Đó là thực trạng trong kỳ tuyển sinh năm học 2015 - 2016 tại các trường THPT thuộc các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu. Còn hầu hết các trường THPT miền núi khác đều rơi vào tình cảnh thiếu chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học mới. Trước tình cảnh đó, các thí sinh dự thi vào các trường này chỉ cần không bị điểm liệt các môn thi sẽ được xét tuyển.
Như vậy với 3 môn thi tuyển sinh, trong đó có 2 môn nhân đôi điểm vào các trường THPT, thí sinh chỉ cần đạt 1,25 điểm là đậu. Có nghĩa chỉ cần đạt 0,25 điểm mỗi môn sẽ đạt yêu cầu tuyển. Tương tự, trường THPT Con Cuông tuyển sinh đủ số lượng theo chỉ tiêu 440 em. Một số trường điểm dự thi đầu vào có khả quan hơn như trường THPT Kỳ Sơn điểm trúng tuyển là 3,5 điểm/3 môn; Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) 5,5 điểm/ 3 môn. Một số trường để lấy đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã bỏ việc thi tuyển sinh và chuyển sang hình thức xét tuyển học bạ, kết quả học tập hệ trung học cơ sở. Với cách xét tuyển, các thí sinh chỉ cần có kết quả tốt nghiệp bậc trung học cơ sở là đã đậu vào các trường THPT. Vậy nhưng các trường THPT áp dụng cách tuyển sinh này vẫn không tuyển đủ học sinh theo chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học mới.
Chia sẻ vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 cho biết: “Năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển 200 học sinh. Nhưng số lượng học sinh tuyển được quá thấp, mặc dù trường chỉ xét tuyển qua kết quả học tập và học bạ, các em tốt nghiệp trung học cơ sở là đậu. Nhưng cho đến tận bây giờ trường mới chỉ tuyển sinh được 165 em đạt 85% chỉ tiêu”. Vì sao tiêu chí tuyển sinh vào bậc THPT quá thấp như vậy nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu? Lãnh đạo một số trường THPT các huyện miền núi cho biết: “Vì một số thí sinh đăng ký dự thi xong bỏ không thi nữa, số còn lại đạt điểm khá hơn vào trường dân tộc nội trú nên các em đi học các trường nội trú”.
Để cố gắng lấp đầy được số lượng tuyển sinh như chỉ tiêu đặt ra, các trường THPT tại các huyện miền núi Nghệ An đang rà soát lại các hồ sơ học sinh đậu các năm trước nhưng vì hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố khách quan khác phải nghỉ học để vận động các em đi học trở lại.