Cá mập trắng lớn (danh pháp khoa học: Carcharodon carcharias), còn được biết đến với các tên gọi khác như mũi kim trắng, cái chết trắng, cá mập trắng, là một loài cá mập lớn thuộc bộ Cá nhám thu được tìm thấy ở miền duyên hải trên khắp các đại dương.
Cá mập trắng được biết đến vì kích thước to lớn của nó, dài 6,4 m và cân nặng hơn 3 tấn. Loài này trưởng thành về sinh sản khi khoảng 15 năm tuổi. Tuổi thọ của cá mập trắng khoảng 70 năm. Cá mập trắng có thể đạt tốc độ bơi hơn 56 km/h.
Lưng cá mập trắng có màu xám nhạt. Khi nhìn từ dưới nước bụng chúng có màu trắng và cái lưng màu xanh. Cá mập trắng thường bơi và săn mồi vào ban ngày. Cái đuôi của chúng có gờ đuôi làm cản sức nước giúp con cá phóng đi như tên bắn.
Do hàm răng là công cụ săn mồi tối quan trọng của cá mập trắng nên chúng có thể thay răng rất nhiều lần. Răng cá mập có thể thay không giới hạn trong suốt cuộc đời chúng. Ngay sau khi một chiếc răng bị gãy, tổn thương... một chiếc mới sẽ thay thế nó trong vòng một thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ trong 24 giờ. Chính đặc điểm này giúp cá mập luôn luôn có một hàm răng sắc khỏe, đảm bảo những cuộc săn mồi thành công.
Trong số 100 vụ tấn công do cá mập gây ra hàng năm trên toàn thế giới, thì một phần ba đến một nửa trong số đó là do Cá mập trắng lớn gây ra. Tuy nhiên, hầu hết những vụ tấn công đó đều không gây tử vong. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy rằng Cá mập trắng lớn thực chất rất tò mò, chúng chỉ “cắn thử” nạn nhân rồi nhanh chóng nhả ra chứ không hề săn đuổi con người.
Được tìm thấy chủ yếu trong những vùng nước mát ven biển trên toàn thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa có một dữ liệu đáng tin cậy nào về quần thể của cá mập trắng lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đồng ý rằng số lượng của chúng đang giảm mạnh do việc đánh bắt quá mức. Hiện tại, Cá mập trắng là một trong những loài động vật được liệt vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ.
Cá mập trắng bị loài nào hạ gục?
Một nghiên cứu mới đây do Viện Hải dương Vịnh Monterey thực hiện được công bố trên tạp chí Nature chỉ ra rằng loài cá mập trắng đã phải rời khỏi khu vực săn mồi ưa thích của chúng, sau khi những con cá voi sát thủ xuất hiện.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định những con cá mập không bén mảng tới nơi mà mình từng làm bá vương trong suốt 1 năm, dù loài cá voi sát thủ không lưu lại tại đó quá lâu.
Để đi đến kết luận này, các chuyên gia hải dương học từ Viện hải dương Vịnh Monterey đã ghi lại các cuộc chạm trán giữa những kẻ khát máu nhất trong đại dương tại Khu bảo tồn biển quốc gia Greater Farallones, ngoài khơi San Francisco, California, Mỹ.
Họ sau đó phân tích tương tác giữa 2 loài này dựa trên dữ liệu thu được từ thiết bị gắn trên 165 con cá mập từ năm 2006 tới năm 2013. Từ đó tổng hợp các nghiên cứu về hải cẩu, cá voi sát thủ và cá mập tại Farallones trong suốt 27 năm.
Kết quả, cá mập trắng và cá voi sát thủ sống tại Farallones rất ít khi chạm trán với nhau mà nguyên nhân chủ yếu là bởi cá mập trắng đã chủ động tránh né đối đầu. Chúng thường tháo chạy khỏi những nơi mà cá voi sát thủ xuất hiện và không trở lại cho tới mùa tiếp theo.
Dữ liệu từ các thẻ điện tử gắn trên 165 con cá mập còn cho thấy chúng rời đi chỉ vài phút sau khi cá voi sát thủ đến.
Clip nguồn youtube
"Trung bình chúng tôi ghi nhận khoảng 40 trường hợp cá mập trắng săn hải cẩu voi tại Farallones mỗi mùa. Sau khi cá voi sát thủ xuất hiện, chúng tôi không còn thấy bất cứ con cá mập nào và các hoạt động săn bắt cũng không còn nữa", ông Scot Anderson, một trong các tác giả của nghiên cứu cho biết. Các con cá mập mà ông Anderson nhắc tới đều có kích thước đáng nể, một số dài hơn 5 m và nắm bộ quyền kiểm soát khu vực trước khi khắc tinh của nó xuất hiện.
Theo ông Salvador Jorgensen, một đồng nghiệp của ông Anderson, dù là kẻ săn mồi khét tiếng nhưng cá mập trắng vẫn sẵn sàng chuyển địa điểm săn mồi sang khu vực không phải là nơi ưa thích nhưng đổi lại an toàn hơn với chúng.