10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hồi ức của 'chú Giong'

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc của những ngày ở bên anh Văn đi qua biết bao mùa chiến dịch vẫn vẹn nguyên trong tôi”, Đại tá Nguyễn Bội Giong - nguyên Bí thư thuộc Văn phòng Tổng Chính ủy, Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1948-1951, kể.
10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hồi ức của 'chú Giong' ảnh 1
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. ẢNH: TTXVN

Lần gặp mặt đặc biệt

Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại, lúc sinh thời, dù khi làm việc hay trong sinh hoạt hàng ngày, Đại tướng thường gọi ông thân mật là “chú Giong” và coi ông như người thân trong nhà. Hiện nay các con của Đại tướng cũng kính trọng gọi ông như vậy.

“Có lúc ngồi trong nhà mà hồi ức ùa về, làm tôi như trở lại sống trên những bản rừng núi ở căn cứ địa hay trong đoạn hầm hào tại sở chỉ huy chiến dịch mà Đại tướng, Tổng tư lệnh đang có mặt và trực tiếp chỉ đạo. Tôi luôn cho rằng mình có phúc phận nên mới được sắp xếp vào vị trí giúp việc trực tiếp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp gian khổ ấy”, nhà lão thành cách mạng Nguyễn Bội Giong (98 tuổi) bắt đầu ngược dòng hồi ức.

Năm 1944, ông Giong học xong tú tài tại trường Bưởi. Mặc dù nhà cầm quyền Pháp liên tục gửi giấy triệu tập, yêu cầu ông đến nhận bằng tốt nghiệp và đề nghị ra làm việc cho chính quyền. Tuy nhiên, để phản đối những chính sách bất công của chúng, ông kiên quyết không đến nhận bằng mà bỏ về quê ở làng Giáp Tứ, nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Sau đó, ông gia nhập Tổ Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tham gia đấu tranh giành chính quyền ở địa phương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trở thành Trung đội trưởng quyết tử của Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu trong 60 ngày đêm khói lửa rồi mới rút ra khỏi Thủ đô lên Chiến khu Việt Bắc.

Cuối năm 1947, quân Pháp mở trận càn quy mô lớn lên Việt Bắc. Ông Giong (khi ấy là học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 3), bị thương vào chân, nhưng vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm. Tháng 2/1948, khi vết thương tạm ổn, ông được cấp trên điều về làm việc ở Văn phòng Tổng Chính ủy.

Ông Giong kể: “Tôi nhớ lúc đó, từ quân y hậu phương đi ngựa lên đến nơi làm việc của Đại tướng mất hơn một ngày đêm xuyên rừng. Trên suốt quãng đường, các đồng chí cán bộ của văn phòng đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Tôi nghe họ nói lại, khi giao nhiệm vụ đi đón tôi, Đại tướng đã thông báo về việc tôi bị thương và dặn dò anh em lưu ý”.

Tuy nhiên, phải sau hơn một tháng về nhận nhiệm vụ ở Văn phòng Tổng Chính ủy, Nguyễn Bội Giong mới nhận được thông báo của Chánh văn phòng Nguyễn Cơ Thạch, yêu cầu chuẩn bị tài liệu lên báo cáo anh Hai (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cơ quan lúc đó).

Hồi đi học trường Bưởi, Đại tá Nguyễn Bội Giong mới chỉ nghe nói đến thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp, nhưng chưa có cơ hội gặp mặt. Chính vì vậy, buổi gặp đầu tiên ấy rất đặc biệt với ông.

“Tôi đến nơi làm việc, anh Hai đã ngồi chờ bên chiếc bàn tre. Tôi đứng nghiêm chào, anh Hai ra bắt tay rồi bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Anh hỏi thăm về vết thương của tôi, rồi cười vui vẻ nghe tôi báo cáo. Sự thân tình ấy đã xóa tan những thấp thỏm trong tôi”, ông Giong nhớ lại.

Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, gần như ngày nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lên đài quan sát của Bộ chỉ huy chiến dịch ở bản Mường Phăng để quan sát tình hình địch ở khu vực Mường Thanh. Đại tướng có cách làm việc và nghe báo cáo rất đặc biệt, không hạn chế người báo cáo để phát huy cao độ tinh thần quân sự dân chủ trong mọi công tác. Sau khi trả lời những câu hỏi của Đại tướng, người báo cáo cũng nắm được rõ ràng và sâu sắc hơn những tình huống mà mình vừa phản ánh.

Cầu nối Đại tướng với con gái

Trong thời gian từ tháng 2/1948 đến tháng 6/1951, với cương vị là Bí thư quân sự, công việc hàng ngày của ông Giong là giúp Đại tướng nghiên cứu các báo cáo của Ủy ban hành chính kháng chiến các khu và tỉnh, thành phố, nhất là vùng tạm chiếm. Đồng thời, giúp Đại tướng đưa ra dự thảo huấn lệnh, mệnh lệnh chỉ đạo quân sự và tháp tùng Đại tướng trong các chuyến công tác kiểm tra tình hình huấn luyện, chiến đấu.

10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hồi ức của 'chú Giong' ảnh 2
Bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1999 luôn được Đại tá Nguyễn Bội Giong trân quý giữ gìn. ẢNH: NVCC

Cũng trong thời gian này, bằng con đường bí mật, tổ chức đã bố trí đưa thân mẫu của Đại tướng là bà Nguyễn Thị Kiên và cô con gái Võ Hồng Anh rời Quảng Bình lên Chiến khu Việt Bắc. Phải mất 6 tháng kể từ khi biết tin đã đón được mẹ và con gái, gia đình Đại tướng mới được đoàn tụ tại Định Hóa, Thái Nguyên. Bà Kiên và con gái Đại tướng được bố trí sinh hoạt tại vị trí cách Sở chỉ huy Bộ Tổng tư lệnh một mỏm đồi, nơi mà hàng ngày, nếu rời cơ quan đi đâu, Đại tướng đều phải đi qua đây.

Ông Giong nhớ lại: “Tôi nhớ hồi ấy Hồng Anh chừng 11 tuổi, thường ngồi trên mỏm đồi hướng về phía trước chờ vó ngựa của cha về. Những hôm không bận việc ở cơ quan, Đại tướng đều dừng lại đón con gái cùng về. Khi bận việc, phải về thẳng cơ quan, ông lại dặn tôi qua đó. Có lần do đã lâu không được gặp cha, theo lệ tôi qua đón nhưng Hồng Anh nhất định không về, ngồi khóc thút thít. Phu nhân Bích Hà phải an ủi hàng giờ cô mới theo tôi trở về”.

Năm 1951, khi đã giành lại thế chủ động chiến lược và để chuẩn bị một giai đoạn phản công mới của ta, ông Giong nhận lệnh sang công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, làm Bí thư quân sự cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

Do thường xuyên được làm phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu đi cùng các sư đoàn, trung đoàn trong các chiến dịch, nên tuy không phục vụ Đại tướng, nhưng ông vẫn thường được nhận lệnh do Đại tướng Tổng tư lệnh trực tiếp giao. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lại được giao giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.