15 năm thu hút nhân tài: 'Đất dụng võ' đã chật

Phó Giám đốc Sở KH&CN Vũ Thị Bích Hậu từng thuộc diện thu hút nhân tài ẢNH: NGUYỄN HUY
Phó Giám đốc Sở KH&CN Vũ Thị Bích Hậu từng thuộc diện thu hút nhân tài ẢNH: NGUYỄN HUY
TP - 15 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài bài bản nhất nước, Đà Nẵng tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng cán bộ, nhưng “đất dụng võ” đã chật, cần được mở rộng.

> Thu hút nhân tài cần sự chân thành
> Thiếu kỹ năng, khó có việc

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá 15 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài do Sở Nội vụ, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 23/4.

Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Đà Nẵng hiện có trên 1.000 cán bộ thuộc diện thu hút nhân tài. Qua khảo sát, 90% đạt yêu cầu trở lên; gần 80% cơ quan nhận định đối tượng thu hút (ĐTTH) có năng lực tiếp cận công việc nhanh hơn. Riêng khối sở, ngành thuộc UBND thành phố có 17% tổng số ĐTTH giữ chức vụ phó trưởng phòng trở lên. Nhiều cán bộ được bổ nhiệm chức danh giám đốc, lãnh đạo sở ngành.

Chỉ “chìa tay”, chưa “chia tay”

TS.BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng, cho biết, đơn vị mới thành lập nhưng kịp thời bổ sung nguồn y bác sĩ từ chính sách thu hút, đào tạo của thành phố. Riêng năm 2012, Đà Nẵng “kéo” 30 bác sĩ nội trú, sinh viên y khoa tốt nghiệp loại giỏi về công tác.

Tuy nhiên, đa số vẫn là sinh viên khá giỏi, còn số thạc sĩ, tiến sĩ về “đầu quân” cho Đà Nẵng chưa nhiều, khiến thành phố đang “khát” chuyên gia đầu đàn. TS Nguyễn Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, kiến nghị: Cần cơ cấu tăng số lượng nhà khoa học đầu đàn có trình độ cao để nghiên cứu, ứng dụng, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Ông Ngữ cho biết, Đà Nẵng đang xúc tiến “chiêu hiền” các chuyên gia đầu ngành. Nhưng để có “đất dụng võ”, thành phố phải cần thêm nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu để tạo môi trường làm việc hơn.

Theo khảo sát mới đây của Sở Nội vụ, có 14% ĐTTH được cho có năng lực ngang bằng với các nhân viên có cùng trình độ, thậm chí có gần 10% bị đánh giá thấp hơn.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, 15 năm qua, Đà Nẵng chỉ “chìa tay” thu hút nhân tài mà chưa có cơ chế sàng lọc “chia tay” người có danh mà không thực. Đà Nẵng cần cơ chế đánh giá, phân loại ĐTTH sau một thời gian để điều chỉnh chính sách phù hợp, làm cơ sở cho việc xét tuyển, bổ nhiệm vị trí cao, hay cho thôi việc…

Để người tài không còn là “ngoại binh”

TS Nguyễn Quốc Tuấn (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng: Ưu đãi để thu hút nhân tài chỉ là một mặt vấn đề, cần có thêm nhiều chính sách sử dụng, giữ chân người tài. Ông Bùi Văn Tiếng lý giải, người tài không chỉ muốn mình được hỗ trợ, ưu ái cái gì mà còn xem người giỏi ở đây đang được đối xử ra sao.

“Chiêu hiền” cần phải đi đôi với “đãi sĩ”, tạo môi trường, tâm lý, không khí lao động tốt nhất. Muốn thế, Đà Nẵng cần đổi mới cách dùng người tài, và giải quyết tốt vấn đề giữa nhân tài thu hút và nhân tài tại chỗ. Sao cho ĐTTH không còn là “ngoại binh”, tránh đố kị, bè phái…

Theo TS Hùng, thực tế đãi ngộ mà Đà Nẵng đang áp dụng chỉ là một phần nhỏ so với kinh phí tự đào tạo, bồi dưỡng của những ĐTTH. Vấn đề là làm sao tạo cơ chế làm việc, trọng dụng thực sự phù hợp, phát huy được năng lực của họ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.