Với Việt Nam, Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ là nguồn chỉ dẫn lý luận, tạo cảm hứng sáng tạo cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên XHCN mà luôn có ý nghĩa, tầm ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tạo cuộc cách mạng về tư duy
Bàn về Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, PGS.TS Nguyễn An Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là quy luật vận động của thực tiễn chính trị xã hội Việt Nam. Nó được xác định từ nhiều vận động dích dắc của lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
“Công lao to lớn thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng những chỉ dẫn lý luận, gợi ý thực tiễn, nơi gợi nguồn cảm hứng, sáng tạo là Cách mạng tháng Mười Nga, V.I. Lê Nin vĩ đại. Từ thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã được giác ngộ và đã có một cuộc đổi mới tư duy về Cách mạng Việt Nam. Đó là đổi mới về mục tiêu và biện pháp của cách mạng giải phóng dân tộc và con đường phát triển của đất nước, theo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa”, PGS Ninh khẳng định.
Đặc biệt là thấy được hình thái dân tộc của đấu tranh giai cấp và vận dụng lý luận của CNXH vào giải quyết vấn đề dân tộc Việt Nam. “Chủ nghĩa Mác – Lênin đã gắn kết hai lực lượng mạnh mẽ nhất của dân tộc là phong trào yêu nước và phong trào công nhân với một lý luận khoa học và từ đó tạo ra được hạt nhân, bộ tham mưu, đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kể từ đây, cách mạng Việt Nam có bước chuyển mới về tư duy: Người Việt Nam bắt đầu cuộc giải phóng và phát triển bằng đổi mới tư duy, bằng giác ngộ lý luận chứ không phải bằng hành động “truyền hịch, dựng cờ khởi nghĩa” như xưa. Đó cũng là điều rất cơ bản của Cách mạng Việt Nam và của thời đại” PGS.TS Nguyễn An Ninh nhấn mạnh về những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Theo PGS Ninh, đổi mới tư duy của Hồ Chí Minh về con đường Cách mạng Việt Nam từ lý luận, kinh nghiệm và cảm hứng của Cách mạng tháng Mười Nga có thể khái quát ở những điểm cơ bản.
Đó là: Cách mạng muốn thành công phải có thực lý luận dẫn đường; Muốn giải phóng dân tộc thì đồng thời phải giải phóng giai cấp và giải phóng con người để từ đó bước vào một chặng phát triển với chất lượng mới là XHCN; Cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN ở Việt Nam muốn thành công phải có tổ chức khoa học, rộng lớn và biện pháp linh hoạt, khoa học.
“Dân là chủ”, “dân làm chủ”.
TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư khẳng định, một thế kỷ đã qua, nhân loại chứng kiến biết bao những thăng trầm, biến cố phức tạp. Nhưng Cách mạng tháng Mười Nga vẫn là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Lý tưởng và con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi rọi cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiếp thêm nguồn sinh lực cho phong trào tiến bộ trên toàn thế giới.
Theo TS. Hùng, trong di sản khoa học và cách mạng to lớn của mình, V.I. Lê nin đặc biệt coi trọng công tác vận động quần chúng nhân dân, luôn quan tâm đến lợi ích thiết thực của người lao động để làm cơ sở xây dựng, phát triển kinh tế. Những tư tưởng, quan điểm, nguyên lý của V.I. Lê nin về công tác quần chúng nhân dân của Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước.
“Thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lê nin, để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng, Đảng ta bao giờ cũng coi trọng vấn đề đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng, coi trọng việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ở đâu có sự tập hợp quần chúng, ở đó phải có Đảng lãnh đạo, tuyệt đối không được buông lỏng. Trong công tác dân vận phải nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước để có chủ trương, chính sách phù hợp, phát huy sức mạnh toàn dân”, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo TS. Hùng, vận dụng những tư tưởng, quan điểm của V.I. Lê nin trong tình hình mới, công tác vận động quần chúng không chỉ phụ thuộc ở đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn mà còn ở thái độ, phong cách, phương thức công tác của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. “Phải quán triệt và kiên trì xây dựng quan điểm “dân là chủ”, “dân làm chủ”, “cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, chống mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền với dân”, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng nói.