108 phút vượt qua nghìn thế kỷ - tiếp theo

108 phút vượt qua nghìn thế kỷ - tiếp theo
TP - Như đã nói ở kỳ trước, trong giai đoạn phóng, đã xảy ra sự cố mất liên lạc với Gagarin làm Tổng công trình sư vũ trụ Korolyov hoảng hồn. Nhưng đó không phải là trục trặc duy nhất của chuyến bay.

108 phút vượt qua nghìn thế kỷ

Tên lửa đẩy Phương Đông làm việc tương đối tốt nhưng ở cuối của giai đoạn phóng, đã xảy ra một trục trặc: Hệ thống điều khiển vô tuyến có nhiệm vụ ngắt động cơ của tầng tên lửa thứ 3 đã không hoạt động. Động cơ chỉ bị ngắt khi hệ thống điều khiển dự bị hoạt động, nhưng lúc này con tàu đã bị đẩy lên một quỹ đạo mà điểm xa nhất cao hơn đến 100 km so với qũy đạo tính toán.

“Chiến công của Gagarin là đóng góp lớn lao cho khoa học, ông đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người - bắt đầu các chuyến bay của con người vào vũ trụ, mở ra con đường nối các hành tinh.” - Viện sĩ M.V. Keldysh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô

Với quỹ đạo như thế, trong trường hợp động cơ hãm không hoạt động và con tàu phải hoạt động theo chế độ “hãm tự nhiên” để nó tự chuyển động chậm dần trên tầng cao nhất của khí quyển rồi đi vào khí quyển, trở về trái đất thì phải mất từ 20 đến 50 ngày so với 10 ngày dự trữ thức ăn và dưỡng khí trên tàu. Rất may là sau đó, động cơ hãm đã hoạt động tương đối tốt.

Sau này, Gagarin đã mô tả những gì ông cảm thấy trong giai đoạn phóng: Lệnh từ đài chỉ huy phát ra đúng câu của người Nga: “Poekhali - Lên đường”, một tiếng gầm lớn của động cơ tên lửa, con tàu rời bệ phóng.

Một lực bất khả kháng càng lúc càng ghì người vào ghế ngồi... Rồi Đài chỉ huy cho biết 70 giây đã qua. Khi tàu Phương Đông 1 vượt qua các lớp khí quyển dày đặc, bộ phận phía trước tự động tách ra và bay đi… Xa xa, bề mặt quả đất hiện ra qua cửa kính nhỏ của tàu.

Phương Đông 1 đang bay trên vùng Xibêri. Ở độ cao hơn 300 km nhìn xuống, nhà du hành số 1 thấy quả đất màu xanh nhạt tuyệt đẹp nổi trên nền mây tím không gian. Ông thấy rõ biển cả, núi non, thành phố. Ông cũng thấy từ vũ trụ, nhìn các ngôi sao rõ hơn trên mặt đất nhiều.

Lần đầu tiên, một con người được nhìn bằng mắt thật của mình cái nôi trái đất đang trôi trong không gian. Cảnh tượng đẹp đến nỗi sau này, Gagarin viết một câu nay trở thành nổi tiếng: “Bay quanh Trái đất trên con tàu-vệ tinh, tôi thấy trái đất của chúng ta đẹp đến mức nào. Hỡi mọi người, chúng ta sẽ gìn giữ và nhân vẻ đẹp đó lên, đừng huỷ hoại nó”.

Trên quỹ đạo, Gagarin tiến hành một số thí nghiệm đơn giản nhất: ăn, uống và viết bằng bút chì. “Đặt” bút chì xuống cạnh mình, ông thấy nó lập tức trôi bồng bềnh trong không gian, hệ quả của tình trạng không trọng lượng. Tất cả những gì cảm thấy và quan sát được ông nói vào máy ghi âm trên khoang lái.

Trước chuyến bay, người ta còn chưa biết là điều kiện vũ trụ sẽ tác động thế nào đến tâm lý con người; bởi vậy người ta đã nghĩ ra một hệ thống đề phòng nhà du hành vũ trụ đầu tiên sẽ không làm chủ được và sẽ chuyển từ chế độ lái tự động (chuyến bay của Gagarin được thiết kế tự động hoàn toàn) sang tự lái: Để chuyển sang lái bằng tay, nhà du hành phải mở một cái phong bì dán kín, trong đó có mẩu giấy ghi mã số.

Nạp mã số đó vào máy, chế độ lái tự động sẽ ngắt và chế độ lái tay được khởi động. Gagarin kể lại rằng, quả thật trong 108 phút bay đó, không phải một lần, ông đã có ý muốn đến khó kìm giữ là được lái con tàu bằng tay. Rất may, điều đó không xảy ra.

Sau 108 phút bay trọn một vòng trên quỹ đạo quanh trái đất, vào lúc 10h55’34’’l, bắt đầu giai đoạn trở về. Động cơ hãm do công trình sư Isaev thiết kế đã khởi động thành công nhưng xung động mạnh do nó gây ra đã làm thiết bị điều khiển tự động không cho phép các khoang tách ra khỏi khoang đổ bộ. Điều này khiến cho trong vòng khoảng 10 phút trước khi trở lại bầu khí quyển, con tàu bị nhào lộn loạn xạ và xoay với vận tốc 1 vòng /giây.

Gagarin quyết định không làm các nhà chỉ huy chuyến bay (mà thứ nhất là Korolyov) hoảng sợ và chỉ báo cáo rất vắn tắt chung chung về tình huống lỗi trên tàu. Khi con tàu đã đi vào tầng khí quyển dày hơn, các cáp nối bị cháy, lệnh tách rời các khoang tàu lần này do bộ cảm biến nhiệt đưa ra, thiết bị hạ cánh rốt cuộc đã tách ra khỏi các khoang khác.

Đó thực sự là những giây phút khó khăn với Gagarin. Con tàu quay tít hệt như một con quay của trẻ con. Tiếng ồn ngày càng lớn. Tải trọng tăng nhanh. Xảy ra hiện tượng mà sau này Gagarin kể lại giống như vũ ba lê: chân - đầu, đầu - chân lộn xà ngầu khiến máu như sôi lên. Mười phút địa ngục như thế!

Khi khoang đổ bộ đã chuyển động thăng bằng trong khí quyển, lại một hiện tượng làm hoảng hồn mà các nhà kỹ thuật đã không báo trước cho Gagarin: vỏ của khoang đổ bộ bùng cháy và những dòng kim loại nóng chảy trườn trên cửa kính của tàu.

Nghe rõ tiếng răng rắc và ngọn lửa đỏ rực từ bên ngoài rọi bừng cả ca bin. Cháy rồi! Không có gì đáng sợ hơn đối với các phi công bằng lửa bốc cháy trên khoang. Mà Gagarin cũng như các đồng đội trong Nhóm không lực số 1 đều xuất thân từ phi công tiêm kích. “Tàu cháy rồi” - Gagarin kêu thầm trong đầu.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây và 'cô tiên' Trúc Phương bị bắt; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.