Đại tá Ngô Hồng Thái, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban chỉ đạo 515 - Ban tìm kiếm được UBND tỉnh thành lập từ tháng 8/2018, trực tiếp tham gia cuộc tìm kiếm chiếc Mig-21U rơi trên đỉnh núi Tam Đảo.
Tìm kiếm hài cốt của 2 liệt sỹ trong vụ máy bay rơi 47 năm trước tại đỉnh núi Tam Đảo. Ảnh: Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên
Những di vật đầu tiên
Theo Đại tá Ngô Hồng Thái, cuộc tìm kiếm được chia thành nhiều giai đoạn, lực lượng tham gia mỗi đợt lên tới gần 20 người.
Công tác trinh sát được tiến hành từ đầu tháng 8, Đại tá Thái là người trực tiếp tham gia. Sau khi khoanh khu vực tìm kiếm, lực lượng tìm kiếm phát cây mở đường, lập lán trại, chuẩn bị công tác hậu cần…
Sáng 28/9, Ban chỉ đạo 515 quyết định khai quật. Khoảng 8h30, những di vật đầu tiên được tìm thấy.
“Di vật đầu tiên đoàn khai quật xác định được là dây lưng, bao tay chuyên dụng. Căn cứ vào kích thước, đặc điểm của di vật, chúng tôi nhận định đây là di vật của Đại úy Yuri Poyarkov - chuyên gia huấn luyện bay người Liên Xô” - ông Thái kể.
Mở rộng tìm kiếm, cách vị trí di vật được cho là của Đại úy Poyarkov, lực lượng tìm kiếm đã xác định được vị trí di cốt của liệt sỹ Công Phương Thảo nằm cách đó khoảng 20m
Hài cốt được cho là của 2 liệt sỹ đang được lưu giữ tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên
Đến khoảng trưa ngày 29/9, việc quy tập hài cốt được cho là của 2 phi công đã hoàn tất. 13h30 cùng ngày, hài cốt được đưa về lưu giữ tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên.
Lực lượng tìm kiếm cũng thu nhặt được nhiều mảnh kim loại được cho là của máy bay huấn luyện Mig-21U vẫn còn tại hiện trường.
Những di vật đi kèm với hài cốt của 2 liệt sỹ tử nạn cũng được đưa về, gồm dây lưng, bao tay, bao súng ngắn, đế giày, một số mảnh quần áo… vẫn còn nguyên trạng.
“Thời gian quá lâu, phần hài cốt không còn được nguyên vẹn. Vị trí máy bay bị rơi nằm ở độ cao hơn 1.200m, dốc thẳng đứng, cạnh một khe núi. Mất 10 giờ đồng hồ lội bộ, vượt núi, đoàn mới vào được hiện trường.
Vị trí đầu máy bay đâm vào núi tạo thành hố sâu khoảng 3m, rộng khoảng 5 - 6m, có rất nhiều đất đùn sang hai bên tạo thành mô. Một số cây rừng bị máy bay va quệt vào bị gãy ngọn. Đoàn phát hiện một số mảnh nhôm nhỏ ở khe suối trên đường hành quân, một số mảnh kính vỡ vụn của máy bay, dây dù, mảnh dù, lốp máy bay.
Có lẽ, phần thân máy bay đã bị nổ và văng xuống khe núi gần đó” - Đại tá Thái thông tin.
Giám định ADN
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Đỗ Đại Phong cho biết, hài cốt được cho là của 2 liệt sỹ trong vụ máy bay rơi 47 năm trước đã được đưa về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Di vật được tìm thấy trên độ cao hơn 1.200m trong vụ máy bay rơi 47 năm trước
Hàng ngày, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cử lực lượng tiêu binh canh giữ theo đúng nghi thức quân đội. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã báo cáo lên Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng về sự việc.
Hôm nay, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ lên làm việc để thực hiện các công việc tiếp theo.
“Đơn vị đã báo tin cho thân nhân của liệt sỹ Công Phương Thảo. Hai người cháu của liệt sỹ Thảo đã có mặt cùng đoàn tìm kiếm. Tới đây, Bộ Quốc phòng sẽ giám định ADN mẫu vật” - Đại tá Phong cho biết.
Trong thời gian chờ đợi kết quả giám định, việc hương khói cho 2 liệt sỹ được thực hiện theo nghi thức quân đội.