Ngư dân thả trôi tính mạng trên Biển Đông

Ngư dân thả trôi tính mạng trên Biển Đông
TP - Đánh bắt xa bờ, cách trở giữa biển khơi, dài ngày lênh đênh mưu sinh nhưng hầu hết tàu thuyền ngư dân miền Trung thiếu trang thiết bị y tế, tủ thuốc, kỹ năng sơ cấp cứu...

> Hợp tác xã đánh bắt xa bờ 'ba không'
> Cần chính sách đặc biệt hỗ trợ đánh bắt xa bờ

Hên xui nhờ trời

Chuẩn bị đủ loại nhiên liệu, lương thực cho chuyến vươn khơi bám biển tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng), nhưng tủ thuốc trên tàu cá QNg 98694TS của ông Huỳnh Tấn Vinh (45 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi) để trống. Đặt vị trí sâu khoang để đồ, tủ thuốc sót lại vài hộp đau bụng, cảm cúm đã quá hạn sử dụng, ố vàng... Hai năm trước, đoàn từ thiện đến xã phát tặng miễn phí tủ thuốc, ông Vinh cùng hàng chục tàu cá trên địa bàn hồ hởi đến nhận. Một hai lần mua vài vỉ thuốc chữa bệnh đơn giản, đến nay tủ thuốc trên tàu hầu như để không. “Hên xui thôi chứ ốm đau trên bờ còn khó chữa huống chi là giữa biển”, ông Vinh thản nhiên nói.

 Nhiều năm gắn bó công tác tập huấn, cứu nạn ngư dân, tôi thấy ngư dân rất chủ quan, coi thường tính mạng. Còn vấn đề sức khỏe thì họ phó mặc, nhờ trời.

BS Trần Ngọc Quang

Hỏi về các lớp tập huấn, kỹ năng cơ bản chống ngạt nước, đuối hơi, băng kẹp tay chân do tai nạn lao động, ông Vinh và các ngư dân đều lắc đầu. Ông Vinh bảo: xã có mời ngư dân đến tập huấn y tế, nhưng trúng chuyến biển, vợ con đi thay. Đi biển xử lý bằng kinh nghiệm là chính. Chuyến biển nào cũng thế, con tàu QNg 96848TS hơn 400CV, hành nghề lưới vây cùng hơn chục ngư dân “thả trôi” tính mạng ngang dọc vùng biển khơi khắp Bắc bộ, đổ về tận Vũng Tàu vài tuần lễ.

Khảo sát dọc tàu thuyền neo đậu âu thuyền Thọ Quang, hầu hết đều không có tủ thuốc y tế, hoặc có cũng như không. Đặc biệt, tại các tàu đánh bắt gần bờ, phần lớn đều “trắng” tủ thuốc y tế. Theo ông Trần Đình Phương (52 tuổi, đường Hồ Sỹ Tân, Sơn Trà), chủ tàu ĐNa 6254, sắm đủ số thuốc cần thiết cho mỗi chuyến biển tốn chừng trên dưới 1 triệu đồng. Thuốc lại bị ảnh hưởng nước biển không để được lâu. Nhiều tàu tiếc tiền nên đánh liều tính mạng. Ngư dân Nguyễn Văn Ba (25 tuổi, quê Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng), thuyền viên tàu ĐNa 98658TS kể: Hơn năm trước em chết hụt vì đau bụng dữ đội trên biển. Tìm cả tàu không ra thuốc chống viêm, sơ cứu tạm thời. May tàu cách biển hơn chục hải lý còn quay đầu kịp.

Giữa tháng 5/2013, tàu SAR 412 (thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực II, gọi tắt Danang MRCC) khẩn tốc ra Trường Sa cứu nạn ngư dân Nguyễn Sinh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) trên tàu ĐNa 90426 bị đau bụng dưới, nôn mửa. Cập tàu, các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng mới thấy tàu này thiếu dụng cụ y tế, thuốc men cơ bản. BS Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho hay: Nếu có sẵn thuốc ứng cứu trên tàu, bệnh nhân sẽ được sơ cứu mà không cần nhờ sự can thiệp trực tiếp từ đất liền. Mới đây, ngày 13/6, tàu cá ĐNa 90249 TS đang đánh bắt tại vị trí 16,30 độ Bắc- 109,30 độ Đông khẩn cấp vào bờ, cấp cứu ngư dân Hồ Đại Bắc bị đau bụng dữ dội. Thuyền trưởng Đồng Ơn (Sơn Trà) kể: Tàu điện nhờ 115 hướng dẫn sơ cứu, ngặt nỗi trên tàu không đủ thuốc men.

Giành giật sự sống từ tổng đài đến biển

Theo BS Hồng, nhiều năm nay, đơn vị “phủ sóng” cấp cứu các khu vực trên biển. Chưa có văn bản quy định từ Bộ Y tế về công tác cấp cứu trên biển nhưng với lương tâm, trách nhiệm thầy thuốc hằng ngày các cán bộ, y bác sĩ Trung tâm túc trực thường nhật đầu dây để điện đàm, tư vấn hỗ trợ y tế cho ngư dân. Đầu tháng 6/2013, từ thông báo Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng, bác sĩ trực 115 Đà Nẵng điện đàm tư vấn, hướng dẫn cho tàu ĐNa 90316TS phương pháp sơ cứu cho ngư dân Nho Dân trên tàu, bất ngờ bị ho ra máu. Sáng 4/6, tàu cá này đang đánh bắt vị trí có tọa độ 16-49N 110-02E, cách Đà Nẵng khoảng 103 hải lý về hướng Đông Bắc, ông Dân phát bệnh. Các thuyền viên trên tàu sơ cứu khẩn cấp nhưng bệnh tình ông Dân không thuyên giảm. Trưa cùng ngày, Trung tâm cấp cứu 115 nối sóng, hướng dẫn kịp thời. “Tiếc là giữa biển khơi cách trở không phải lúc nào cũng có thể can thiệp kịp thời, hỗ trợ các ngư dân. Công tác cứu nạn ngư dân qua tổng đài vẫn là một khâu quan trọng”, BS Hồng nói.

BS Quang điện đàm tư vấn ngư dân về y tế. ẢNH: NGUYỄN HUY
BS Quang điện đàm tư vấn ngư dân về y tế. ẢNH: NGUYỄN HUY.

Hơn chục năm gắn bó với công tác y tế ngư dân, BS Hồng khó nhớ hết những phút giây giành giật sự sống trên từng chuyến biển. Cuối tháng 1/2013, Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng nhận thông tin tư vấn y tế cho tàu cá ĐNa 90198 do ông Phạm Hùng (Đà Nẵng) là thuyền trưởng. Đang đánh bắt tại vị trí cách Đà Nẵng khoảng 150 hải lý về hướng đông bắc, ngư dân Ngô Minh Quang (25 tuổi, Đà Nẵng) trên tàu bất ngờ bị đau bụng bên trái và nôn mửa nhiều. Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng đã kết nối cho thuyền trưởng Hùng trao đổi trực tiếp với Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng để được hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, bệnh tình ngư dân Quang vẫn không thuyên giảm. Ngay trong ngày, tàu ĐNa 90198 chuyển hướng, nhổ neo vào bờ, cấp cứu ngư dân Quang trên đất liền.

Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đà Nẵng) Lưu Quang Khánh, nêu thực tế: Theo quy định các tàu đánh bắt xa bờ bắt buộc phải có tủ thuốc cấp cứu cho tai nạn lao động và các bệnh đau ốm thông thường. Tuy nhiên, hầu hết các chủ tàu đều không chấp hành. Một vài tàu cá có trang bị tủ thuốc, nhưng cả thuyền trưởng, thuyền viên đều thiếu kiến thức về loại thuốc và cách sử dụng.

Nhớ nhất với cán bộ, bác sĩ Trung tâm 115 là chuyến vươn khơi trên tàu SAR 412 cấp cứu ngư dân Lê Tuấn Xi (22 tuổi, Quảng Ngãi), trên tàu cá QNg 97016 TS bị ốm nặng. Ngày 13/3, tàu SAR 412 tiếp cận tàu QNg 97016 TS, chuyển bệnh nhân lên tàu sơ cấp cứu. Bệnh nhân lúc này trong tình trạng hôn mê, nhịp thở yếu, huyết áp thấp co giật, rất nguy hiểm đến tính mạng. Trong đêm, tàu cứu nạn đạp sóng đưa thuyền viên bị nạn về Đà Nẵng. “Suốt hành trình về bờ, bệnh nhân nhiều lần hôn mê bất tỉnh, tưởng chừng không qua khỏi. Trong giờ phút căng thẳng ấy, may mắn chúng tôi vẫn kịp giành lại sự sống cho ngư dân”, BS Hồng kể.

BS Hồng trăn trở: Nhiều năm liền trực tiếp gắn bó, chỉ đạo công tác phối hợp ứng cứu ngư dân tôi trực tiếp chứng kiến vài ba trường hợp ngư dân tử vong trước khi tàu cứu hộ đến. Không ít trường hợp ngư dân bị tai biến nặng do không được sơ cứu ban đầu. Nếu trang bị y tế theo tàu được quan tâm chu đáo chắc chắn tình hình sẽ cải thiện.

Vướng từ ý thức

Thống kê từ BĐBP TP Đà Nẵng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn xảy ra 38 vụ tai nạn biển (tai nạn lao động, chìm tàu, tàu hỏng máy...) làm 13 người chết, 3 người bị thương cùng hàng chục phương tiện hư hại. Tại Danang MRCC, trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận 2-3 trường hợp tàu thuyền ngư dân miền Trung điện báo cấp cứu về bệnh tật, tai nạn lao động, và có xu hướng gia tăng. Nhưng hầu hết tàu thuyền chưa ý thức cao về trang bị kỹ năng, tủ thuốc y tế. Theo BS Trần Ngọc Quang (Danang MRCC), điều kiện sinh hoạt hạn chế trên tàu, thời tiết thất thường, ngư dân hay sử dụng thực phẩm tươi sống khiến nguy cơ đau bụng, sốt, ốm, nôn mửa rất hay xảy ra. Những bệnh này có thể khắc phục bằng các phương pháp, thuốc men thông thường. Tuy nhiên do thiếu kỹ năng y tế nên nhiều trường hợp không thể tự xử lý.

Giám đốc Danang MRCC Trần Văn Long cho hay: Theo quy trình khi Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng tiếp nhận thông tin tàu cá, ngư dân gặp nạn điện báo Danang MRCC, đơn vị phối hợp 115 để điện đàm tư vấn cho ngư dân, xử lý tình huống trước mắt. Do thiếu thuốc men trên tàu nên hầu hết công tác tư vấn, cứu nạn rất khó triển khai. 2/3 trong số trường hợp này, đơn vị điều tàu trực tiếp ra khơi ứng cứu.

Cũng theo ông Long, những năm gần đây, Danang MRCC mở các lớp tập huấn miễn phí đều đặn cho ngư dân dọc các tỉnh miền Trung về phương pháp cấp cứu y tế, mẫu tủ thuốc cơ bản. Tuy nhiên, có đến 80-90% số ngư dân tham gia tập huấn về đều không thực hiện. Thay vì đi để nâng cao nhận thức y tế, ngư dân đến các lớp tập huấn với mục đích nhận tiền hỗ trợ, phao cứu sinh; nhiều ngư dân cử vợ con đi “học thay”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG