyền Pháp những năm đầu thế kỷ 20 là Paul Doumer đã nhận định “Đội quân nhỏ bé của liên quân Pháp - Tây Ban Nha rã rời, tơi tả bởi các bệnh nhiệt đới khủng khiếp. Sốt, kiết lỵ, dịch tả tàn phá đội quân. Mỗi ngày, quân triều đình lại thắng một trận mà không cần ra quân. Nghĩa trang trong trại quân mà chúng ta thấy ngày nay đủ nói lên những tổn thất của liên quân. Nghĩa trang đó là chứng tích duy nhất còn lại của cuộc viễn chinh”.

160 năm Pháp tấn công Ðà Nẵng, Kỳ 2: Bằng chứng của sự khoan dung ảnh 1 Hình ảnh liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Ðà Nẵng ngày 1/9/1858 được trưng bày tại bảo tàng Ðà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho dời hơn 40 mộ sĩ quan đến một gò cao và xây tại đây một nhà nguyện, có tường bao quanh. Dưới nền nhà nguyện là một hầm đào sâu xuống, để xếp các hộp sắt đựng hài cốt các binh sĩ được đưa từ các nơi về. Bây giờ, nghĩa trang Y Pha Nho chỉ còn một ngôi nhà nguyện và vài chục nấm mộ xi măng.

Ngôi nhà nguyện cao khoảng 3,5m,  bên trong chỉ có một bàn thờ đơn giản theo nghi thức Công giáo. Phía trên là những phiến đá khắc một dòng chữ Latinh không rõ nghĩa. Phía bên trái có một bảng đá khắc dòng chữ Pháp: “A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux” (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 - 1859 - 1860 và được an táng ở đây).

Một ngày cuối tháng 8, luồn qua những hàng dài xe container nối đuôi nhau chờ vào cảng, chúng tôi có mặt tại nghĩa địa này khi ai đó vừa dọn dẹp, phát quang cây cỏ, sửa sang lại khuôn viên. Chúng tôi đứng bên những ngôi mộ dày đặc. Trắng xám, già nua trong chiều chuyển mưa, nghĩa địa như một nốt lặng giữa tấp nập ồn ào của xe cộ nơi bến cảng. Ghé trạm biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa, hỏi ra mới hay, lâu nay việc trông coi, sửa soạn, dọn dẹp nghĩa địa này là do các chiến sỹ trạm biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa đảm nhận.

Nhắc đến nghĩa địa Y Pha Nho nằm ngay trước mặt trạm, Đại úy Hồ Văn Toán, trạm phó cho biết : mới hôm qua, anh em đơn vị vừa phân công nhau lên cắt dọn khu nghĩa địa xong. Công việc này, cứ vài tháng anh em thay nhau làm một lần.

Anh em trạm kể lại rằng, trước đây, nghĩa địa này gần như bỏ hoang không ai chăm sóc nên hoang phế, âm u. Nhưng từ ngày đơn vị đóng quân tại đây, ngành chức năng thành phố gửi nhờ anh em coi sóc, nên nghĩa địa được chăm nom tươm tất sạch đẹp hẳn. Suốt mấy chục năm qua, công việc này được nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ của trạm chung tay, với tinh thần tự nguyện.

 Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng từng có nhiều năm công tác tại Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng chia sẻ, trước khi Sở Lao động thương binh xã hội thành phố đặt vấn đề nhờ anh em trạm chăm nom khu nghĩa địa cho quan Pháp, anh em đơn vị đã tự ý thức việc này. Ngoài việc tạo cảnh quan cho đơn vị còn là vì lễ nghĩa theo truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam với người đã khuất, bất kể đó là ai.

Chờ ý kiến của Bộ để xếp hạng di tích

Mới đây, dự buổi nói chuyện với đoàn viên thanh niên, học sinh các trường trên địa bàn ngay tại bảo tàng Đà Nẵng, trên nền móng thành Điện Hải, một học sinh đặt câu hỏi: vì sao nghĩa địa Y Pha Nho đến nay chưa được công nhận là di tích? Câu hỏi này khiến ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng có phần bối rối trong giây lát. Vì trước đó, ông Tiếng nhắc nhiều đến nghĩa địa này và khuyên các bạn trẻ nên tìm đến để hiểu biết thêm về lịch sử của cuộc kháng chiến oai hùng của nhân dân thành phố trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống pháp.

“Nghĩa địa Y Pha Nho là di tích vật thể về cuộc chiến tranh và là minh chứng cụ thể cho cuộc chiến đã xảy ra. Sự tồn tại của nghĩa địa thể hiện sự khoan dung của người dân Việt Nam, của người dân Ðà Nẵng. Nhìn vào nghĩa địa này bạn bè thế giới sẽ hiểu và kính trọng tâm hồn Việt. Hiếm nơi nào có được tinh thần này”.

Ông Huỳnh Văn Hùng

Ông Tiếng cho biết, đây là một nghĩa địa hết sức đặc biệt. Hiện nay đang có hai luồng quan điểm khác nhau về việc công nhận di tích đối với nghĩa địa Y Pha Nho. Quan điểm thứ nhất, nghĩa trang này là một bằng chứng về tội ác chiến tranh của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi tấn công vào Đà Nẵng, giết hại người Việt Nam và họ đã phải đền nợ máu. Nhìn vào nghĩa địa sẽ thấy đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, quan điểm ngược lại có tính nhân văn hơn mà cá nhân ông và nhiều người khác trong giới nghiên cứu ủng hộ. Nghĩa địa đó trên mảnh đất Đà Nẵng nơi họ gây tội ác cho dân Đà Nẵng, cho người Việt nhưng bây giờ vẫn được người Việt hương khói, thể hiện tấm lòng bao dung, tinh thần nhân văn của người Việt. Đây chính là biểu tượng của tinh thần đó.

 Đưa câu hỏi của học sinh nọ cho ngành VHTT, ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở VHTT  thành phố cho biết: Sở đang lập hồ sơ di tích và chờ ý kiến của Cục di sản. Trong điều kiện bình thường di tích cấp thành phố này do sở tham mưu, chủ tịch thành phố ký quyết định. Tuy nhiên, di tích nghĩa địa Y Pha Nho tương đối nhạy cảm, có yếu tố quốc tế nên thành phố phải xin ý kiến từ Cục di sản. Khi cục đồng ý, chủ tịch thành phố sẽ ra quyết định công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Khi được công nhận, sẽ có kế hoạch tôn tạo di tích này.

MỚI - NÓNG