Học sinh tiểu học ở Bình Tú được chăm lo tốt. |
Cuốn sổ ghi chép mỗi lúc một dày với hàng chục hộ gia đình, từ trưởng tới phó thôn, bí thư chi bộ… đều có con học đại học. Đến nhà ông bà Bốn Nghĩa, với 11 người con là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân thì sự khâm phục lẫn kinh ngạc của tôi đến đỉnh điểm...
Bà mẹ quê và 9 người con thành danh
Căn nhà của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghĩa – bà Nguyễn Thị Hạnh ở làng Tú Mỹ rợp bóng cây, sạch sẽ, im phắc giữa ruộng đồng yên bình. Nguyễn Hữu Nghĩa, tức ông Bốn Nghĩa còn khỏe mạnh, ngày chúng tôi đến ông bận đi cúng rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan cho mấy người hàng xóm. Mình bà Hạnh ở nhà, phải đợi một lúc lâu, bà mới nhớ rành rọt tên từng người con, đã học ở đâu, đang làm gì. Tổng cộng, có đến 9 người con là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đang công tác trong và ngoài nước. Tóm lại, tất cả đều thành đạt và có vị trí trong xã hội. Bà mẹ quê Nguyễn Thị Hạnh ở cùng chồng, vẫn không chấp nhận ngồi không hưởng phúc, ngày ngày cuốc ruộng nuôi heo, chăm sóc cây cảnh. “Tui không ăn bám con” – bà nhỏ nhẹ dẫn tôi vào câu chuyện khá dài, của mấy chục năm về trước.
Bà Hạnh với tấm ảnh những người con thành đạt . |
Quê vùng bán sơn địa Quế Sơn, năm 18 tuổi, bà Hạnh làm giao liên, ngược xuôi qua lại như con thoi giữa Đà Nẵng – Quảng Nam. Đường đi lối lại bà thuộc như lòng bàn tay. 20 tuổi, lần đầu kết hôn rồi dang dở bởi chiến tranh, đạn bom oan nghiệt. Đến năm 1968, đúng Tết Mậu Thân, cô giao liên Hạnh rời Phước Tường về Thăng Bình, kết nghĩa vợ chồng với anh bộ đội Nguyễn Hữu Nghĩa. Kể từ 1969, lần lượt, 9 người con ra đời, mỗi năm một đứa. Tất cả đều được bà Hạnh chăm bẵm cẩn thận, cho ăn học đàng hoàng.
Tui còn sức, còn làm ra tiền, không cậy ai nuôi cả. Muốn báo hiếu, hãy sống, làm việc có ích cho xã hội, đất nước, đó là hiếu trung chứ đâu! Bà Nguyễn Thị Hạnh |
Bà nhớ lại: “Chiến tranh tao loạn, chạy tránh đạn bom liên miên, nhưng tui vẫn giữ nếp nhà. Nhất quyết chăm con theo cách của riêng mình. Đây cũng là truyền thống từ bố mẹ tôi để lại. Hồi đó, một tay tui với hai mẫu ruộng, nuôi heo gà, làm quần quật tối ngày không kịp thở. Con thì năm một tòi ra, mà phải đảm bảo chúng nó khỏe mạnh, sạch sẽ”. Ở quê, công việc đồng áng tối mặt, nhưng bà Hạnh vẫn chăm con theo kiểu... Tây.
Với bà, con được bú sữa mẹ, thức ăn đủ đầy thịt cá. Cơm thừa canh cặn mang đổ cho heo, ra sân chơi, chân không bao giờ rời dép. Chăm bẵm thế, nên dẫu ở quê nghèo, nhưng đàn con ông Bốn Nghĩa và bà Hạnh nổi tiếng khỏe mạnh thông minh và học giỏi.
“Ngẫm lại cuộc đời, tui thấy như cổ tích. Kể cũng lạ, tui trình độ lớp ba, làm nông oằn lưng, lại dạy chữ từng đứa, mà đứa nào cũng răm rắp”. Cách dạy chữ của bà Hạnh cũng vô cùng độc đáo. Với đứa đầu tiên, bà phải mày mò sách giáo khoa, con học, mẹ cũng học. Dần dần, bà chính là học sinh của đứa lớn, lấy kiến thức học được dạy lại cho đứa nhỏ. Ngày đi làm, đêm đêm bà chong đèn, thức cùng con, vừa học vừa dạy chữ. Cứ thế cho đến đứa cuối cùng, khi tất cả bước ra trường đời, thành danh bằng những tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Mất chừng 30 phút, bà Hạnh mới liệt kê hết tên tuổi, học hàm, học vị của 9 người con. Đầu tiên là chị Nguyễn Thị Thu Sương (đại học), rồi đến Thu Trang (thạc sĩ), kế đến là Hữu Quang (đại học), Thu Bình (cao đẳng), Thu Thủy, Mỹ Châu, Mỹ Ngọc, Hữu Nhân (đều qua đại học) và cuối cùng là Hữu Tuấn (đang làm tiến sĩ). Chỉ một trong số này tốt nghiệp cao đẳng nhưng theo đuổi kinh doanh, đó là chị Thu Bình. “Mà lạ thật, con Thu Bình không theo việc nhà nước, chữ nghĩa giờ lại sướng nhất. Nó giàu nhất trong mấy anh em, đang ở Đà Nẵng” - bà tủm tỉm cười. 8 người còn lại, tất cả đều có địa vị xã hội, công tác ở Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn hoặc Tiền Giang. Riêng người trai con út Nguyễn Hữu Tuấn đang làm tiến sĩ ở Singapore. Đôi mắt đôn hậu lấp lánh như biết cười, bà Hạnh kể, cực khổ, nhưng từ khi đứa con đầu đi học đại học, bà đã không còn lo nghĩ đến chuyện tiền nong cho con học hành.
“Đứa nào cũng tự kiếm tiền đi học, không cần nhờ vả cha mẹ. Không phải tui không lo được, nhưng tui dạy cho chúng nó ý thức độc lập từ nhỏ”. Niềm vui của đại gia đình ở quê nghèo Thăng Bình như càng nhân lên gấp bội bởi sự thành đạt, ý chí vươn lên của 9 người con. “Có những tháng, mấy đứa còn dành dụm được học bổng gửi về. Đứa lớn đi học, tranh thủ làm thêm, rồi nhận học bổng, bảo với tui cất mà lo cho em, tui trào nước mắt vì sung sướng” – bà nhớ lại.
Con đàn cháu đống, truyền thống hiếu học của đại gia đình cứ thế được tiếp tục phát huy. Hiện trong số 15 người cháu của ông bà Bốn Nghĩa, có 5 người đậu đại học. Con anh Nguyễn Hữu Quang năm nay phát tin vui với cả nhà khi đậu 2 trường Đại học, riêng ĐH Y khoa Huế đạt á khoa: 28 điểm. Những người cháu còn lại đều học trường chuyên, đều là học sinh xuất sắc của những trường điểm như Lê Quý Đôn, Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). “Tui vẫn thường xuyên nhắc nhở các con, dẫu đã thành đạt ngoài xã hội, dẫu thời đại ngày nay sướng hơn xưa, đỡ lo cái ăn cái mặc, nhưng đừng bao giờ dạy con cháu ỷ lại, phải biết tự lập vươn lên” - bà Hạnh nói. Chị Nguyễn Thị Thu Trang (là thạc sĩ, hiện công tác ở trường Chính trị T.Ư 3 - Đà Nẵng), tự hào: Chúng tôi thật may mắn vì có những bậc sinh thành đặt niềm vui, sự thành đạt của con cái là mục đích sống”. Chị Trang nhớ lại, chính những chỉ bảo ân cần, những phương pháp dạy con khoa học của người mẹ là kinh nghiệm quý báu cho chị sau này.
“9 người con thành đạt, không ai ở cùng vợ chồng già, buồn không?” - Tôi hỏi. Bà hiền từ giãi bày: “Buồn chi chú, con cái thành đạt, tụi nó như chim, phải cất cánh bay xa. Mỗi năm vài dịp sum vầy là vui rồi. Vợ chồng tui còn khỏe, sống ở quê tĩnh lặng. Tui còn sức, còn làm ra tiền, không cậy ai nuôi cả. Muốn báo hiếu, hãy sống, làm việc có ích cho xã hội, đất nước, đó là hiếu trung chứ đâu!”.
Long mạch của làng: Trí đạo
Trưởng thôn Tú Mỹ Nguyễn Văn Thân ngắn gọn khi tôi hỏi, làng này có long mạch, đất tốt gì không mà trong số 70 hộ đã có tới 68 hộ có con em học đại học, cao đẳng: “Long mạch gì chú, vẫn nghèo, vẫn bám ruộng vườn, nhưng vượt khó. Ai cũng hiểu, chỉ học mới thoát nghèo”.
Thôn Tú Mỹ - làng đại học. |
Hôm tôi đến, anh Thân đang lên Hiệp Đức để tìm cây cà gai leo nhập cho thương lái. Phải mất hai lần mới gặp được anh. “Rộ lên phong trào thôi, lúc nông nhàn nên kiếm nghề thu nhập thêm. 3 đứa con thì hai đứa đang học đại học, một đứa học cao đẳng. Mấy sào ruộng không đủ chu cấp học phí, rồi còn cái ăn, cái mặc nữa. Thôi thì hy sinh đời bố, củng cố đời con” - anh Thân thật thà. Nhà phó thôn Nguyễn Văn Tuyến cũng có người con đang học ĐH Đà Lạt, đến kỳ nghỉ hè, theo cha lên tận Quế Sơn tìm cây cà gai leo.
Theo ông Phan Phát Đạt, Tú Mỹ chính là niềm tự hào lâu nay của xã Bình Tú về thành tích học tập, vẫn chưa thể thống kê chính xác có phải 100% các hộ có người học đại học hay không, nhưng 95% là có. Nếu tính cả cao đẳng thì đúng là 100%. |
Tui đang làm con số thống kê để báo cáo cho Hội khuyến học xã Bình Tú. Năm nay thêm mấy trường hợp đậu ĐH điểm cao. Mấy cháu đang chuẩn bị nhập học, mấy năm trước đều có thủ khoa, riêng năm này đậu điểm cao nhưng mất mùa thủ khoa” - anh Tuyến phân trần. Ngoài trường hợp đặc biệt như kỳ tích của gia đình ông Bốn Nghĩa, con số hộ gia đình 3 - 4 người đậu ĐH rồi là tiến sĩ, thạc sĩ đếm không xuể, như nhà ông Nguyễn Hữu Nam, nhà chị Nguyễn Thị Thủy, nhà anh Thân… “Làng Tú Mỹ có 2 thôn là Tuấn Mỹ và Tuấn Nghĩa, coi sự học hành, vượt khó thành tài như một sự đua tranh. Cạnh tranh lành mạnh, đáng khen trong thời buổi này” - ông Phan Phát Đạt - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Tú kể.
“Việc bây giờ của chúng tôi không phải là ngồi thống kê mà là tìm mọi cách động viên, chăm lo cho sự học của các em mầm non và tiểu học. Phải làm thật tốt từ lứa tuổi này, nếu không lớn lên hỏng hết. Việc gì cũng phải từ gốc” - Quan điểm của trưởng thôn Nguyễn Văn Thân cũng như Chủ tịch Hội khuyến học xã Phan Phát Đạt cắt nghĩa cho tôi vì sao đất học Thăng Bình lại phát tích những ngôi làng như Tú Mỹ.
Ghi chép
Nam Cường