Điều bất cập là khi lỡ hỏng hóc là nông dân khốn đốn. Trong khi đó, có những loại máy đầy tính ưu việt được sáng chế ngay tại địa phương, nhưng người làm ra nó không đủ sức đưa công trình vào guồng sản xuất, kiệt quệ với vụ kiện vi phạm sở hữu trí tuệ kéo dài hàng chục năm chưa tới hồi kết.
Khổ như người sáng chế chân đất!
Một trong những vấn đề nóng trên thủ phủ cà phê, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các hội nghị khoa học, là công nghệ chế biến sau thu hoạch. Để khắc phục tình trạng tỷ lệ hạt cà phê bị đen mốc vỡ vụn cao, mất giá do phơi trên nền đất hoặc sân xi măng, dưới thời tiết nắng mưa thất thường vào những tháng cuối năm, Tây Nguyên rất cần có loại máy sấy cà phê thích hợp nhằm bảo đảm hàng triệu tấn quả cà phê tươi đỏ hái vào cuối mùa mưa không bị ẩm mốc, giảm tỷ lệ đen vỡ thải loại, tăng giá trị cà phê xuất khẩu.
Đã có nhiều loại máy sấy cà phê made in Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ được giới thiệu, bày bán trong các hội chợ thương mại và festival cà phê tại Buôn Ma Thuột, nhưng nhìn giá tiền gắn trên máy, nông dân thường chỉ biết lắc đầu, bỏ đi.
Anh Thịnh đưa xưởng về nhà. |
Từ huyện thuần nông Krông Ana, kỹ sư cơ khí Hoàng Thịnh từ lâu dành thu nhập từ nghề làm rẫy để… nghiên cứu làm ra các loại máy phục vụ nông nghiệp. Năm 2005 ông đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam-VIFOTEC với phát minh về giải pháp hữu ích cho máy đùn gạch, ông cũng vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ tiếp tục cấp bằng độc quyền sáng chế số 7002 cho loại máy sấy đối lưu mà ông mới chế tạo thành công.
Trên website của Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Đắk Lắk, rất nhiều người click vào để đọc bài giới thiệu về “Máy sấy đảo trộn tự động - Sáng tạo kỹ thuật mới”, mô tả những bất tiện của các loại máy sấy đang lưu hành trên thị trường và nhấn mạnh “Thiết bị máy sấy đảo trộn tự động và hồi lưu khi sấy - một sáng chế mới của Hoàng Thịnh, hội viên hội Cơ khí Đắk Lắk đã khắc phục được các nhược điểm đó”.
Theo kết quả phân tích và kiểm nghiệm của Trung tâm Công nghệ-Quản lý môi trường và Tài nguyên thuộc trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, thì cà phê sấy khô bằng loại máy do ông Thịnh chế tạo hoàn toàn không còn nấm mốc, chất lượng tốt đều cao hơn so với phơi hoặc sấy bằng loại máy khác.
Tuy nhiên, do gia cảnh ông Thịnh đang quá chật vật sau tròn 10 năm đeo đuổi vụ kiện tới nay vẫn chưa đến hồi kết về đòi quyền sở hữu trí tuệ đầu tiên trên Tây Nguyên, cũng là đầu tiên của cả nước (vụ này báo Tiền Phong đã nhiều lần đăng bài), nên dù nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, ông Thịnh không còn đủ sức biến công trình nghiên cứu thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể cung ứng cho thị trường.
Đánh giá rất cao các đặc tính ưu việt của loại máy sấy hồi lưu này, Liên hiệp Hội KHKT cùng các sở ngành liên quan của tỉnh Đắk Lắk, và cả ông Nguyễn Văn Lạng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, lúc bấy giờ đang là Thứ trưởng Bộ KHCN, đã tiến cử sáng chế mới của ông Thịnh với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Sau khi xem xét hồ sơ, tháng 7/2009 Quỹ ký hợp đồng với ông Thịnh về “ Nghiên cứu công nghệ thiết kế và chế tạo máy sấy cà phê quả tươi” trong thời hạn 2 năm, cam kết hỗ trợ kinh phí từ chương trình 119 của Chính phủ.
Nhiều nhà này nhà nọ về tận nơi, ngắm cỗ máy đa năng của Quân mà phục sát đât. Còn Quân vẫn vô tư sống lam lũ giữa rẫy nương, hỗ trợ hàng xóm bằng cỗ máy kỳ diệu của mình |
Đúng hạn, tháng 12/2011 Quỹ nghiệm thu công trình là chiếc máy đã được ông Thịnh tu chỉnh hợp lý đến từng chi tiết nhỏ. Trong Biên bản thanh lý hợp đồng đóng tới 4 con dấu xác nhận sản phẩm đạt yêu cầu, trong tổng kinh phí 682,750 triệu đồng mà ông Thịnh đã chi để thực hiện đề tài thì nhà nước tài trợ 193,445 triệu đồng, Quỹ đã chuyển 152 triệu đồng còn nợ lại 41,445 triệu đồng phải cấp tiếp.
Gặp lại ông Thịnh ốm o hốc hác trong bộ đồ lao động nhem nhuốc dầu mỡ, hàn xì trong hẻm mấy lần xuyệt tít sâu trong khối 7 phường Tân An TP Buôn Ma Thuột, nơi ông vừa chuyển cơ ngơi cả nhà lẫn xưởng từ huyện Krông Ana ra phố định cư cho 2 cậu con trai tiện học hành, chúng tôi hỏi: Sao chờ mãi vẫn chưa thấy chiếc máy sấy hồi lưu nhãn Hoàng Thịnh ra thị trường? Ông vào nhà lấy mớ giấy trên kệ xuống cho xem: Thì ra cho tới bây giờ, tới giữa tháng 6/2013 rồi Quỹ vẫn chưa chuyển nốt số tiền còn lại cho nhà sáng chế.
Trong khi đó, danh sách khách hàng đăng ký đặt mua máy sấy hồi lưu có họ tên, địa chỉ, số điện thoại hẳn hoi đã lên tới 153, mà ông Thịnh vẫn chưa cung ứng được chiếc máy nào do vẫn vừa khát vốn sản xuất vừa loay hoay dưới gánh nặng mưu sinh.
Tôi gọi điện thoại ra Hà Nội, tiến sĩ (TS) Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ bất ngờ khi biết ông Thịnh vẫn chưa nhận đủ khoản tiền tài trợ sau một năm rưỡi ký biên bản thanh lý hợp đồng đề tài.
Ông hẹn đầu tuần sau phó giám đốc Đỗ Phương Lan sẽ chủ động trả lời. Đợi đến cuối buổi chiều thứ hai không thấy hồi âm, PV báo Tiền Phong điện thoại cho bà Lan. Bà xác nhận do thủ tục lòng vòng chậm trễ, nhân viên thiếu tích cực, đang chỉ đạo tiếp…
Và ngậm ngùi những sáng chế… cô đơn
Chiều ngày 18/6/2013, Nguyễn Thái Toản ở thôn Tân Lập (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) báo tin mừng cho PV báo Tiền Phong, rằng ông Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Hoàng Công Thắng vừa hứa qua điện thoại: Huyện có thể hỗ trợ Toản… 10 triệu đồng, đủ cho Toản sản xuất 5 bộ tích hợp điều khiển từ xa theo mẫu máy do Toản đã chế tạo được, mà ông Thắng khi nghe tiếng đã vượt 20 km đường xa về tận nhà rẫy của Toản để chứng kiến hiệu quả hoạt động của máy.
Kỹ sư chân đất Nguyễn Thái Toản. |
Gia cảnh khó khăn, mới dở dang lớp 6, Toản đã phải nghỉ học làm rẫy. Suốt mùa hè, sự vất vả của mỗi ngày cuốc bộ mấy vòng dưới trời nắng chang chang ra chỗ đặt máy bơm cách từ 10-12 cuộn dây để đóng- tắt cầu dao đã khiến Toản nảy sinh ý nghĩ chế tạo ra loại thiết bị đóng mở nguồn điện từ xa dùng cho động cơ lớn như mô tơ kéo hoặc máy tưới.
Ông Nguyễn An Vinh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Đắk Lắk: Nhà nước rất nên ủng hộ và tạo điều kiện phổ biến sản phẩm cho những nhà khoa học có khả năng sáng chế ra các loại máy móc phục vụ nông nghiệp tiện dụng với điều kiện sản xuất của nông dân địa phương như kỹ sư Hoàng Thịnh. Bởi, không thể tuyên truyền cơ giới hóa, hiện đại hóa nông thôn chỉ bằng cách hô hào suông! |
Tháo tung chiếc ô tô đồ chơi điều khiển từ xa của cậu em trai để nghiên cứu và “ mượn tạm” phụ tùng. Sau vài tháng mày mò Toản đã biến chiếc điện thoại “cùi” của mình thành một loại công tắc, chỉ cần bấm vào số chiếc điện thoại khác cài trong cái máy nổ đặt ngoài rẫy là có thể mở hoặc tắt máy mà không phải ra tận nơi.
Suốt 3 năm Toản sử dụng ngon lành bộ tích hợp tự chế này để “tiết kiệm” công lội bộ gần 200km/mỗi vụ tưới, nhiều nông dân đã đến tận nơi đặt hàng, nhưng chàng thanh niên 26 tuổi vẫn rụt rè chưa dám, dù giá mỗi bộ tích hợp theo ước tính của Toản chỉ khoảng 2 triệu đồng.
Nhờ có bộ tích hợp, công chăm sóc 5 ha xoài của gia đình Toản nhẹ hẳn đi. Vụ xoài 2013 kết thúc hồi tháng 3 âm lịch đã đem lại nguồn thu gần 800 triệu đồng. Điều Toản bận tâm trong việc chế tạo không phải là… tiền, mà là cơ chế hỗ trợ, bởi với trình độ học vấn lớp 6, Toản không hình dung nổi mình phải làm thế nào để được công nhận sáng chế!
Hai lúa Mai Văn Quân. |
Điều kiện kinh tế không thuận lợi bằng Toản, nhưng Mai Văn Quân 27 tuổi ở buôn Noh, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk vẫn độ chế thành công chiếc xe máy cũ thành một cỗ xe ba bánh đa năng.
Khi dùng chở hàng tấn nông sản, nó như xe tải nhưng dễ dàng lội băng băng qua dốc đèo đầy hầm hố; gắn thêm dàn lồng phụ trợ nó sẽ biến thành chiếc máy bóc vỏ sắn công suất ngang với 30-40 lao động/ngày. Còn gắn với máy bơm, thì nó hóa thành xe chuyên phun thuốc trừ sâu. Nhiều nhà này nhà nọ về tận nơi, ngắm cỗ máy đa năng của Quân mà phục sát đất. Còn Quân vẫn vô tư sống lam lũ giữa rẫy nương , hỗ trợ làng xóm bằng cỗ máy kỳ diệu của mình…