Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), đơn vị này đã mở rộng kinh doanh, nâng tổng số thị trường phát hành xổ số tự chọn lên 48 tỉnh/thành phố, doanh thu bán vé có thuế đạt gần 3.800 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý trong báo cáo là Vietlott công bố mức lợi nhuận trước thuế là hơn 338 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 199 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và 139 tỷ đồng từ thu nhập khác.
“Thu nhập khác” chủ yếu đến từ 4 giải Jackpot vô chủ, bao gồm: 105,5 tỷ đồng giải Jackpot Mega 6/45 kỳ quay 226; 10,5 tỷ đồng giải Jackpot 2 Power 6/55 kỳ quay 79; 4,1 tỷ đồng giải Jackpot 2 Power 6/55 kỳ quay 136; 16,3 tỷ đồng giải Jackpot Mega 6/45 kỳ quay 309.
Theo đại diện Vietlott, các giải Jackpot vô chủ sẽ được xử lý theo Nghị định 122/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nếu hết thời hạn lĩnh thưởng mà người trúng thưởng không đến lĩnh thưởng thì doanh nghiệp kinh doanh xổ số điện toán được phép hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
Cũng theo Nghị định này, sau khi xác định doanh thu bán vé, Vietlott có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 15%), thuế thu nhập cá nhân từ người trúng thưởng (thuế suất 10% phần vượt 10 triệu đồng).
Sau khi trừ chi phí kinh doanh, lợi nhuận thuần cộng với thu nhập khác sẽ được Vietlott nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) và được phân bổ về ngân sách địa phương.
“Điều đó có nghĩa giá trị giải Jackpot trị giá 136,5 tỷ đồng không có người nhận thưởng sẽ được nộp ngân sách 48 tỉnh, thành phố Vietlott triển khai kinh doanh để đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình phúc lợi xã hội khác theo quy định của Bộ Tài chính” – đại diện Vietlott khẳng định.