Hàng chục triệu phú đôla người Việt ở Angola

Hàng chục triệu phú đôla người Việt ở Angola
TP - Theo đại sứ Việt Nam ở Angola, có tới hơn 40 người Việt là triệu phú đôla hiện đang làm ăn tại Angola như Cường Viana, Phụng Avima, Đức Huambo, Thi Benguela, Thành Lubango...

> Chợ Đồng Xuân giữa lòng Luanda
> Người Việt mưu sinh ở Angola (P1): Người mở đường

Angola đang trong quá trình tái thiết đất nước. Họ cần sự chung tay xây dựng của cộng đồng Việt Nam. Có lẽ vì thế nên tại Angola, đã bắt đầu xuất hiện những triệu phú đô la người Việt trẻ, đầy nhiệt huyết.

Trùm xây dựng Huambo

Hôm ở Đại sứ quán, ông Đỗ Bá Khoa - Đại sứ Việt Nam tại Angola tự hào cho biết, ở Angola đã bắt đầu hình thành nên những triệu phú đô la trẻ người Việt. Họ là lực lượng tiên phong, đóng góp một phần quan trọng trong việc tái thiết đất nước Angola.

Theo nhẩm tính của ông Khoa, có lẽ phải có tới hơn 40 người Việt là triệu phú đô la hiện đang làm ăn tại Angola. Tên tuổi của các triệu phú đô la thường gắn liền với từng địa danh tại Angola như Cường Viana, Phụng Avima, Đức Huambo, Thi Benguela, Thành Lubango...

Dù chưa có dịp được gặp hầu hết các triệu phú đô la người Việt tại Angola, nhưng tôi đã may mắn gặp một số người. Với những công việc họ đang làm, có lẽ nhắc đến tên họ ai cũng phải nể phục.

Anh Đức (người mặc vest) và khu căn hộ cho cán bộ công nhân viên quân khu Huambo do công ty anh xây dựng
Anh Đức (người mặc vest) và khu căn hộ cho cán bộ công nhân viên quân khu Huambo do công ty anh xây dựng.

Tỉnh Huambo là thủ phủ của người Việt sau Thủ đô Luanda. Huambo có khí hậu mát mẻ như TP Đà Lạt của Việt Nam. Buổi sáng, trời se lạnh. Muốn ra đường phải khoác chiếc áo gió.

Người Việt ở đây khá đông đúc. Điều lạ là khi nhắc đến Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công ty Indoboss. Loa - Vu Minh Duc hầu như ai cũng biết. Trong khu đất rộng chừng vài ngàn m2, anh Đức cho xây nhà làm văn phòng và nơi sinh hoạt của toàn bộ cán bộ công nhân viên. Anh Đức cầm tinh con gà (sinh năm 1969), sinh ra và lớn lên tại Đức Giang (Long Biên, Hà Nội). Như đã giới thiệu ở bài trước, anh Đức được “soái Việt” Lê Thiết Thảo đưa sang Angola từ hơn 10 năm trước. Công ty anh Đức chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Anh Đức vẫn không quên những ngày tháng mới sang Angola, phải đứng bán quần áo tại chợ São Paulo (Thủ đô Luanda). Thời điểm đó, nhờ bán hàng, mỗi ngày anh Đức thu được vài trăm đô la Mỹ.

Sau đó, cuộc đời anh rẽ sang một hướng đi khác khi biết tại tỉnh Huambo, Bộ Quốc phòng Angola đang muốn xây dựng Làng Olimpic quân khu Huambo. Nhờ được bạn bè, người thân cho vay tiền, anh rời São Paulo về Huambo lập công ty.

Giữa lúc đang làm ăn như diều gặp gió, anh bị một toán người lừa vào rừng cướp mất chiếc ô tô trị giá gần cả trăm ngàn USD. Không nản chí, anh tiếp tục đeo bám giấc mơ làm giàu. Trong khó khăn, tin vui lại đến khi công ty anh trúng thầu dự án Làng Olimpic và khu biệt thự cho cán bộ quân nhân quân khu Huambo với tổng giá trị lên tới hàng chục triệu USD.

Công ty của anh Đức sử dụng khoảng hơn 700 lao động là người Việt Nam và Angola
Công ty của anh Đức sử dụng khoảng hơn 700 lao động là người Việt Nam và Angola .

Để đáp ứng nhu cầu khắt khe của Bộ Quốc phòng Angola, anh Đức cho tuyển hàng trăm lao động Việt Nam và Angola vào để xây dựng. Hiện, công ty anh Đức có tới gần 200 lao động Việt Nam và khoảng 500 lao động người Angola.

Lương trung bình của thợ xây dựng Việt Nam tại công ty anh Đức thường từ 800-1.500 USD/tháng, còn lương phụ hồ (chủ yếu là người bản địa) từ 100-250 USD/tháng. Vì được anh Đức trả lương cao và ổn định nên nhiều lao động Việt Nam tứ xứ ở Angola đã đổ về Huambo để đầu quân.

Bùi Đức Ái, sinh năm 1980, quê ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cũng tích cóp được 1.000 USD để gửi về cho vợ con.

Nhiều lao động Angola được công ty anh Thi nhận vào làm việc
Nhiều lao động Angola được công ty anh Thi nhận vào làm việc.

Anh em lao động còn nể phục anh Đức ở chỗ đã cải hóa được nhiều người từng một thời là tay anh chị. Điển hình như anh Vũ Ngọc Quỳnh. Kể từ ngày đầu quân cho công ty anh Đức, Quỳnh được tín nhiệm là người quản lý toàn bộ việc xây dựng.

Trước là tay giang hồ có tiếng nhưng nay anh Quỳnh hiền lành đến lạ. Suốt ngày không uống một giọt bia hay rượu. Đã thế, Quỳnh còn ăn chay, niệm Phật. Theo anh Đức, ở công ty không phải chỉ có Quỳnh mà rất nhiều lao động khác đã biết làm lại cuộc đời khi không may trước đó là nạn nhân của “nàng tiên nâu”.

Vua xe máy Benguela

Từ Huambo chúng tôi tiếp tục đến tỉnh Benguela. Đây cũng là tỉnh có hàng ngàn người Việt sinh sống và làm ăn. Ở đây cũng có khá nhiều triệu phú đô la.

Ngoài anh Trần Ngọc Quỳnh, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tổng giám đốc một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, người được nhắc đến nhiều nhất là anh Nguyễn Viết Thi, Chủ tịch Công ty Hải Nam. Trụ sở chính của công ty anh Thi ở ngay trung tâm tỉnh lỵ Benguela.

Với thâm niên buôn bán xe máy tại Angola 10 năm, anh Thi được biết đến là ông vua xe máy người Việt tại Angola. Để phát triển công ty, anh Thi phối hợp cùng với anh Hoàng Thế Thành, sinh năm 1978, quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội làm giám đốc điều hành. Anh Thành hiện là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Benguela.

Anh Thi tại trụ sở công ty ở tỉnh Benguela. Ảnh: Phong Cầm.
Anh Thi tại trụ sở công ty ở tỉnh Benguela. Ảnh: Phong Cầm..

Từ năm 2003, khi bước chân đến Angola, anh Thi thấy rõ tiềm năng của việc kinh doanh xe máy. Nhưng trở ngại lớn nhất là làm sao để người dân Angola bỏ tiền mua và biết sử dụng xe máy làm phương tiện cá nhân như ở Việt Nam. Sau khi mua đất, anh Thi tiến hành xây dựng nhà xưởng tại Benguela.

Khu nhà xưởng giá trị hàng triệu đô ra đời đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Thi khai phá vùng đất nhiều tiềm năng này. Anh bàn với Hoàng Thế Thành nhập khẩu xe máy từ Trung Quốc. Xe máy nhập về đa chủng loại, bắt mắt và giá cả hợp lý. Trung bình mỗi chiếc xe máy tại Angola giá từ 700-1.000 USD. “Có những thời điểm xe máy bán rất chạy. Ở Angola khác Việt Nam ở chỗ, khi người dân mua xe là chỉ việc đi, còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm tất cả mọi thủ tục giấy tờ, kể cả biển số”, anh Thi tâm sự.

 Chúng tôi rất mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xây dựng, nông nghiệp, chế biến. Đặc biệt là những nhà đầu tư Việt Nam muốn đến làm ăn tại Huambo, chúng tôi luôn luôn mở rộng cửa để chờ đón.

Ông Guilermo Julucas-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huambo

Để tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân người Việt Nam và Angola, anh Thi cho mở rộng thêm nhiều chi nhánh tại các tỉnh khác của Angola như Lubango, Huambo, Sumbe, Sarimu...

Đa số công nhân Việt Nam được anh Thi nhận vào làm việc chủ yếu là những người biết lắp ráp, sửa chữa xe máy. Họ được anh Thi trả lương trung bình 1.000-1.200 USD/tháng sau khi đã chu cấp chỗ ăn, ở. Không những tạo việc làm cho người Việt Nam, công ty anh Thi còn chiêu nạp đông đảo người bản địa vào công ty nấu ăn, giúp việc, bốc vác, bảo vệ, lái xe.

Trong hành trình xuyên suốt Angola, tôi còn gặp nhiều người Việt Nam trẻ tuổi nhưng có nhiều việc làm sáng tạo. Dù tuổi đời nhiều người chỉ mới ngoài 30 nhưng gia sản của họ đã lên tới hàng triệu đô la. Họ không những tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nhiều người Việt Nam mà còn góp phần phát triển kinh tế Angola.

Bình luận về người Việt Nam, trong buổi trò chuyện với đoàn nhà báo Việt Nam, ông Guilermo Julucas, Phó chủ tịch tỉnh Huambo cho biết, Angola nói chung và Huambo nói riêng, mọi người Việt Nam đều có thể đặt chân đến bất cứ nơi nào. Họ không phải lo gì đến vấn đề an ninh trật tự. Cơ hội và tiềm năng phát triển rất dồi dào. Người Việt Nam muốn đầu tư và làm ăn, chúng tôi luôn luôn mở rộng cửa để chờ đón.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.