Quặn lòng những vụ đắm tàu

Quặn lòng những vụ đắm tàu
TP - Mỗi trận bão tràn qua, những người vợ lại bồng con ra bờ biển thấp thỏm ngóng tin chồng, đợi tin cha. Nghề biển mùa biển động, lành ít dữ nhiều.

> Bất lực nhìn từng người thân chìm xuống biển
> Hai trong số 10 ngư dân mất tích đã trở về

Những hung tin đắm tàu lật thuyền đã quặn thắt lòng đau, cướp đi sinh mạng của bao ngư dân. Vụ đắm tàu mới nhất vừa xảy ra ngày 28/11...

Kỳ 1: 33 giờ vật lộn với sóng biển

Tàu NA 90249 rời lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ngày 20/11, trực hướng Đông Nam. Cách bờ khoảng 80 hải lý (mỗi hải lý bằng 1,8km), thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí cho các thuyền viên tắt máy, thả dù.

Tấm dù bằng vải, rộng mấy chục mét được nối với bốn sợi dây buộc vào đuôi tàu, lúc thả xuống nước nó sẽ giúp tàu di chuyển với tốc độ chậm hơn. Vừa thong thả nổi trôi trên biển, tàu NA 90249 vừa dò tìm luồng mực. Con tàu vỏ gỗ trị giá gần 2 tỷ đồng vừa hạ thủy, xuất bến lần thứ hai với 10 ngư phủ bắt đầu hành trình đánh bắt hải sản.

Tàu mới, máy móc và trang thiết bị mới toanh, thủy thủ đoàn hầu hết là trai tráng sung sức. Ai nấy đều tự tin, hy vọng về một chuyến đi thắng lợi. “Tuần trước, nó đi biển chục ngày, cả tàu đánh bắt được nhiều mực, bán đi được khoảng trăm triệu đồng. Hà được chia 6 triệu”, bà Nguyễn Thị Tơ, mẹ của thuyền viên Vũ Văn Hà kể.

Tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Quỳnh Lưu
Tàu đánh bắt hải sản của ngư dân Quỳnh Lưu.

Ngày 27/11, trời trở gió. Mây xám theo gió Đông Bắc tràn về, nước chuyển màu và mặt biển bắt đầu xuất hiện những con sóng lớn. Bất chấp thời tiết xấu, NA 90249 và nhiều con tàu khác của ngư dân Quỳnh Lưu vẫn bám trụ ngư trường, tiếp tục chong đèn, thả lưới.

Mấy năm gần đây, ngư dân vùng bãi ngang áp dụng phương pháp đánh bắt hải sản mới: bốn chiếc sào lớn buộc chặt vào thân tàu, bẫy lưới giăng sẵn, ánh đèn cao áp bật lên giữa đêm tối sẽ thu hút bầy mực bơi đến. Từ trên tàu, bất ngờ tấm lưới chụp xuống, lớp chì nặng sẽ kéo lưới sát xuống đáy biển hình thành bức tường.

Ngư phủ từ boong tàu rút dây, bầy mực không có đường thoát, nằm gọn trong bẫy lưới. Với cách làm này, lúc may mắn, họ đánh bắt được hàng chục tấn cá, hàng tạ mực tươi.

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An Đinh Viết Hồng cho biết, lúc 13h ngày 30/11 địa phương đã huy động tàu cứu hộ ra khơi trục vớt chiếc tàu NA 90249 bị nạn, đưa về đất liền.

Nửa đêm 27, rạng sáng 28/11, gió mỗi lúc một mạnh thêm. Những đợt sóng hung tợn tới tấp tấn công mạn tàu. “Khoảng 5h30’ ngày 28/11, thuyền trưởng ra lệnh cho anh em rút dù, thả neo. Vừa rút dù thì tàu quay ngang, sóng đánh rất mạnh khiến con tàu lắc lư, chao đảo, ngay sau đó một chiếc sào bị gãy khiến tàu mất thăng bằng.

Bất thình lình, một con sóng ập tới, nước tràn vào khoang. NA 90249 hoàn toàn mất phương hướng, hứng chịu nhiều đợt sóng dữ, khiến nó tê liệt hẳn và chìm dần!”, thuyền viên Vũ Văn Hà kể. 6h sáng 28/11, con tàu bị đắm. Mười thuyền viên nhưng chỉ có 2 chiếc áo phao cứu sinh, họ phải bám mảnh lưới buộc vào tấm xốp thả xuống biển và bắt đầu vật lộn với sóng to, gió lớn.

“Khu vực tàu NA 90249 bị đắm, có vài chiếc tàu câu mực của ngư dân Quảng Bình, họ ở cách đó khoảng 4-5 hải lý nhưng chúng tôi không bắt được tần số để gọi ứng cứu!”, anh Vũ Hà cho biết. Duy nhất chiếc tàu của ông Kính, ngư dân Quỳnh Lưu nhận được tín hiệu kêu cứu của NA 90249, nhưng hai tàu cách nhau chừng 18 hải lý. Khi tàu bạn đến vị trí tàu NA 90249 bị nạn thì chẳng tìm thấy gì nữa. Lác đác vài tấm ván dập dềnh nổi trôi trên sóng. Mưa như trút, gió rít từng cơn se sắt.

33 giờ kinh hoàng

Trời hửng sáng, mặt biển vẫn cồn cào những đợt sóng cao ngất. Cái lạnh cắt da cắt thịt là màn tra tấn đầu tiên các ngư phủ phải hứng chịu. Mười anh em quây tròn quanh tấm xốp, động viên nhau vượt qua nỗi sợ và từng người thay phiên nhau khoác chiếc áo cứu sinh. Trong đoàn người, thuyền viên Nguyễn Văn Khiêm (xã An Hòa, Quỳnh Lưu) là ít kinh nghiệm sông nước nhất. Mười sáu tuổi, đối mặt với hiểm nguy, Khiêm hoảng loạn, khóc không thành tiếng. Động viên em, thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí bơi đến bên cạnh, nắm lấy tay Khiêm. “Cố gắng lên! Chúng ta sẽ vượt qua, sẽ có thuyền đến cứu đưa em về nhà!”, Trí nói. Chỉ vài giờ sau khi rơi xuống biển, cậu bé đã luội dần. Vị thuyền trưởng vẫn không ngớt lời động viên chàng ngư phủ nhỏ tuổi, anh ôm chặt lấy cậu bé như muốn truyền hơi ấm, giữ cho em khỏi bị sóng cuốn mất. Trưa cùng ngày, Khiêm kiệt sức, trút hơi thở cuối cùng trên tay thuyền trưởng. Chín thuyền viên của con tàu lâm nạn đau xót nhìn cảnh cậu bé rơi vào lòng biển cả.

Giây phút đoàn tụ của thuyền viên Vũ Văn Hà và vợ con của anh Ảnh: Quang Long
Giây phút đoàn tụ của thuyền viên Vũ Văn Hà và vợ con của anh Ảnh: Quang Long.

“Sức lực của từng người cạn kiệt dần. Chịu không nổi cái rét thấu xương và đuối sức sau nhiều giờ vật lộn với sóng to gió lớn, cứ khoảng 2-3 giờ sau lại có một người ra đi!”, anh Vũ Văn Hà, một trong hai ngư dân may mắn sống sót bàng hoàng nhớ lại. Anh Hà bảo, nếu được trang bị đủ áo phao cho 10 thuyền viên, có thể đã giảm được rủi ro. Trong số các thuyền viên trên con tàu định mệnh, anh Nguyễn Văn Trí (thuyền trưởng) và Nguyễn Văn Huỳnh là hai anh em ruột. Sau mấy giờ đồng hồ giúp Nguyễn Văn Khiêm, thuyền viên nhỏ tuổi nhất và phải gồng mình chống chọi với cơn lạnh, cơn đói, cơn khát, thuyền trưởng đuối sức. Trí nói với em trai: “Anh kiệt sức rồi, không chịu được nữa!”. Anh Huỳnh nhìn anh trai, bật khóc. Vị thuyền trưởng từ biệt các thuyền viên, không lâu sau đó thì em trai của anh cũng xuôi theo dòng nước.

Cuộc chiến sinh tử với biển cả đã cướp đi sinh mạng 8 thuyền viên trên con tàu xấu số, chỉ còn lại Vũ Văn Hà (xã Quỳnh Long) và Hồ Vĩnh Lai (xã An Hòa, Quỳnh Lưu). Một đêm dài lênh đênh trên biển, kiệt sức, sợ bị cấm khẩu và sợ toàn thân cóng lạnh, hai thuyền viên phải dùng tay cấu từng nắm xốp cho vào mồm nhai. Giữa bầu trời tối đen như mực, không mảnh trăng, trên hành trình phiêu dạt thi thoảng họ lại nhìn thấy một ánh đèn câu mực le lói đường chân trời. Khoảng cách quá xa, tiếng kêu cứu của họ tan vào tiếng sóng. “Trong 33 giờ lênh đênh trên biển, mỗi lần đuối sức muốn lịm ngất, tôi lại nghĩ đến con gái và tự nhủ phải cố gắng sống sót để được về với con!”, anh Vũ Hà bảo. Cưới một cô gái ven biển Quỳnh Lưu, vợ chạy chợ, chồng làm nghề đánh cá, họ đã có với nhau một cô con gái 3 tuổi. Xuất thân từ vùng bãi ngang và từng nhiều phen quăng quật trên biển từ năm 15 tuổi, Vũ Hà (SN 1982) là một ngư phủ dày dạn kinh nghiệm sông nước. Chính kinh nghiệm, sức chịu đựng kiên cường và cả sự may mắn đã giúp anh thoát nạn.

Trở về trong nước mắt

Bà Nguyễn Thị Tơ trú tại xóm Thành Công, xã Quỳnh Long nói bà đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất đối với con trai mình. “Ngày 28/11, gia đình chúng tôi nhận được tin tàu của anh Trí bị chìm. Cả ngày hôm đó, chồng tôi đi dò hỏi khắp nơi nhưng chẳng hề có tung tích. Một ngày khắc khoải trôi qua, tôi vẫn nuôi hy vọng. Nhưng sang ngày thứ 2, đầu buổi sáng chồng tôi sang An Hòa rồi trở về trong buồn bã, tôi cực kỳ hoang mang. Biển lạnh như thế, sóng gió như thế, khó lòng sống sót!”, mẹ thuyền viên Vũ Văn Hà nói. Chị Ngô Thị Đức, vợ anh Hà bồng con chạy khắp nơi. Hết ra bờ biển ngóng tin chồng, chị lại về nhà, lủi thủi vào giường nằm vật ra, ôm mặt khóc rưng rức.

“Tàu NA 90249 đắm cách bờ khoảng 80 hải lý, tức là cách đất liền gần 150km. Đến 15h ngày 29/11, tôi và anh Lai phát hiện thấy một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Bình, chúng tôi gọi nhưng họ không nghe thấy. Khi chúng tôi trôi đến cách tàu 50m, hai anh em bèn thả tấm xốp, gắng sức bơi đến chỗ chiếc tàu đang neo đậu. Mọi người trên tàu đang ngủ say sau một đêm miệt mài trên biển, sau nhiều lần kêu cứu cuối cùng có người xuất hiện. Anh đánh thức các thuyền viên dậy, kéo hai anh em chúng tôi lên boong, đốt lửa sưởi ấm và lấy thức ăn, nước uống, thuốc chữa cảm ra cho chúng tôi”, Vũ Văn Hà kể.

Hai thuyền viên sống sót tìm cách liên lạc về quê, báo tin cho gia đình. “Khoảng 15h30’ ngày 29/11, tôi nhận được tin ngư dân Quảng Bình cứu được hai thuyền viên Nghệ An nhưng chưa rõ tên tuổi, quê quán. Chừng 30 phút sau, một cuộc điện thoại gọi đến báo tin hai người được cứu sống là Vũ Văn Hà và Hồ Vĩnh Lai. Biết chính xác là con mình thoát nạn, vợ chồng tôi mừng chảy nước mắt!”, ông Vũ Văn Xăng, bố thuyền viên Vũ Văn Hà nói. Hai ngư phủ may mắn được tàu của ngư dân Quảng Bình chuyển đến tàu xã An Hòa (huyện Quỳnh Lưu). 16h chiều ngày 30/11, cả hai anh đã trở về nhà an toàn.

(Còn nữa)

Cứu người, tử nạn giữa biển

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, ông Đặng Văn Tính cho biết, chiều ngày 30/11, một chiếc thuyền đánh cá của xã Xuân Yên bị sóng đánh chìm. Bốn người dân mượn thuyền ra cứu nạn cũng bị sóng đánh chìm, một người chết đuối.

Nạn nhân là anh Phạm Văn Thời (SN 1981, ở xã Xuân Yến). Khi đưa được hai ngư dân bị nạn vào bờ, thuyền anh Thời bị sóng đánh chìm. Riêng anh Thời do trước đó đã vật lộn giữa biển nước để cứu các nạn nhân nên đuối sức và bị sóng biển nhấn chìm. Cho đến chiều qua, 1/12, thi thể anh Thời vẫn chưa được tìm thấy. Anh Thời có một mẹ già, vợ và hai con nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG