Quyền lực được thực hiện bởi chính người dân

Lớp trẻ tài năng đã, đang đóng vai trò quyết định cho phát triển
Lớp trẻ tài năng đã, đang đóng vai trò quyết định cho phát triển
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng cho thấy việc đổi mới thể chế sẽ đưa quyền lực về phía người dân, tạo ra động lực mới trong quá trình phát triển của đất nước.

Giám sát quyền lực

Với vai trò của Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, giáo sư nhìn nhận như thế nào về thông điệp “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân” trong thông điệp năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Trước tiên, tôi thấy rằng bản thông điệp đề cập tất cả vấn đề lớn của đất nước, cần thực hiện trong năm 2014, hứa hẹn tạo bước ngoặt cho kinh tế Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Thông điệp cũng là lời khẳng định trách nhiệm của Thủ tướng đối với quá trình xây dựng thể chế.

Giới luật gia chúng tôi đặc biệt chú ý tới điểm nhấn “hoàn thiện thể chế,  phát huy quyền làm chủ Nhân dân”, và mối quan hệ giữa công dân với cơ quan công quyền. Trong đó nói rõ “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu, điều gì có lợi cho dân thì hết sức làm, điều gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh. Dân chủ là ước vọng của người dân. Nhưng dân chủ chỉ thực hiện trong phạm vi pháp luật. Pháp luật phải làm rõ điều gì cấm, nhưng đồng thời pháp luật quy định những điều cho phép người dân làm.

Quyền lực được thực hiện bởi chính người dân ảnh 1

 GS Lưu Văn Đạt

Qua thông điệp này, Thủ tướng đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ cũng như truyền lửa để họ có thêm tự tin và bản lĩnh tiếp bước trên con đường phát triển.

    GS Lưu Văn Đạt

Nguyên tắc pháp quyền này sẽ hạn chế tùy tiện của cơ quan có quyền lực. Vì khi cơ quan công quyền ra quyết định nào đó phải căn cứ trên cơ sở luật pháp và họ có thẩm quyền theo quy định của luật pháp hay không. Người dân cũng có thể giám sát cơ quan công quyền đúng hay không đúng. Bởi vì quyền lực phải được giám sát để bảo đảm không bị lạm dụng, quyền lực phải được thực hiện vì dân, bởi chính người dân. Đó là bước tiến rất quan trọng trong vấn đề thể chế.

Việc thực hiện thông điệp của Thủ tướng sẽ được thực hiện ra sao thưa Giáo sư?

Hiện nay, có lo ngại rằng việc đổi mới thể chế nhiều khi thực hiện theo kiểu “đẽo cày giữa đường”. Chúng ta đều nhận thức nói và làm là khoảng cách và cần thời gian, động lực, nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên nếu dám đặt lợi ích của tổ quốc lên trên tất cả lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm để thay đổi cơ chế thì chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ. 

Trước tiên, Thủ tướng đã nêu ra thông điệp và quan điểm mới và trúng như Nhà nước không làm thay người dân, không làm thay thị trường mà “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển”, Nhà nước “tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sự sáng tạo”.

Về việc thực hiện thông điệp này, tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng một chương trình hành động cụ thể, có lộ trình và chế tài do một ủy ban thực hiện. Ủy ban đó phải giao và phân cấp trách nhiệm phần việc có liên quan đến từng bộ, ngành, địa phương. Ủy ban này cũng chịu sự giám sát của nhân dân.

Vừa là luật gia lại là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Giáo sư chia sẻ thế nào về vai trò phản biện, giám sát  các thông điệp, chính sách của lãnh đạo của người dân?

Tôi khẳng định vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng, trong đó có cả giám sát và phản biện thông điệp của các lãnh đạo cấp cao. Chúng ta phải nhận thức thông suốt về vai trò giám sát của người dân.

Trong thông điệp, Thủ tướng nói đến vai trò của người lao động, nhân dân trong việc giám sát bộ máy nhà nước, thực hiện nhiệm vụ của nhân dân giao cho. Qua các việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua, những vấn đề lớn đều phát hiện từ nhân dân trong khi bộ máy công quyền của chúng ta chậm phát hiện được. Vì vậy, trong những nhiệm vụ đột phá của Hiến pháp năm 2013 đã tạo một khuôn khổ pháp lý chính trị, dân chủ hơn nữa, trả lại quyền thực chất cho người dân để người dân giám sát bộ máy nhà nước.

Về phía người dân, cũng cần chủ động trong việc giám sát để phát hiện ra những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân, giám sát vào quá trình xây dựng chính sách, lựa chọn cán bộ. Mọi lựa chọn chính sách cần được giải thích rõ ràng như vì ai, ai thực thi, chi phí và lộ trình ra sao?

Dân chủ là động lực phát triển

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng nhận định “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển”,theo Giáo sư chúng ta còn những động lực gì nữa để đất nước phát triển lên?

Đây là vấn đề rất khó, Thủ tướng gợi mở để chúng ta cùng nghiên cứu. Theo cá nhân tôi phải có sự nghiên cứu sâu về những động lực vốn có là gì, và tại sao không còn hiệu lực và điều gì là động lực mới. Điều này cũng đặt ra đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực mới để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong thông điệp Thủ tướng cũng trả lời khi  nhấn mạnh năm 2014 và năm 2015 là năm triển khai đột phá về thể chế. Bởi  khâu đột phá về thể chế là khâu tốn ít kinh phí nhưng lại mang lại hiệu quả lớn.

Thứ hai, Thủ tướng nhận định nguồn lực hiện giờ chính là quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, đổi mới thể chế được thể hiện qua việc hoàn thiện thiết chế xã hội dân chủ và đổi mới chính trị theo tinh thần của bản Hiến pháp mới với việc phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân.

Tôi cho rằng phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực quan trọng bởi nó phát huy năng lực sáng tạo của con người với tư cách là chủ thể của xã hội. Nội dung đổi mới thể chế chỉ được khai thác tốt và phát huy hiệu quả nhanh khi quyền làm chủ của nhân dân - lực lượng thực hiện quyết định thành công của thể chế được phát huy triệt để, đầy đủ. Chúng ta phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, minh bạch công khai.

Giáo sư chia sẻ gì về nhận định thế hệ trẻ “đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước”?

Qua thông điệp này, Thủ tướng đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ cũng như truyền lửa để họ có thêm tự tin và bản lĩnh tiếp bước trên con đường phát triển.

Trong thời đại công nghệ thông tin, thế giới đã thay đổi rất nhiều, và nhiệm vụ đang được đặt ra cho thế hệ trẻ phải biết làm chủ công nghệ và các giá trị toàn cầu. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó mặt trái của kinh tế thị trường làm triệt tiêu động lực phát triển khi người ta chỉ nghĩ tới bản thân. Nhưng tôi nghĩ rằng thế hệ hiện nay có những con người mới, suy nghĩ mới. Những mặt tích cực sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn trong điều kiện thể chế được hoàn thiện và phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.   

Về phía người dân, cũng cần chủ động trong việc giám sát để phát hiện ra những yếu kém, những biểu hiện lạm dụng chức quyền, hạn chế quyền dân chủ của dân, giám sát vào quá trình xây dựng chính sách, lựa chọn cán bộ.

MỚI - NÓNG