10 năm thăng trầm của 'bầu' Đức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ vị thế số một vào năm 2008 cho tới giai đoạn mất khả năng thanh khoản, đứng trước nguy cơ phải tuyên bố phá sản và sau đó tái cấu trúc để Công ty Cổ phần (CP) Hoàng Anh Gia Lai trở lại mạnh mẽ như ngày hôm nay không chỉ là cuộc đời và số phận chìm nổi, đầy thăng trầm của một doanh nhân mà còn ẩn chứa những câu chuyện về nhân tình thế thái của “bầu” Đức.

Từ đỉnh cao xuống vực sâu

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân nghèo tại Bình Định. Năm 1982, ông khăn gói vào TPHCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ.

Tuy nhiên, cánh cửa đại học không mở ra khi ông miệt mài ôn luyện và thi đến lần thứ 4 vẫn không đỗ. Sau những khó khăn về chuyện học hành, bầu Đức quyết định chọn con đường khởi nghiệp khác, không qua trường học mà bằng trường đời.

Sau nhiều năm khởi nghiệp và gặt hái nhiều thành công, đến năm 2009, bầu Đức trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản gần 13.000 tỷ đồng và đứng trước cơ hội trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, ông Đức là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng. Trong giai đoạn này, HAGL cũng đã đầu tư hàng tỷ đô la trồng cao su, cọ dầu, mía… với tổng diện tích lên đến hơn 40.000 ha. Nếu mọi việc suôn sẻ, đi đúng kế hoạch, bầu Đức đã kiếm bộn tiền từ nông nghiệp.

Tuy nhiên, giá cao su lao dốc không phanh, HAGL mất khả năng thanh khoản. Từ một người có tiền nhiều đến mức định mua đội bóng Arsenal (Anh), ông Đoàn Nguyên Đức trở thành con nợ. Ông bộc bạch: “Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.

Gần một thập kỷ sa vào nợ nần, bầu Đức nói sẽ không bao giờ quên những câu chuyện nhân tình thế thái mà cuộc đời một doanh nhân như ông đã trải qua với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đó là một người em đồng nghiệp “dúi” vào tay ông 20 tỷ đồng, bảo “anh cứ cầm lấy trang trải tạm, em biết anh đang khó”. “Số tiền nhỏ nhưng ân tình lớn”, bầu Đức nói. Ông cũng không thể quên cú điện thoại cho lãnh đạo một ngân hàng rơi vào im lặng nhưng ngay ngày hôm sau, lô cổ phiếu HAGL đang cầm cố tại nhà băng này bị bán ra thị trường. Điều này khiến cổ phiếu của HAGL khi đó ngay lập tức bị bán tháo trên sàn chứng khoán cùng hàng loạt đồn đoán, thị phi...

“Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ”, bầu Đức nói và cho biết, gần một thập kỷ qua, ông ở trên chiếc ô tô nhiều hơn ở nhà. Ông quen thuộc từng ổ gà trên cung đường đèo dốc từ Gia Lai sang Lào, Campuchia. Ông “xoay” đủ mọi cách để tồn tại, từ nuôi bò Úc vỗ béo, nuôi bò sữa đến trồng cây ăn trái… Rồi bầu Đức quyết định bán các dự án thủy điện, mía đường, khu phức hợp ở Yangon (Myanmar) và cả Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL. Ông quyết định đầu tư vào các sản phẩm có vòng đời nhanh, mang về dòng tiền để duy trì hoạt động. Đầu tiên là bò thịt, rồi đến rau, củ, quả.

Tuy nhiên, chiến lược này chỉ giúp HAGL tạm thời cầm cự, không thể giúp tập đoàn kinh tế mà ông đã mất hơn nửa đời người để gầy dựng thoát khỏi khó khăn. Tưởng chừng ngày tuyên bố phá sản đã đến gần thì may mắn đến với HAGL khi vào năm 2016, Chính phủ đồng ý cho tái cấu trúc toàn bộ, giúp doanh nghiệp vượt qua nguy cơ phá sản.

10 năm thăng trầm của 'bầu' Đức ảnh 1

Sản phẩm Bapi Heo ăn chuối của bầu Đức được người tiêu dùng đón nhận

Sau khi lách qua khe cửa hẹp, HAGL đã tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ trồng cọ dầu, cao su sang trồng mía, ớt, chanh dây, chuối… để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, giai đoạn này không có một ngân hàng nào cho vay nên HAGL phải sống lay lắt trong thời gian dài. Năm 2018, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương gặp bầu Đức và đồng ý giúp HAGL để cùng làm nông nghiệp.

Năm 2019, bầu Đức quyết định khởi đầu quá trình chuyển nhượng toàn bộ công ty nông nghiệp và mảng kinh doanh bất động sản cho ông Trần Bá Dương trong một cuộc “hôn nhân” tỷ đô. Nợ vay vì vậy cũng giảm đi hàng chục ngàn tỷ đồng. “HAGL cảm ơn anh Trần Bá Dương. Chính nhờ anh Dương vào giúp mà công ty có thể trả nợ và trở lại. HAGL còn làm tiếp, chưa giơ tay đầu hàng. Mình cố gắng từ từ, coi như xóa hết và làm lại từ đầu”, bầu Đức nói.

“Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, dự kiến vào năm 2024-2025, HAGL sẽ xóa hết nợ ngân hàng”

Ông Đoàn Nguyên Đức

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Sau khi lần lượt buông nhiều mảng kinh doanh, từ mía đường, cao su, bất động sản… cấu trúc hoạt động của HAGL đã gọn nhẹ đáng kể và bảng cân đối kế toán trở nên “sạch sẽ” hơn. Trước đây, danh sách công ty con, công ty liên kết của HAGL lên tới hơn 50 đơn vị, thì nay giảm mạnh, chỉ còn 4-5 công ty con. Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của HAGL ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, tổng nợ của HAGL từ đỉnh điểm hơn 35.000 tỷ đồng năm 2016 đã giảm về mức 14.000 tỷ đồng giữa năm nay, trong đó, nợ ngân hàng giảm tương ứng từ mức từ 28.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng.

10 năm thăng trầm của 'bầu' Đức ảnh 2

Bầu Đức khẳng định mình đã thoát nạn

“HAGL đang có cấu trúc gọn gàng hơn trước rất nhiều, có thể đi rất nhanh”, bầu Đức nói và cho biết, đưa thịt heo trở thành mảng kinh doanh chiến lược là ngã rẽ khá bất ngờ. Đó có thể là cơ hội cuối trong cuộc đời kinh doanh của ông để hồi sinh HAGL. “Giờ tôi đã có những giấc ngủ ngon. Niềm vui mỗi ngày không phải là đi đánh golf, chơi thể thao cùng bạn bè hoặc sở hữu bất động sản mà là chứng kiến những con heo (lợn) phát triển khoẻ mạnh, chuối xuất đi liên tục, tạo uy tín”, ông Đức chia sẻ.

Theo bầu Đức, hai năm nay, HAGL may mắn tìm ra một cây, một con là cây chuối và con heo theo mô hình tuần hoàn. Heo ăn chuối phụ phẩm, còn chất thải chăn nuôi được xử lý để bón cho trang trại chuối. Nếu chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp thì khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn chăn nuôi lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi, tập đoàn có quỹ đất lớn, những khu trang trại chăn nuôi nằm cách biệt dưới vườn chuối, được đặt ở nơi có độ cao 800 m so với mực nước biển, nhiệt độ dao động trong khoảng 20-26 độ C. Đây là điều kiện tốt để đàn heo phát triển. Diện tích chuối của doanh nghiệp khoảng 7.000 ha, trồng ở 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.

Quả chuối đủ tiêu chuẩn được chọn lọc làm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, số còn lại được tận dụng làm thức ăn cho đàn heo khoảng 400.000 con. Một phần chuối được ủ chín cho heo nái ăn, phần còn lại được thái lát, sấy khô và nghiền thành bột. Trong thành phần thức ăn hàng ngày của đàn heo, bột chuối và chuối chín chiếm tới 40%, còn lại là bắp, đậu nành, thảo dược để thay thế kháng sinh.

Năm 2023, HAGL dự kiến cung ứng 1 triệu con heo sạch ra thị trường, đồng thời đang trong quá trình nghiên cứu và cho ra mắt dòng gà đi bộ ăn chuối vào tháng 11 năm nay. Doanh thu từ chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn cho HAGL để trả nợ, mở rộng kinh doanh. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, công ty sẽ mở 200 cửa hàng Bapi Heo ăn chuối và đến cuối năm 2023 tăng lên 2.023 cửa hàng, Trong đó, 60-70% cửa hàng tập trung tại TPHCM và Hà Nội. Ngoài ra, HAGl cũng ra mắt ứng dụng (app) để bán hàng với mục tiêu đáp ứng được khoảng 100.000 đơn hàng online/ngày.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, năm 2023, dự kiến lợi nhuận của HAGL có thể tăng gấp 3-4 lần so với năm nay, lên mức 3.500-4.000 tỷ đồng, trong đó DN dành 1.000-1.500 tỷ đồng để trả nợ. Đến 2024, sầu riêng sẽ mang lại nguồn lãi lớn. Hiện tại, bầu Đức có khoảng 1.000 ha sầu riêng trồng theo chuẩn GlobalGAP, trong đó hơn 200 ha trồng tại Gia Lai và hơn 700 ha ở Lào... Toàn bộ số sầu riêng trên đang ở độ tuổi 3-4 năm, đã cho trái từ năm nay.

“Có lẽ tất cả mọi người nghĩ làm nông nghiệp kiểu này rất khó, nhưng tôi có thể khẳng định tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra với lợi nhuận thu về của ngành nông nghiệp không hề thấp”, bầu Đức nói và phân tích, chuối giá thành của HAGL là 6.500 đồng/kg nhưng bán ra 14.000 đồng/kg. Giá heo hơi tính tất cả các chi phí là 43.000 đồng/kg và bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg. Ngoài nuôi heo, HAGL còn đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích trang trại trồng chuối ở huyện Mang Yang.

“HAGL đã thoát nạn và bước sang trang mới tươi sáng với lợi nhuận từ nông nghiệp hàng ngàn tỷ mỗi năm”, bầu Đức nhấn mạnh và cho biết chỉ sau 1-2 năm nữa, DN sẽ trả hết nợ, không chỉ nhờ cây chuối và con heo, mà cấu trúc lại một lần nữa toàn bộ tài sản của mình.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.