12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Là trưởng phòng một công ty truyền thông với mức lương hấp dẫn 18 triệu đồng/tháng, lúc cao điểm, chị H. chi đến 1/3 thu nhập cho thói quen uống trà sữa hàng ngày, trung bình mỗi ngày uống 2-3 cốc.

"Mọi người thường thưởng thức cà phê vào buổi sáng nhưng tôi lại có thói quen uống trà sữa hàng ngày. Tôi xem loại đồ uống này như "công tắc bật mood" để duy trì sự tập trung, trạng thái tỉnh táo và tinh thần thoải mái trong môi trường làm việc văn phòng thường xuyên chịu áp lực deadline", chị H. nói.

12 năm uống trà sữa tốn gần nửa tỷ đồng

Chị P.T.H (38 tuổi, trưởng phòng của một công ty truyền thông ở Hà Nội) cho biết, thói quen uống trà sữa vào giờ làm đã trở thành văn hóa làm việc tại công ty. Sau mỗi giấc ngủ trưa, khi quay trở lại bàn làm việc, câu đầu tiên mọi người nói sẽ là "Hôm nay uống gì?".

"Phòng tôi có 15 người, phần lớn là các bạn Gen Z nên hầu hết đều có sở thích uống trà sữa giống nhau. Cứ 2 giờ chiều, mọi người sẽ bắt đầu "chốt" loại trà sữa mình thích rồi đặt giao hàng online. Chúng tôi cũng không uống nhất định một thương hiệu nào mà thường thay đổi để thử các món, hương vị mới", chị H. nói.

12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng ảnh 1

Uống trà sữa là thói quen của nhiều người trẻ hiện nay, thậm chí trở thành nét văn hóa đặc trưng ở một số công ty, văn phòng (Ảnh: P.H).

Người phụ nữ 38 tuổi tiết lộ bắt đầu uống trà sữa từ 12 năm trước, trung bình uống 2-3 ly trà sữa một ngày, mỗi ly khoảng 50.000 - 60.000 đồng, tùy loại trà và lượng topping gọi thêm.

Con số này có thể tăng lên sau ngày nhận lương, khi cần "bứt tốc" hoàn thiện deadline hoặc phải "cắt giảm" vào cuối tháng.

Chị H. nhẩm tính, mỗi tháng tốn khoảng 3-3,5 triệu đồng cho việc uống trà sữa. Tuy nhiên, có đợt đỉnh điểm, ngoài uống ở công ty, chị còn lê la cùng bạn bè hoặc đưa hai con tới các quán trà sữa vào buổi tối hoặc cuối tuần.

"Tháng nhiều nhất, tôi uống đến hơn 90 ly trà sữa, tốn gần 6 triệu đồng. Có nhiều hôm, tôi gọi ly size L, đầy đủ topping như thạch sương sáo, trân châu,... thì chi phí chừng 50.000 - 60.000 cốc.

Đó là với các thương hiệu trà sữa bình dân. Còn nếu mua thương hiệu nổi tiếng như Phúc Long, Starbuck, Highland,... thì giá cao hơn, ly đắt nhất tôi từng uống là 85.000 đồng", chị H. nhớ lại.

12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng ảnh 2

Chị H. tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho thói quen uống trà sữa suốt 12 năm qua (Ảnh: P.H).

Với mức thu nhập khá, không áp lực về kinh tế nên nữ trưởng phòng cho rằng số tiền vài triệu đồng bỏ ra hàng tháng để uống trà sữa là hợp lý và xem đó như cách để tự thưởng cho bản thân.

Song người phụ nữ này cũng thừa nhận "không ngờ nhiều đến mức như vậy" khi tính toán lại chi phí uống trà sữa hàng năm. Trung bình, chị tiêu tốn khoảng 35-40 triệu đồng cho việc mua trà sữa mỗi năm.

Sau 12 năm, con số "đội lên" tới gần nửa tỷ đồng.

Chị H. nói, sẽ giảm tần suất lại vì thực tế, trà sữa cũng được cho là thức uống không tốt cho sức khỏe nếu sử dụng quá nhiều và liên tục.

Để không bị tăng cân, giảm sức khỏe vì trà sữa, chị H. kết hợp luyện tập đều đặn 2-3 tiếng mỗi ngày, thay đổi các bài tập cho phù hợp, từ chạy bộ, đạp xe cho đến chơi cầu lông, tập aerobic,...

Không quan trọng về giá

Nhiều người trẻ cho rằng, việc uống trà sữa là sở thích, không quá quan trọng chuyện giá cả nên chi 50.000-100.000 đồng cho một ly trà sữa là bình thường, "ai thấy phù hợp nhu cầu, khả năng tài chính của bản thân thì mua".

Thu Hằng (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) thường quan tâm tới hương vị hơn là giá cả của một cốc trà sữa. 5 năm duy trì sở thích này, 9X đã thử hầu hết trà sữa của các thương hiệu trong trung tâm, từ bình dân đến đắt tiền.

12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng ảnh 3

Ở Việt Nam hiện có nhiều loại trà sữa với hương vị và mức giá khác nhau (Ảnh: T.T).

Theo Hằng, uống một cốc trà sữa giúp bản thân thỏa mãn cơn thèm và có thêm năng lượng làm việc nên không ngại chi tiền để mua. Mỗi ngày, cô gái trẻ uống 1-2 ly, vào buổi sáng và đầu giờ chiều.

"Một tuần tôi uống trà sữa khoảng 6-7 lần, chủ yếu khi đi làm nhưng không phải lúc nào cũng mua hãng đắt đỏ. Thỉnh thoảng tôi "săn" khuyến mãi hoặc áp mã giảm giá nhưng có khi chi 70.000 - 80.000 đồng để mua một ly trà", Hằng kể.

Dù nhận thấy chi phí cho một cốc trà sữa khá tốn kém và khoản tiền mua loại đồ uống này có khi chiếm tới 1/3 mức lương nhưng 9X thừa nhận, uống trà sữa đã thành thói quen khó bỏ. Bù lại, cô gái trẻ cố gắng cân đối các khoản chi tiêu khác như hạn chế mua sắm, vui chơi, không ăn ngoài,...

12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng ảnh 4

Thu Hằng cùng bạn bè đi uống trà sữa thường quan tâm đến hương vị hơn là giá cả (Ảnh: T.H).

Tự nhận là "fan cuồng" trà sữa, Nhật Anh (29 tuổi, ở quận Hoàng Mai) cho biết trước đây từng nhịn ăn sáng, dành 30% khoản thu nhập mỗi tháng để mua thức uống "quốc dân" này.

Tuy nhiên, thói quen chi tiền cho trà sữa của 9X hiện tại đã khác. Thay vì thoải mái mua trà sữa như trước, ở tuổi gần 30, cô gái trẻ trở nên khắt khe hơn trong việc chi tiêu vì cần thực hiện một số kế hoạch tài chính quan trọng khác.

Nếu trước đó, Nhật Anh uống 2 ly trà sữa mỗi ngày, mua bất kỳ loại nào bản thân thích mà không quan trọng về giá thì bây giờ, số lượng giảm xuống còn 3-4 ly/tuần và cô chỉ uống khi có khuyến mãi.

Cô cũng từng mua ly trà sữa có giá 90.000 đồng từ một thương hiệu có tiếng bởi "nghiện" hương vị khác biệt của hãng này. Song, hiện nay, 9X phải cân đối, chỉ mua size nhỏ, ít topping với giá tầm 30.000 - 40.000 đồng/ly.

"Trên một số ứng dụng online thường có các chương trình khuyến mãi về đồ uống hoặc đôi khi cửa hàng mới nào đó khai trương, có giảm giá cho khách mua thì tôi sẽ tận dụng cơ hội đó.

12 năm 'nghiện' trà sữa, cô gái ở Hà Nội tiêu tốn gần nửa tỷ đồng ảnh 5

Nhiều người trẻ sẵn sàng chi cả trăm nghìn đồng mỗi ngày để uống trà sữa vì thức uống này giúp họ cảm thấy thoải mái, tỉnh táo hơn để tập trung làm việc (Ảnh: P.H).

Trước đây, mỗi tháng, tôi tốn ít nhất 2,5 triệu đồng tiền trà sữa thì giờ chỉ cho phép bản thân tiêu vài trăm nghìn đồng cho việc mua loại đồ uống này", Nhật Anh kể.

Cô gái trẻ cho rằng, mỗi người có một sở thích, khẩu vị và quan điểm riêng. Chưa kể trà sữa ở Việt Nam hiện có rất nhiều hãng với đủ loại giá thành và hương vị. Tùy nhu cầu mà mọi người chi tiêu số tiền tương ứng để thưởng thức loại đồ uống này.


Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/12-nam-nghien-tra-sua-co-gai-o-ha-noi-tieu-ton-gan-nua-ty-dong-20221027231000691.htm

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.