Trong số 11 dự án trên có 10 dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, 1 dự án đầu tư bằng hình thức PPP (đối tác công - tư). Theo Sở GTVT Hà Nội, 10 dự án đầu tư công gồm: Cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5; cải tạo, mở rộng tuyến Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy; đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai; xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối với phố Trần Vĩ; xây dựng hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3; xây dựng hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3; xây dựng cầu vượt trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) và quốc lộ 6; xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam, thuộc địa phận huyện Đan Phượng và Phúc Thọ; xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ga Cát Linh) và dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ga S10); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21B từ đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hòa (Km31+550 đến Km41+550).
Ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở do lưu lượng phương tiện tăng cao |
Một dự án đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh.
Về lộ trình, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho cả 10 dự án đầu tư công. Trong số này có 4 dự án Sở GTVT đã trình UBND thành phố, Sở KH&ĐT thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 6 dự án đã hoàn thành phương án nghiên cứu và dự kiến trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay trong tháng 5/2024.
Góp phần xóa điểm ùn tắc
Trao đổi với PV Tiền Phong về phương án kỹ thuật để thi công, cải tạo nút giao đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt, Xuân Đỉnh - Nguyễn Hoàng Tôn đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hai nút giao này được tư vấn đề xuất làm hầm chui để kéo dài đường Hoàng Quốc Việt và đường Xuân Đỉnh - Nguyễn Hoàng Tôn. Khi hoàn thành các dự án này, xe đi từ hướng Cầu Giấy sang Bắc Từ Liêm các huyện phía Tây sẽ đi ở dưới hầm, giảm giao cắt, xung đột với đường Vành đai 3.
Với dự án đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối với phố Trần Vĩ, đơn vị Tư vấn thiết kế cho biết, hầm sẽ được làm theo hướng đường Hoàng Quốc Việt sang phố Trần Vĩ (quận Bắc Từ Liêm), dự án gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô 4 làn xe và đường dẫn hai bên để kéo dài đường Hoàng Quốc Việt. Tổng mức đầu tư dự án hầm chui tại nút giao Hoàng Quốc Việt được tư vấn dự toán khoảng 850 tỷ đồng.
Tư vấn thiết kế cũng cho biết, ngoài xóa ùn tắc tại nút giao Hoàng Quốc Việt, dự án cũng nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì hình thành theo quy hoạch trong tương lai.
Với dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Tuyến đường đã được tư vấn đề xuất với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km (rộng gấp đôi hiện nay khi mặt cắt đang có là 21m), tổng mức đầu tư được tư vấn tạm tính hơn 10.000 tỷ đồng.
Đánh giá về việc đầu tư dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy), Sở GTVT Hà Nội cho biết: cần thiết, vì nút giao Ngã Tư Sở phải được giảm tải áp lực giao thông sớm khi lượng xe đổ về đây đang quá lớn, cùng với đó là tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy đoạn đường dài chỉ 3,4 km nhưng trục giao thông từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) đang có hơn 10 điểm, nút giao cắt, trong đó có tới 7 nút giao thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Do vậy việc sớm thực hiện và hoàn thành dự án sẽ giúp trục đường này giảm lưu lượng xe (một phần đi trên cao, lòng đường mở rộng), xóa được các điểm đang xảy ra ùn tắc.