15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách

15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách
TPO - Nhân đợt kỷ niệm 320 năm Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định (TPHCM bây giờ), tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1- TPHCM) sẽ trưng bày nhiều tư liệu quý lưu giữ quá trình định hình và khai mở vùng đất Nam kỳ, trong đó có 15 tấm bản đồ quý (nhiều tấm là bản gốc duy nhất) sẽ ra mắt người xem.
15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách ảnh 1

Bản đồ sông Sài Gòn do Bộ Hải quân Công binh Pháp vẽ 1859

Trong đó đáng chú ý sẽ là 05 bản đồ gốc về chiến sự quân Pháp tấn công Sài Gòn- Gia Định từ năm 1859 đến 1863. Đó là Bản đồ vẽ sông Sài Gòn 1859 do Bộ Hải quân Công binh Pháp vẽ; Bản đồ Sài Gòn 1860 của Trinh sát Công binh Pháp vẽ ngày 19/7/1860; Bản đồ Sài Gòn tháng 11/ 1861 vẽ Chiến tuyến Kỳ Hòa và phác đồ vị trí các đồn và các tàu Pháp ở Nam kỳ; Bản đồ cảng Sài Gòn 1863 dành cho chuẩn Đô đốc Grandière;  Bản đồ vẽ Sài Gòn 1866 của Hải quân Pháp. Đây đều là các tấm bản đồ từ trước tới nay chỉ dành cho các nhà nghiên cứu.

15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách ảnh 2Bản đồ Sài Gòn in màu năm 1878 

Ngoài ra tại Đường sách, BTC còn triển lãm 15 tấm bản đồ về Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định được vẽ theo thứ tự niên đại lưu hành (Bao gồm cả các bản in và bản vẽ tay) vào các năm: 1799, 1860, 1864, 1870, 1875, 1878, 1881, 1882, 1893, 1895, 1898, 1911, 1920, 1922,… Trong đó có nhiều tấm bản đồ có tính chất rất quan trọng, gây chú ý như tấm bản đồ Sài Gòn niên đại 1799 với hình vẽ chi tiết tòa thành và các ghi chú vị trí cung vua, cung hoàng hậu, cung hoàng tử, bệnh xá, kho thuốc súng, quảng trường diễu binh; bản đồ Sài Gòn năm 1870 đã xuất hiện các cơ quan như cơ quan chính quyền thống đốc (Nay là trường Trần Đại Nghĩa), chỗ ở của quan Pháp, Sở lục lộ, Sở giao dịch chứng khoán, Câu lạc bộ sĩ quan; tấm bản đồ Sài Gòn năm 1878, được in màu, các chú thích ghi rõ ràng như Dinh thống đốc, Tháp nước và các giếng, Tòa giám mục, Trường Trung học bản xứ, Nhà in quốc gia, Kho bạc, Phòng đăng ký ruộng đất và tài sản, Dinh giám đốc nội vụ, Sở nội vụ; bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận năm 1911 do Binh chủng Bộ binh thuộc địa dưới sự chỉ đạo của Đại úy Công binh Genez dựng và vẽ, in tại Nha Địa dư Đông Dương.

15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách ảnh 3   Dinh Toàn quyền Đông Dương (Nay đã xây lại thành dinh Thống Nhất)  

Đây là những bản đồ nằm trong bộ sưu tập gồm 80 bản đồ cổ được tạp chí Xưa & Nay sưu tầm trong thời gian hơn 10 năm qua, trong đó các tấm bản đồ tại Thư viện Pháp  lưu giữ do ông Lê Phỉ (Đà Lạt), bà TS  Phan Thị Minh Lễ (Paris) cung cấp và ủy quyền cho tạp chí Xưa & Nay sử dụng.

15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách ảnh 4Nhà thờ Đức Bà cuối thế kỷ 19

Ngoài ra cũng tại Đường sách, bộ ảnh panorama chụp cảnh Sài Gòn xưa lần đầu cũng được công bố, giúp cho công chúng được nhìn các khoảng không gian rộng của Sài Gòn cùng các công trình tiêu biểu như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Sài Gòn, chợ Bến Thành, khách sạn Continental, Dinh Thượng thơ, Dinh toàn quyền Đông Dương…  

 
15 tấm bản đồ cổ quý về Sài Gòn lần đầu ra Đường sách ảnh 5Chợ Bến Thành 

Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 30/11 cho đến ngày 9/12 tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.