Cựu binh Mỹ tìm sự thật trong ảnh thảm sát Mỹ Lai

Cựu binh Mỹ tìm sự thật trong ảnh thảm sát Mỹ Lai
TP - Tóc bạc trắng, nhà báo, nhiếp ảnh gia Ron Haeberle ngồi trong quán cà phê dưới chân Cột Cờ Hà Nội, gần Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, gương mặt đầy suy tư khiến tôi cứ nghĩ ông là người Mỹ trầm lặng. Nhấp một ngụm cà phê, ông nói: “Sang Việt Nam lần này, tôi sẵn sàng gặp bất cứ ai để có thể làm sáng tỏ một sự thật...”.

> 45 năm vụ thảm sát Mỹ Lai trên báo Mỹ
> Điệu vĩ cầm bất tử ở Mỹ Lai

Buổi sáng định mệnh

Hóa ra người cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam này vẫn còn sự thật cần làm rõ sau khi đã phơi bày một sự thật kinh hoàng khiến nước Mỹ và cả thế giới phẫn nộ.

Đến mức, nhiều người Mỹ phải thảng thốt kêu lên: “Đó không phải là sự thật. Không thể tin nổi chuyện như vậy đã xảy ra”. Nhưng đó là sự thật. Sự thật về cuộc thảm sát Mỹ Lai tưởng như đã bị chôn vùi nhưng đã được Ron Haeberle đưa ra ánh sáng.

“Tôi không thể quên được buổi sáng định mệnh hôm ấy, tôi đi trên trực thăng tới Mỹ Lai. Tôi mang theo hai chiếc máy ảnh: một chiếc Laika chụp phim đen trắng để nộp cho quân đội; một chiếc Nikon riêng của tôi chụp phim màu...” , Ron Haeberle nhớ lại.

Lúc ấy, Ron Haeberle không phải là nhà báo chuyên nghiệp mà là một quân nhân tập sự, được đi theo đại đội Charlie làm nhiệm vụ chụp ảnh những xác chết, để phục vụ việc báo cáo thành tích “diệt Việt cộng” của quân đội, và cung cấp hình ảnh cho tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ.

Sáng 16/3/1968, một nhóm lính Mỹ đổ bộ xuống thôn Mỹ Lai, Sơn Mỹ trong một cuộc tiến công “càn quét Việt cộng”. Khoảng 140 lính Mỹ, chủ yếu ở hai trung đội Bravo và Anphal của đại đội Charlie dưới sự chỉ huy của đại tá Ernest Medina.

Ngay khi đổ bộ xuống, lính Mỹ bắt đầu bắn phá điên cuồng vào mọi mục tiêu: người lớn, trẻ em, gia súc. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ, quân Mỹ đã giết chết 504 thường dân, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những người lính quân đội Việt Nam (Việt cộng) trên thực tế lúc đó ở cách Mỹ Lai 240km.

Ron Haeberle
Ron Haeberle .

 “Bằng mọi giá tôi đi tìm sự thật nhân vật trong bức ảnh này là ai, họ còn sống hay đã chết. Khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn”.  

Trung úy William Calley, chỉ huy đại đội Charlie - đại đội đã giết chết hơn 300 người dân ở Mỹ Lai ra lệnh “giết sạch, đốt sạch” những gì thấy trong làng. Ron Haeberle kể: “Khi chúng tôi đến gần hơn, tôi chứng kiến một người phụ nữ đang cố đứng dậy từ đống xác người, có vẻ chị ta, không thể đứng. Tôi không biết chị ta có phải Việt cộng không, chỉ biết chị là một trong những mục tiêu vẫn đang chuyển động, và một người lính đã sớm kết liễu chị bằng một phát súng vào đầu.

Ngay sau đó tôi thấy một người đàn ông già dắt hai đứa trẻ đi tới. Đó là những người Việt đầu tiên tôi nhìn thấy ở một khoảng cách gần. Ngay sau đó ông ta cùng hai đứa trẻ bị bắn chết. Tôi thực sự sốc, ông ta không có dáng vẻ gì là một du kích Việt cộng, hai đứa trẻ lại càng không. Đó chính là bức ảnh người đàn ông chết trên ruộng lúa và xác đứa bé trai nằm trên đường mà tôi đã chụp”.

Tôi hỏi: “Ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng: “Anh che chở cho em” trong bối cảnh nào?”

Ron Haeberle đáp: “Khi máy bay quay lại và rà xuống mặt đường đường làng, tôi nhìn thấy một cậu bé đang nằm xuống che chở cho em gái mình. Tôi bấm máy”.

Khi “người chết sống lại”

Đức và em gái diễn tả lại cảnh tượng lúc Ron chụp bức ảnh “Anh che chở cho em”
Đức và em gái diễn tả lại cảnh tượng lúc Ron chụp bức ảnh “Anh che chở cho em”.
 

Cuộc thảm sát Mỹ Lai đã bị bưng bít, vụ việc vẫn chưa được biết đến nhiều khi nhà báo Seymour Hersh đăng bài viết đầu tiên trên một tờ báo nhỏ, trước đó rất nhiều báo đã từ chối đăng câu chuyện “không mấy thuyết phục” của ông.

Ron Haeberle quyết định gọi điện cho một người bạn, Joe Eszterhas, từng làm biên tập viên của tờ The Plain Dealer nói: ông có những bức ảnh về Mỹ Lai. Những bức ảnh của Ron Haeberle đã thực sự tạo nên một cơn địa chấn trong lòng nước Mỹ.

Những “người hùng” quân đội Mỹ bỗng chốc trở thành những tên sát nhân man rợ. Một cuộc điều tra quy mô lớn trong quân đội Mỹ do tướng William Peers thực hiện kéo dài ba tháng.

Ron Haeberle được mời đến nhiều nơi ở nước Mỹ để nói chuyện về cuộc thảm sát. Ông trở thành nhân chứng quan trọng của vụ việc tai tiếng nhất lịch sử quân đội Hoa Kỳ.

Nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện thảm sát Ron Haeberle lại cảm thấy đau đớn. Ông thốt lên: “Tôi ở đó. Tôi là một trong họ. Tôi có tội như mọi người khác”.

Nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao hầu như tất cả các bức ảnh ông chụp về vụ thảm sát Mỹ Lai đều là cảnh những người dân đã chết, không có cảnh lính Mỹ đang giết họ.

Ron Haeberle thường im lặng. Ít ai biết ông đã lặng lẽ xé đi rất nhiều bức ảnh lính Mỹ giết dân lành Mỹ Lai, vì xấu hổ, vì bất lực trước tội ác và vì nỗi đau cứ giày vò mỗi khi nhìn lại những khoảnh khắc kinh hoàng ấy.

Tháng 10/2011, Ron Haeberle trở lại Sơn Mỹ thăm lại nơi vụ thảm sát xảy ra. Cùng đi với ông có một nhân vật đặc biệt mà từ đó mở ra một sự thật khác khiến cho Ron Haeberle cứ đau đáu muốn làm sáng tỏ. Nhân vật đặc biệt ấy chính là Trần Văn Đức - đứa bé trong bức ảnh nổi tiếng: “Anh che chở cho em” ngày nào.

Nhấp một ngụm cà phê, Ron Haeberle phá tan không khí trầm uất khi kể cho tôi nghe về câu chuyện “người chết sống lại” khi ông trở lại Mỹ Lai.

Trần Văn Đức - cậu bé Mỹ Lai- trước đó ở gần chợ Bình Đức, cách Mỹ Lai gần 10km. Năm 1967, vì sợ bom Mỹ oanh tạc vào khu đông dân cư, gia đình Trần Văn Đức tản cư về Mỹ Lai sinh sống. Khi sự kiện xảy ra, Đức 7 tuổi.

Sáng đó, 5 anh em anh Đức cùng mẹ bị lính Mỹ lùa ra tập trung nơi ruộng lúa. Sau loạt đạn đầu tiên, mẹ anh Đức trúng đạn vào chân và bụng, các chị em của anh rải rác quanh đó, hoặc bị thương, hoặc nằm im giả chết.

Khi toán lính rút vào làng, mẹ Đức bảo anh ôm lấy em gái Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi trốn về nhà bà ngoại. Bà bị thương không thể đi theo. Đức nghe lời mẹ ôm em gái đi trên đường làng, không lâu sau đó mẹ Đức bị tên lính Mỹ thứ hai bắn chết.

Đức và Hà đi bộ 7km về đến nhà bà ngoại, không lâu sau chị gái anh cũng sống sót và tìm được về nhưng một chị gái, em gái và mẹ của Đức vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng.

Đức, Hà và chị gái anh sống những ngày đói khổ trong sự đùm bọc của bà ngoại. Sau này Đức lớn lên, đi học, trở thành công an huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi rồi đi xuất khẩu lao động tại Đức và ở lại đó.

Về ban quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ, Đức phát hiện mình và em gái chính là hai nhân vật trong bức ảnh “Anh che chở cho em” đang treo ở đây (bức ảnh do Ron Haeberle chụp, nhưng khu chứng tích đã không đề tên tác giả).

Đức rất ngạc nhiên khi chú thích của bức ảnh lại ghi là “Trương Bốn, Trương Năm, sau khi bức ảnh được chụp lại, hai đứa bé đã bị bắn chết”.

Theo Đức, bức ảnh đã viết sai sự thật lịch sử vì nhân vật trong đó không phải là Trương Bốn, Trương Năm và người được chụp vẫn còn sống.

Sau nhiều buổi làm việc, thư từ điện thoại, gặp trực tiếp kiến nghị của Đức với lãnh đạo Quảng Ngãi, Sở Văn hóa Quảng Ngãi đã chỉ đạo BQL Khu chứng tích sửa lại thành: Anh che chở cho em trước họng súng quân thù, hai em bị lính Mỹ bắn chết sau khi bức ảnh được chụp.

Lần sửa lại này, theo Đức, vẫn viết sai sự thật lịch sử nên tiếp tục kiến nghị. Nhưng con đường chứng minh mình và em gái là hai nhân vật trong bức ảnh và vẫn còn sống quả thật “hành lộ nan”. Người đàn ông này đã phải viết đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn.

Phóng viên ảnh bị lãng quên và sự thật chưa được chấp nhận

 Ông Ron Haeberle trở lại Mỹ Lai ngày 16/3/2013 và gặp gỡ các nhân chứng để tìm sự thật cho bức ảnh
Ông Ron Haeberle trở lại Mỹ Lai ngày 16/3/2013 và gặp gỡ các nhân chứng để tìm sự thật cho bức ảnh.
 

Trần Văn Đức đã tìm gặp Ron Haeberle và họ cùng nhau trở lại Sơn Mỹ để chứng minh một sự thật: nhân vật trong bức ảnh “Anh che chở cho em” là Đức và em gái và họ không chết như chú thích ảnh.

Tới khu chứng tích Sơn Mỹ, dù cố gắng che giấu tâm trạng nhưng Ron Haeberle không giấu được thất vọng khi những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai không đề tên tác giả. Ông lắc đầu: “Phóng viên ảnh thường bị lãng quên”.

Trong cuộc đối chất 24/10/2011 tại khu chứng tích Sơn Mỹ, lãnh đạo khu chứng tích và chính quyền địa phương vẫn khăng khăng cho rằng hai đứa bé trong bức ảnh “Anh che chở cho em” đã chết. Ron Haeberle khẳng định: khi ông chụp bức ảnh thì hai đứa bé còn sống. Nhưng sau đó hai đứa bé còn sống hay chết thì dĩ nhiên ông không thể biết.

Sau cuộc đối chất, Trần Văn Đức và em gái cùng Ron Haeberle đã ra thực địa quãng đường 43 năm trước để “đi lại”. Giữa cánh đồng xanh ngắt như cái buổi sáng năm ấy, giữa bờ cỏ và con đường những người từng hai đầu chiến tuyến đã dựng lại cảnh một bức ảnh mà thực tế đã trùng khớp từng chi tiết.

Mồ hôi và nước mắt của Ron Haeberle và hai anh em Đức đã rơi trong khi diễn cái cảnh mà chỉ nhớ lại thôi cũng khiến họ run rẩy. Nhưng cuộc “thực địa” của họ không được Khu chứng tích Sơn Mỹ quan tâm.

Ron Haeberle ngồi lặng một lúc, ngắm Cột Cờ và chiếc máy bay trưng bày trước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, rồi nói với tôi: “Những gì ở Mỹ Lai rất buồn. Chúng ta không thể thay đổi lịch sử, nhưng có thể thay đổi cách nhìn về lịch sử”.

“Ông có tin chắc nhân vật trong hai bức ảnh “Anh che chở cho em” là hai anh em Trần Văn Đức?”. Ron Haeberle quả quyết: “Bây giờ tôi có thể khẳng định 99% đó là hai anh em Đức. Đức kể thời điểm tôi chụp ảnh Đức ôm Hà chạy trên đường làng và Đức ngẩng lên nhìn thấy một chiếc trực thăng có vẽ hàm cá mập với bộ răng trắng.

Đúng là có một chiếc trực thăng như thế. Đức cũng nói vào thời điểm đó có hai đứa trẻ đang chạy về phía đường 521 (đường làng Sơn Mỹ), chi tiết này cũng chính xác. Và điều quan trọng nhất là khi chụp ảnh, tôi chụp theo trình tự thời gian đã được đánh thứ tự 1 2 3 4 trên phim.

Đức đã diễn tả được câu chuyện và về chiếc trực thăng cá mập theo đúng trình tự về thời gian, không gian như tôi đã đánh dấu”.

Mặc cho người chụp ảnh, nhân vật trong ảnh, nhiều nhân chứng và cả chuyến “thực địa” đều chứng minh “Anh che chở cho em” chính là Đức và Hà, nhưng lãnh đạo khu chứng tích Sơn Mỹ vẫn không muốn nói về việc này và không chấp nhận sự thật.

Lần trở lại Việt Nam này, ở Hà Nội, Ron Haeberle đã gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh quân khu 4. Tại cuộc gặp, Trung tướng Thước đã nói với người cựu binh Mỹ: “Việc này không chỉ liên quan đến một cá nhân anh Đức hay ông giám đốc bảo tàng, mà chuyện liên quan đến nhiều người và một sự kiện lịch sử rất lớn. Nếu ai đó nên nghe ông thì phải là người có lời nói và vai trò quan trọng. Tôi mong sự thật được trả về đúng vị trí để công bằng với cả người sống và đã mất. Theo tôi nên có một cuộc hội thảo. Hai bên đều có chứng cứ, đều nên đưa ra để bảo vệ quan điểm. Tôi rất hoan nghênh ông Ron đến đây hôm nay”.

16/3 mới đây, đúng ngày kỷ niệm 45 năm vụ thảm sát Mỹ Lai, Ron Haeberle trở lại nơi mà mình đã chụp những bức ảnh gây chấn động nước Mỹ. Ông lại gặp gỡ các nhân chứng, lại đi trên con đường làng xanh ngắt, lúa còn ngậm sữa ấy.

Vẻ bình yên khiến nỗi đau của ông nguôi ngoai đi nhiều. Nhưng người đàn ông Mỹ 70 tuổi này vẫn quyết đi tìm sự thật cho bức ảnh của chính mình. Ông nói: “Bằng mọi giá tôi đi tìm sự thật nhân vật trong bức ảnh này là ai, họ còn sống hay đã chết. Khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn”.

Nhưng một điều không cần tìm, chính là người chụp những bức ảnh thảm sát Mỹ Lai vẫn treo ở Khu chứng tích Sơn Mỹ, nhưng sao người ta vẫn không đề tên tác giả Ron Haeberle?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG