Tình bạn giữa hai chiến tuyến

Tình bạn giữa hai chiến tuyến
TP - Câu chuyện của một người đi theo bộ đội hành quân dọc đường mòn Hồ Chí Minh với một người đi theo trực thăng của quân đội Việt Nam Cộng hòa, ở hai chiến tuyến, nhưng những bức ảnh chụp của họ đều phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh.

> Ngắm Leica độc của Nick Út
> 'Em bé Nalpalm' tròn 40 tuổi

Đã gặp nhau tại TPHCM cách đây vài năm, nhưng đây là lần đầu tiên hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nick Út và Đoàn Công Tính có dịp hội ngộ tại Quảng Trị đầu tháng 4 năm 2013. Họ cùng nhau thắp hương tại tượng đài Hoài Niệm, cùng thăm lại chiến trường xưa như những người anh em lâu ngày gặp lại.

Cuộc gặp gỡ được ráp nối bởi cựu phóng viên truyền hình Reuters Nguyễn Văn Vinh, người rất mến mộ tài năng của hai ông. Ông Vinh cùng Nick Út đi từ Hà Nội vào, còn nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính đi tàu hỏa từ TP.HCM ra.

Ông Vinh kể lại: “Chúng tôi đến Quảng Trị đúng sáng mùng 1 tháng 3 âm lịch, cùng nhau thắp hương tại tượng đài Hoài Niệm mới được khánh thành ngay bên bờ sông Thạch Hãn, nơi mọi người dân và người lính vốn ở hai bên chiến tuyến đều có thể đến đây thắp hương. Rất tình cờ, chúng tôi gặp đoàn cựu chiến binh cũng đến thắp hương tại đây. Nick Út và các cựu chiến binh trò chuyện vui vẻ, không hề có khoảng cách”.

Hai mảnh ghép chiến tranh

Nhiếp ảnh gia Nick Út (bên trái) và Đoàn Công Tính tại Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Văn Vinh
Nhiếp ảnh gia Nick Út (bên trái) và Đoàn Công Tính tại Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Văn Vinh.

Nhiếp ảnh gia Nick Út (tên thật là Huỳnh Công Út) nổi tiếng thế giới với những bức ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có bức Cô gái Napalm, bức ảnh đã gây nên một cơn chấn động thế giới, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình của người dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Bức ảnh này đã đem về cho Nick Út, phóng viên ảnh của hãng AP (Mỹ) giải thưởng báo chí Pulitzer và được trường đại học Columbia xếp hạng thứ 41 trong số 100 bức ảnh chiến tranh có ảnh hưởng nhất thế giới.

Sự nghiệp và danh tiếng của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, báo Quân Đội Nhân dân cũng gắn liền với cuộc chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có chiến trường Quảng Trị, nơi ông coi là quê hương thứ hai của mình. Ông là một trong số ít phóng viên ảnh chiến trường ghi lại được những bức ảnh sống động nhất về Chiến dịch Đường 9 Nam Lào và cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị.

Bức Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu của Đoàn Công Tính chụp năm 1972 tại Quảng Trị đã đoạt giải thưởng lớn (Grand Prize) của tổ chức nhà báo quốc tế OIJ ngay năm đó. Ba bức ảnh để đời của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính gồm Nụ cười chiến thắng ở thành cổ Quảng Trị, Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu và Trên đồi không tên đã đem đến cho ông giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Vốn là người khắt khe, hiếm khi khen ai, thế nhưng với Nick Út, Đoàn Công Tính luôn dành những từ ngữ tốt đẹp nhất. Ông nói: “Nick Út đã chụp những bức ảnh phản chiến, rất có lợi cho Việt Nam. Tác phẩm của Nick Út như một quả bom nổ giữa trung tâm nước Mỹ, làm chấn động thế giới, khiến người dân Mỹ tỉnh ngộ”.

Tình bạn giữa những người cùng bấm máy giữa đạn bom

Bức Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu của Đoàn Công Tính đoạt giải thưởng lớn của tổ chức nhà báo quốc tế OIJ, tháng 11 năm 1972
Bức Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu của Đoàn Công Tính đoạt giải thưởng lớn của tổ chức nhà báo quốc tế OIJ, tháng 11 năm 1972.
 

Sau khi sang định cư tại Mỹ từ năm 1975, Nick Út không có cơ hội được xem những bức ảnh chụp cuộc chiến Việt Nam từ phía bên kia. Cách đây hơn 10 năm, Nick Út được một người bạn Mỹ tặng cuốn sách ảnh chiến tranh của các phóng viên Việt Nam, trong đó có Đoàn Công Tính.

Ông dùng từ “rất xuất sắc” để khen ngợi những bức ảnh chụp chiến tranh của những phóng viên miền Bắc Việt Nam, trong đó có Đoàn Công Tính và thầm mong có ngày được gặp mặt. Sau nhiều lần trở lại Việt Nam, qua bạn bè giới thiệu, cuối cùng hai người đã có cuộc gặp gỡ tại TP. HCM vào khoảng năm 2010, nơi nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính hiện đang sinh sống.

Hai người gặp nhau buổi đầu cứ như quen thân nhau từ lâu lắm rồi. Những lần Nick Út trở về Việt Nam sau, lần nào họ cũng gặp nhau, chuyện trò nổ như ngô rang.

Ở Quảng Trị lần này, Đoàn Công Tính kể cho Nick Út nghe nhiều câu chuyện về thành cổ Quảng Trị; còn Nick Út thì kể những câu chuyện ở Khe Sanh, nơi Đoàn Công Tính chưa từng đến.

Đoàn Công Tính kể, nếu không vượt rào, chỉ thụ động nghe lệnh cấp trên, ông không thể có những bức ảnh để đời. “Lần vượt rào đáng nhớ nhất tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Khi ấy tôi được cử sang Lào cùng với hai đồng chí nữa.

Đi được nửa đường, tôi thấy có động như quân ta di chuyển rất lớn. Tôi đoán chắc sắp có biến, nên quyết định ở lại, không sang Lào. Quả nhiên, hai ngày sau, ở đây đã diễn ra những trận đánh lớn.

Tôi là người đi sát nhất và chụp nhanh nhất những diễn biến này. Tổng biên tập báo QĐND lúc bấy giờ nói với tôi: Nếu ảnh Đoàn Công Tính gửi về, sẵn sàng bỏ một bài báo trên trang nhất để đăng ảnh”.

Thời gian gần đây, Nick Út thường xuyên trở về Việt Nam, khi thì dẫn đoàn nhà báo quốc tế về Việt Nam quay phim, khi thì đưa đoàn sinh viên Mỹ về tìm hiểu chiến tranh Việt Nam. Những lần trở về, anh thường qua lại chơi với anh em bạn bè là những đồng nghiệp báo chí và nhiếp ảnh trong nước. Gần gũi và giản dị.

Giờ đây, khi đã bước qua tuổi lục tuần, hai cựu binh năm xưa lại cùng nhau cầm máy chụp một Quảng Trị thanh bình nhưng vẫn còn nhiều dấu tích của cuộc chiến. Hai người dự định sẽ cùng ra một cuốn sách ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam với góc nhìn ở hai chiến tuyến.

Khán giả Mỹ rất quan tâm ảnh chiến tranh Việt Nam

Bức ảnh Cô gái Napalm của Nick Út đã 41 năm nhưng vẫn còn sức ảnh hưởng lớn. Bức ảnh này đoạt giải ảnh báo chí thế giới Pulitzer, tháng 9 năm 1972
Bức ảnh Cô gái Napalm của Nick Út đã 41 năm nhưng vẫn còn sức ảnh hưởng lớn. Bức ảnh này đoạt giải ảnh báo chí thế giới Pulitzer, tháng 9 năm 1972.
 

Sau ngày mở cửa, đoàn làm phim của National Geographic - Mỹ đã sang Việt Nam làm phim về những phóng viên chiến trường nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có Đoàn Công Tính (báo Quân đội nhân dân), Mai Nam (Báo Tiền phong), Văn Bảo...

Ngoài làm phim, họ còn sưu tầm các bức ảnh thời chiến xuất sắc để triển lãm và để xuất bản một cuốn sách ảnh tại Mỹ. Họ dự định tổ chức tại Mỹ vào năm 2002 và mời hai đại diện của Việt Nam là Đoàn Công Tính và Mai Nam sang dự triển lãm.

Khi đang lên chương trình, thì Mỹ xảy ra vụ đánh bom khủng bố 11/9, nên kế hoạch mời hai nhiếp ảnh gia Việt Nam sang đành phải hủy bỏ vì lý do an ninh. Tuy nhiên, triển lãm ảnh chiến tranh Việt Nam vẫn diễn ra và thu hút đông đảo khán giả Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG