Theo tờ trình của Chính phủ, Quản chế hành chính là một biện pháp hành chính mang tính lịch sử, được Nhà nước ta áp dụng ngay từ những ngày đầu lập nước và đã phát huy tác dụng góp phần bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong các giai đoạn cách mạng.
Từ năm 1995, khi có Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp này được ghi nhận lại với tư cách là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính và đã được cụ thể hóa bằng Nghị định 31/CP (ngày 14/7/1997).
Theo pháp luật hiện hành, biện pháp quản chế hành chính (thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị quản chế hành chính phải cư trú, làm ăn, sinh sống tại một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương.
Về thực chất, quản chế hành chính là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan tổ chức và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định bằng một quyết định hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia.
Nhưng hiện nay, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, thực hiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân vi phạm pháp luật bằng một quyết định hành chính theo trình tự, thủ tục hành chính (chứ không phải tư pháp) đã và đang gây những phản ứng không thuận từ nhiều phía.
Thêm nữa, thực tế áp dụng biện pháp quản chế hành chính thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế bất cập như: rất khó minh định thế nào là “chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; người bị quản chế được giao cho chính quyền cơ sở (xã, phường) quản lý thường là phần tử có trình độ, có hành vi chống đối chính quyền làm chính quyền cơ sở lúng túng; quản chế hành chính chỉ hạn chế quyền tự do đi lại chứ không hạn chế quyền của công dân về tự do ngôn luận, báo chí, quyền được thông tin…nên không ngăn chặn được được việc trao đổi thông tin, liên lạc giữa đối tượng với bên ngoài.
Vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép bãi bỏ biện pháp này, đồng thời đề nghị UBTVQH ra Nghị quyết về việc bãi bỏ biện pháp hành chính tại phiên họp thứ 45 này để có thể có hiệu lực từ đầu năm 2007.
Qua thảo luận, các ủy viên UBTVQH đều tán thành việc UBTVQH sẽ quyết định bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính, nhưng đa số ý kiến đều cho rằng hình thức bãi bỏ biện pháp này phải bằng một Pháp lệnh thay vì một Nghị quyết như Chính phủ đề nghị. Và để có Pháp lệnh (sau đó Chủ tịch nước ký lệnh công bố) thì theo trình tự làm luật, nó phải được thông qua vào phiên họp sau của UBTVQH vào cuối tháng 1/2007.
Thành lập Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an
Trước đó, sáng 14/12, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về việc sửa đổi điều 9 của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Theo đó, sẽ thành lập thêm Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng trong tổ chức của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cục này sẽ có chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy độc lập với các Cục CSĐT tội phạm hiện có.
Tổ chức của Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh và cấp huyện vẫn giữ như cũ. Ở địa phương, việc phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm về tham nhũng tiếp tục giao cho lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.
Theo tờ trình của Chính phủ, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng của Bộ Công an phải là một loại cơ quan điều tra có nhiệm vụ phát hiện, điều tra các tội phạm về tham nhũng ở phạm vi toàn quốc.
Về quyền hạn điều tra của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Chính phủ đề nghị không quy định thẩm quyền điều tra đặc biệt (cả về tố tụng và hành chính) cho Cục này.
Thẩm tra việc sửa đổi nêu trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, về nguyên tắc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng không phải là một cơ quan điều tra độc lập, vì vậy không nên quy định thẩm quyền đặc biệt cho Cục này.
Tại phiên họp, UBTVQH cho biết vừa ban hành nghị quyết có nội dung về thành lập đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, Quyết định của Bộ Công an về việc thành lập Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, được ban hành trước khi phiên họp lần này của UBTVQH diễn ra, sẽ phải huỷ bỏ để ban hành lại theo đúng quy trình, nghĩa là sau khi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.