> 'Đại ca' khét tiếng một thời và sự đổi đời đáng nể
> Hồi sinh từ ‘cái chết trắng’
Bước qua vũng lầy
“Phước râu” cái tên khét tiếng xã Bình Trị cách đây 10 năm về trước. Phước ngày đó, nổi lên như một tay chơi giang hồ có tiếng vùng tây Thăng Bình. Dạo đó, đến đây, nhiều người phải ớn lạnh vì xì ke, ma túy và cả chuyện các hảo thủ sẵn sàng dao kiếm để nói chuyện với nhau. Trong số đó, có Đoàn Minh Phước thôn Châu Lâm, dân làng vẫn gọi là Phước râu.
Đoàn Minh Phước trong một lần dẫn phóng viên vào rừng nơi lâm tặc ngang nhiên chặt phá rừng. ảnh: Nguyễn Thành. |
Căn nhà của vợ chồng Phước giờ nằm sau chợ xã Bình Trị rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ. Trong nhà, vị trí trang trọng nhất là những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương. Ấn tượng là bằng khen của Bộ trưởng LĐ-TB & XH và kỷ niệm chương gương mặt trẻ tiêu biểu và nhiều giấy khen khác.
Khuôn mặt khá bặm trợn cùng bộ râu thuộc loại độc của Phước khiến anh nom già hơn so với tuổi 34 của mình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông có 7 anh em. Học đến lớp 8, Phước nghỉ học theo cha vào vùng rừng núi Hố Sâu làm trang trại. Thấy con trẻ sớm chí thú làm ăn nên đàn bò gia đình gầy dựng gần 40 con được tin tưởng giao cho Phước và người anh trai trông coi, quản lý.
Rồi cơn lốc ma túy kéo đến phá nát sự bình yên của những gia đình ở Bình Trị và các xã xung quanh. Bạn bè rủ rê, Phước và người anh trai dính vào ma túy lúc nào không hay. Ban đầu chỉ là hít chơi, sau vài lần cả 2 anh em dính sâu vào ma túy, không dứt ra được. Vì nghiện nặng hai anh em Phước lần lượt bán bò để có tiền thoả mãn cơn thèm thuốc, kinh tế gia đình kiệt quệ. Năm 2003, những cái chết trắng diễn ra, cao điểm năm đó, Bình Trị có hơn 20 người chết vì ma túy và AIDS. Trong đó có người anh trai của Phước. Sau đám tang của người anh trai diễn ra trong lạnh lùng, kỳ thị của dân làng khiến Phước như bừng tỉnh cơn mê.
Phước công khai với gia đình, người thân việc mình nghiện ma túy và quyết tâm cai nghiện tại nhà. Ròng rã hơn 4 tháng trời, Phước vào vùng Hố Sâu tự cai nghiện với sự giúp đỡ của cha, chú ruột và sự động viên khích lệ của cô học sinh lớp 12 Ngô Thị Hiền kém 5 tuổi, cùng xã.
Phước kể lại rằng: mỗi lần lên cơn nghiện cả cha và chú phải trói tay trói chân Phước lại để dứt cơn. Qua cơn thèm thuốc, Phước cùng bố khai hoang đất rừng để trồng keo, chăn nuôi. Hơn 10ha rừng keo được trồng dạo đó, nay đang vào độ thu hoạch. Cai nghiện thành công, Phước quay về làng, nhiều người vẫn còn kỳ thị xa lánh. “Cái tiếng dơ ở đời khó lòng gột rửa. Về làng, có người không dám bắt tay với tôi. Duy chỉ có một người luôn bên cạnh, nhờ cô ấy, tôi có thêm quyết tâm, để đứng lên và không sa ngã lại”, Phước vừa nói vừa nhìn về phía vợ âu yếm. Cô học trò nhỏ ngày nào, nay đã là mẹ của 2 đứa nhỏ kháu khỉnh.
Vợ chồng Phước râu. |
Hiền kể rằng: để yêu và đến được với nhau, cả hai vợ chồng đã trải qua nhiều chông gai, thử thách. Bố mẹ Hiền biết rõ về Phước, nên cấm đoán. Học xong 12, Hiền được bố mẹ gửi ra Đà Nẵng làm công nhân để cách li với Phước. Nhưng tình yêu của đôi bạn trẻ vẫn được giữ nhịp qua những cánh thư. Cả hai hứa với nhau, sẽ trọn đời gắn bó. Sự động viên của Hiền giúp Phước tự tin làm lại cuộc đời. Ngược lại, Hiền càng yêu hơn vì sự quyết tâm của Phước. Năm 2009, hai người nên vợ chồng sau ròng rã 6 năm đầy chông gai.
Thoát khỏi nghiện ngập, để tự gột rửa tai tiếng cho mình và gia đình, Phước chí thú làm ăn. Hố Sâu trở thành nơi Phước bắt đầu làm lại. Mở đường, khai hoang lập trang trại. Phước dần được biết đến là gương điển hình làm ăn kinh tế của Bình Trị, nhiều người phải nể phục. Không những thế, năm 2005 Phước được mời tham gia vào đội tuyên truyền của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam. Hằng tháng, Phước cùng anh chị em đội tuyên truyền đến từng địa phương, làng xã, trường học nói chuyện với thanh niên, học sinh về tác hại tệ nạn ma túy. Câu chuyện cuộc đời, Phước thẳng thừng nói ra để các bạn trẻ tránh xa ma túy, tu chí học hành, làm ăn. Nhiều thanh niên nghiện ngập của xã Bình Trị đã trở về làm ăn chân chính và tham gia cùng Phước trong công tác tuyên truyền.
“Nhiều em, gia đình khuyên nhủ không nghe. Gặp tôi, tôi thẳng tay chỉ mặt, tụi nó sợ nghe răm rắp. Quan trọng phải biết cứng rắn và mềm mỏng đúng lúc thôi”, Phước nói.
Thành tích nổi bật, năm 2005 Phước được Bộ trưởng LĐ-TB&XH trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi giai đoạn 2001–2005, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã tích cực tham gia hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng...
Hóa giải lâm tặc
Sau khi hoàn lương, Phước râu trở thành khắc tinh lâm tặc, bảo vệ rừng có tiếng. Đám lâm tặc rừng ở rừng Đông Tiễn và vùng giáp ranh với Hiệp Đức mỗi lần nhắc đến Phước râu lắm kẻ run sợ. Lắm bận, cánh phóng viên, nhà báo ở Quảng Nam về tìm hiểu phá rừng Đông Tiễn đều nhờ đến Phước. Phước sẵn sàng bỏ cả ngày trời, lặn lội vào tận nơi để mục sở thị cảnh tượng lâm tặc phá rừng.
Chuyện hóa giải lâm tặc của Phước râu nhiều vô kể, dân làng ai cũng biết. Nhưng với Phước nhớ nhất là vào tháng 3/2010. Dạo đó, rừng bị lâm tặc tàn phá, một lần phát hiện một nhóm lâm tặc đi cưa gỗ, Phước liền gọi thêm em trai quyết bám theo dù trong tay không một tấc sắt. Bị phát hiện, nhóm lâm tặc vứt gỗ chạy tháo thân, hai anh em Phước lần theo đường mòn tìm ra được bãi tập kết với hàng trăm khúc gỗ. Thấy không hề có lực lượng kiểm lâm đi theo, nhóm lâm tặc quay lại định tẩu tán gỗ, nhưng hai anh em vẫn kiên quyết chặn lại, miệng dọa : “Kiểm lâm đang tới”. Mãi đến chiều, vẫn không thấy kiểm lâm lên, lâm tặc thay nhau vào tẩu tán gỗ. Hai anh em chia nhau người canh người đi tìm tiếp viện. Đến gần tối kiểm lâm huyện nhận được tin, kéo quân tới nơi, cả hai lả đi vì đói và mệt. Phước cười nói: “Không gì ớn bằng giữ chân lâm tặc cả. Nhiều hôm chúng có súng, dao, sợ xanh mặt nhưng miệng thì vẫn hét hùng hồn. Nếu mình nhát, bỏ đi thì gỗ của rừng cũng mất”.
Rồi cũng có lần đụng độ với lâm tặc Phước bị đánh bất tỉnh. Tỉnh dậy thấy nằm chỏng chơ giữa rừng. Cách đây mấy năm, Phước đụng độ với đám lâm tặc từ Hiệp Đức qua. May mắn thoát chết nhưng cái máu chống lâm tặc đã ăn vào máu Phước. Mới đây, năm 2012, nhờ Phước kịp thời can dự, thông báo lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý. Phước chỉ buồn là sau xử lý, lâm tặc vẫn ngang nhiên.
Nỗi buồn sau những bằng khen
Từ một thanh niên tiêu biểu điển hình, bỗng chốc Phước râu trở thành kẻ mang tội. Uất ức nghẹn ngào, Phước đâm đơn kiện tìm lại công bằng cho chính mình và gia đình.
Bằng khen và giấy khen của Đoàn Minh Phước treo đầy nhà. |
“Bao nhiêu giấy khen bằng khen mà làm gì, lên báo mà là gì. Đùng một cái huyện thu hồi quyết định làm trang trại vì tôi “làm ăn không hiệu quả” và vì tôi “phá rừng” ! Tôi đang khiếu kiện quyết định vô lý đó. Mình bảo vệ rừng, rồi mang tiếng phá rừng. Cả thảy 20ha làm trang trại, 10ha rừng trồng còn nguyên, diện tích rừng nguyên sinh còn đó. Người ta lấn sang đất gia đình 3ha rừng, ngang nhiên chặt cây mở đường. Cha tôi kiện cáo mấy năm không xong. Ông mất rồi mà còn ôm nỗi ấm ức xuống mồ, nhưng rồi chính quyền nào đâu có giải quyết. Cán bộ có lên đến nơi để kiểm tra đâu mà ra quyết định như vậy? Tôi chống lâm tặc phá rừng nên có vị liên quan ghét chăng, nên ép vào thế đường cùng vậy?” Phước bức xúc. Lật chồng hồ sơ tài liệu, đơn thư khiếu kiện của Phước, quyết định của UBND huyện Thăng Bình ngày 14/9/2013 còn dấu đỏ chót.
“Nhận quyết định, cả hai vợ chồng như bật ngửa, bất bình và cảm thấy xúc phạm ghê gớm. Anh ấy đã quyết tâm cai nghiện làm lại cuộc đời. Nhận bằng khen, cán bộ lãnh đạo từ xã đến thôn, huyện, tỉnh, lên tivi nói sẽ cấp vốn mà nó có đâu. Giờ lại có chuyện thu hồi trang trại nữa”, chị Hiền mệt mỏi.
Đoàn Minh Phước bộc bạch ước mơ về một trại cai nghiện cộng đồng ngay trong diện tích trang trại mình sau bấy nhiêu năm vẫn chưa thành. Với kinh nghiệm của một người trong cuộc, Phước biết rằng cách cai tốt nhất đối với người nghiện là lao động. “Mấy tháng trước, người của huyện Đoàn điện thoại hỏi vợ chồng tôi có cần vốn không, Tỉnh Đoàn sẽ cấp. Vợ chồng tôi mừng lắm. Nhưng chờ mãi không thấy. Giờ có cái quyết định của huyện thì ai dám cấp. Oái oăm thế đó”, Phước thở dài. Phước cho biết, sẽ khiếu kiện đến cùng để đòi lại công bằng, để thoát khỏi cái tiếng oan “phá rừng, làm ăn không hiệu quả”. |