> Kiếm tiền tiêu tết ở nghĩa trang
> Nỗi lòng những người không muốn có Tết
Làm Osin cho người đã khuất
Đều đặn trong gần 23 năm qua, cứ tầm khoảng 7 giờ sáng, chị Trần Thị Bảy (60 tuổi, ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) lại bắt đầu công việc của một ngày mới của mình tại Nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột. Cùng với 30 chị em khác, công việc của chị là lau dọn, chăm chút cho những mộ phần những người đã khuất. Cái nghề mà họ ví von là làm -“Osin cho người chết”.
Đồ nghề của chị gói gọn chỉ một chiếc khăn, xô, can đựng nước và một cái chổi. Đến từng ngôi mộ, chị tỉ mẩn dùng khăn lau từ trên ban thờ cho đến chân mộ, chỉ khi ngôi mộ sạch bóng chị mới chuyển sang ngôi mộ mới.
Với 80 ngôi mộ hợp đồng với thân nhân người đã khuất chị phải cật lực lau dọn xong xuôi trước khi mặt trời khuất dạng. Dù thỉnh thoảng thân nhân của người đã khuất mới đến thăm viếng, nhưng cũng không phải vì vậy mà họ lau dọn qua loa, đối phó. “Mình làm việc cho người đã khuất nên phải xuất phát từ tâm làm tốt còn mong các cụ về phù hộ, độ trì cho nữa chứ!”- chị tâm niệm.
Tôi hỏi chị sống cả ngày ở nghĩa trang không buồn và sợ sao? Chị tếu táo: “Có gì mà sợ, mấy chục năm làm bạn với mộ và mộ, nói chuyện với người đã khuất nhiều hơn người sống. Trưa không về nhà thì lăn ra bên mộ mà ngủ, vừa mát vừa yên tĩnh. Bây giờ một ngày không ra mộ là cảm thấy khó chịu, sợ các cụ buồn, các cụ giận thì chết!”.
Đến bây giờ, chị Bảy có thể ngồi một chỗ đọc tên người đã khuất, quê quán, năm sinh, ngày mất của từng mộ phần. Không chỉ lau mộ, đối với những thân nhân ở xa không có dịp lên thăm mộ thường xuyên, chị còn được họ tin tưởng nhờ mua hoa, trái cây, thắp hương giùm những ngày giỗ chạp, mùng một hay ngày rằm hằng tháng... “Nhiều người đến đây khi nhìn thấy mộ phần của bố mẹ mình sạch sẽ không khỏi tấm tắc, bởi ở đây, giữa trời đất, gió bụi mà vẫn sạch sẽ, sáng bóng”- chị Bảy kể.
Cách khu mộ chị Bảy chăm nom hơn trăm mét, chị Nguyễn Thị Vân (54 tuổi) đang nhanh nhẹn lau dọn những phần mộ mà mình đã nhận khoán. Năm 1999, khi không có nghề nghiệp ổn định, chị Vân đi làm phụ hồ cánh thợ xây dựng mộ tại nghĩa trang này. Đến năm 2005, do sức khỏe yếu, không kham nổi việc vác gạch trộn hồ nên đội trưởng đội xây dựng đã đứng ra nhận việc chăm nom mộ từ thân nhân người đã khuất để tạo việc làm cho chị. Từ đó đến nay, chị là người “giúp việc” cho gần trăm ngôi mộ. Giá chăm nom mỗi ngôi mộ từ khoảng 30 đến 50 ngàn/1 tháng.
Tiền công có thể trả đầu năm, giữa năm hoặc cuối năm tùy theo hoàn cảnh gia đình. Nhiều gia đình khó khăn chị còn khuyến mãi lấy rẻ hơn. Bình quân mỗi tháng chị cũng thu nhập được khoảng 2,5-3 triệu đồng.
Đối với nhiều người thì chừng đó tiền là rất nhỏ, nhưng với chị nó cũng tạm để đảm bảo cuộc sống. “Khoe với chú chứ, tôi làm nghề này nó cũng giúp tôi nuôi ba đứa con ăn học thành đạt đó. Một đứa bây giờ đã lập gia đình, một đứa đang làm trong ngành công an, còn đứa nữa đang học đại học năm cuối. Nên con cái nhiều khi nó cũng khuyên tôi bỏ nghề mà nghỉ ngơi, nhưng tôi không bỏ được, chỉ khi nào không đủ sức để xách nước lau mộ, người ta không thuê nữa mới nghỉ”- chị tâm sự kể.
Tủi phận
Chị Vân vẫn ám ảnh mãi câu chuyện xảy đến bất ngờ với gia đình chị cách đây 2 năm. Vào dịp cuối năm, con gái của chị dẫn bạn trai về nhà giới thiệu, một anh chàng đẹp trai, nghề nghiệp đàng hoàng.
Sau màn chào hỏi, chàng trai xin phép được dẫn con gái chị đi chơi. Lúc đó, chị đang bận bịu với công việc lau dọn ở ngoài nghĩa trang. Bởi dịp giáp Tết, là lúc những người thân tập trung đến viếng người đã khuất, nên chị phải làm việc cật lực, ngày không xong, tối phải chong đèn để lau đảm bảo đến sáng hôm sau phải sạch sẽ, tinh tươm.
Đến gần nửa đêm, chị mới lục đục thu dọn đồ đạc về nhà. Đến nơi, cũng là lúc bạn trai dẫn con gái về. Lúc này, con gái chị mới giới thiệu mẹ mình với bạn trai. Khi nghe giới thiệu về công việc của chị, chàng trai vẻ không hài lòng. Cũng từ đó, chị không thấy bạn trai của con mình ghé nhà nữa.
Gặng hỏi con gái, chị mới biết hai đứa đã chia tay với lý do chàng trai đưa ra rằng: con gái chị nói dối, trước khi quen nói là mẹ ở nhà làm nội trợ, sau này lại nói là lau mộ ở nghĩa trang. “Cũng chẳng biết bạn trai của nó là người trung thực hay nghe tôi làm nghề đó rồi sợ mà bỏ con gái mình. Nhưng tôi vừa thương con gái, vừa tủi cho thân phận mình, dù sao cũng do công việc mình mà dẫn đến tình yêu của hai đứa tan vỡ”- chị cố đưa tay thật nhanh, lau giọt nước mắt chực trào nơi khóe mắt.
Không riêng gì chị Vân, những người làm cùng nghề với chị cũng gặp không ít trường hợp bị mọi người kì thị. Chị Nguyễn Thị Quân (54 tuổi ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột), người có 13 năm làm công việc này, nhưng cũng ngần ấy cái Tết, chị không dám đi xông đất sớm cho gia đình nào. Phải chờ đến trưa, khi mọi nhà đã có người khác xông đất trước, chị mới dám đến.
Bởi, họ quan niệm những người làm ở nghĩa trang mà năm mới đến xông nhà thường mang đến những điều chẳng lành trong năm mới. “Nhiều khi tủi thân tôi nghĩ, nghề nào cũng là nghề để mưu sinh. Chúng tôi kiếm tiền chân chính, bỏ mồ hôi, công sức ra mới có được. Sao nhiều người lại mê tín dị đoan có cái nhìn thiếu tôn trọng như vậy”- chị Quân chua xót.
Trời đã về chiều, lác đác những người đi thăm mộ người thân đã lên xe trở về nhà, nhưng bóng những người phụ nữ vẫn len lỏi quanh nghĩa trang, cần mẫn quét dọn, lau chùi bên những ngôi mộ với một sự thành tâm.
Ông Võ Thanh Tịnh - Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng & Quản lý Nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, nghề lau dọn mộ cho người đã khuất ở đây đã có từ lâu. Hiện nay, đơn vị đã giao cho các tổ xây dựng phân công khu vực cụ thể cũng như số lượng mộ cho từng người, giá cả do hai bên thỏa thuận. Có 30 người làm nghề này ở đây, bình quân mỗi người nhận chăm sóc từ 80-100 ngôi mộ. Tuy không nằm trong biên chế của đơn vị nhưng những lao động này làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp góp phần làm sạch đẹp cho nghĩa trang. |
(tên của các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)