Chài chãi trên cung chặng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh Đèo Đá Đẽo, Hang Tám Cô đất lửa Quảng Bình vẫn mau mắn lanh lẹ. Chẳng bỏ bữa ăn nào đa phần là vội vàng đạm bạc dọc đường. Liên tục cứ nhiệt thành hồ hởi kiên nhẫn tiếp chuyện cựu binh Trường Sơn cùng TNXP... Chuyện tướng Võ Sở xin hẹn một dịp khác bởi tôi cứ chăm chắm vào chuyện ông Nguyễn Anh Liên.
Ông Nguyễn Anh Liên (tóc bạc, đeo kính) gặp gỡ trò chuyện với cựu TNXP Nghệ An, Hà Tĩnh. |
Ông Liên bộc bạch cuộc đời ông có 3 tổ chức mà ông gắn bó trưởng thành. Đầu tiên là Đảng thì khỏi nói. Thứ nữa là Đoàn thanh niên Cứu quốc cho đến chức danh sau cùng là Thường vụ Trung ương Đoàn. Cuối cùng là Lực lượng TNXP từ một đội viên TNXP xuất sắc là chiến sĩ thi đua toàn quân khu V đến bây giờ là Chủ tịch Hội cựu TNXP.
Ông Liên vừa tập kết ra Bắc đã được cử tham gia Đoàn đại biểu anh hùng chiến sỹ thi đua miền Nam ra Hà Nội mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ từ chiến khu về Thủ đô ngày 1/1/1956 và dự Đại hội Chiến sĩ thi đua Đoàn TNXP Trung ương.
Vị tướng trận mạc Võ Sở nay là Phó Chủ tịch Cựu binh Đường Trường Sơn và ông Chủ tịch Hội cựu TNXP Nguyễn Anh Liên có nhiều cái đều. Cả hai cùng ít nói... Đều trên bát thập nhưng đều khỏe mạnh mẫn tiệp. Lại cùng quê xã Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi nơi có địa danh Trạm xá mà người anh hùng Đặng Thùy Trâm từng bám trụ nhiều năm. |
Một kỷ niệm những ngày đầu trên đất Bắc với cương vị là Trưởng ban cán sự Đoàn Thanh niên lao động Đường sắt Chi Lăng Lạng Sơn, đơn vị ông Liên đã tiếp nhận 200 nữ thanh thiếu niên Thủ đô độ tuổi 15-18 cho Thành Đoàn Hà Nội chuyển giao.
Việc chuyển giao ấy nhằm tạo môi trường không khí vui tươi hòa hợp tình cảm Bắc Nam. Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm đó do hoàn cảnh bi thương đất nước chia cắt ngày Bắc đêm Nam mà có số đông cán bộ miền Nam tập kết đã phát sinh tư tưởng chán nản, bi quan nên có những hành động quá khích.
Trong đơn vị ông Liên trên công trường xây dựng đường sắt Lạng Sơn cũng có nhiều cán bộ, thương binh miền Nam tham gia lao động. Chính vì vậy việc chuyển giao ấy đã làm dịu đi tình hình... Ông Liên là người trực tiếp nhận cả người và hồ sơ lý lịch.
Và ông đã chú ý đến một cô bé 16 tuổi, con gái một gia đình tư sản Hà thành. Hai anh chị vượt qua những can gián, ngăn cản này khác để trở thành vợ chồng vào năm 1959 là cả một câu chuyện dài... Cũng dài và sinh động như thời gian ông là Trưởng ban tuyên huấn Đảng ủy, Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động tuyến Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên.
Rồi cả chuyện ông làm cách nào đó làm thủy điện ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Từ mấy cái tuốc bin củ tỏi đã thắp sáng mấy chục bóng đèn điện ở cái ga heo hút Bảo Hà làm thay đổi tên gọi tức tưởi cọp Bảo Hà ma Trái Hút bao đời!
Chấm dứt cảnh dằng dặc 10 năm đêm Nam ngày Bắc, cuối năm 1964 ông Liên được lệnh trở vào miền Nam. Khi đó ông đương công tác ở Ban thường vụ Đoàn Thanh niên Tổng cục Đường sắt và chủ nhân của một gia đình êm ấm vợ và ba con nhỏ. Ông Liên được lệnh tăng cường cho tổ chức Khu Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Khu 5.
Trước lúc lên đường về Nam tất cả các cán bộ phải lấy tên mới bằng bí danh để giữ bí mật. Qua suy nghĩ đắn đo, ông đã lấy tên con gái đầu là Nguyễn Thị Anh Liên. Suốt 10 năm trên đất Bắc, ở nhiều vị trí công tác tên khai sinh của ông vẫn là Nguyễn Lào. Bí danh ấy và cũng là cái tên trong hồ sơ lý lịch cán bộ cùng tên gọi thường ngày đeo mãi đến tận bây giờ, Nguyễn Anh Liên.
Ông Nguyễn Anh Liên thăm hỏi cựu TNXP Thanh Hóa . |
... Trong một lần về vùng ven Đà Nẵng, đoàn công tác bị phục kích. Ông bị thương vào đầu gối. Suốt một tuần nằm dưới hầm bí mật, vết thương nhiễm trùng nghiêm trọng. Suốt ba tháng ông cắn răng ngồi nhìn y tá dùng dao khoét bỏ những mảng thịt thối do không có thuốc kháng sinh hoặc thuốc tê thuốc giảm đau.
Vết thương có vẻ lành nhưng một rắc rối phát sinh là do không có điều kiện vá da nên mảng da ở khuỷu gối chân bị căng, ông không thể đi thẳng được mà phải lết đi theo kiểu chấm phảy. Thế mà ông đã kiên trì luyện gần nửa năm trời mặc cho mặt da căng rách, chảy máu. Rồi ông cũng đi thẳng được!
Tò mò hỏi thêm thời gian trên đất Bắc ông có nhận được tin tức gia đình thì lại bắt gặp thêm một cái lỳ nữa... Nhưng năm cuối 50, đầu 60 Mỹ Diệm lê máy chém đàn áp khốc liệt những người theo kháng chiến.
Tin không biết từ đâu nhưng người ta xì xào gia đình ông cán bộ Đoàn Nguyễn Lào (tên thật của ông Liên) theo địch hết rồi! Bằng cớ là ông già ông, một đảng viên, một cán bộ trung kiên đã ly khai và đi tu.
Ông anh ruột thì theo bọn chiêu hồi đốt phá những gia đình theo kháng chiến hoặc tập kết! Chuyện loang ra, việc trở thành đảng viên chính thức trục trặc. Người ta đặt vấn đề nghi ngờ Nguyễn Lào không phải là đảng viên vì năm 1953, Trung ương Đảng đã có lệnh ngừng kết nạp đảng viên mới (Nguyễn Lào được lệnh kết nạp theo diện đặc biệt là Chiến sỹ thi đua toàn quân khu).
Nguyễn Lào âm thầm chịu đựng vì không biết thanh minh bằng cách nào. Đùng cái thời điểm năm 1962, sự kiện Hà Nội nghênh đón đại úy Koongle rất trọng thể! Viên vệ sĩ đắc lực của Koongle lại là Nguyễn Cai, một người bạn cùng thôn với Nguyễn Lào. (Con đường cùng khúc nhôi anh thanh niên Nguyễn Cai được móc nối và trở thành cơ sở của cách mạng ở khu V và cả bên Lào xin được hầu bạn đọc vào một dịp thích hợp- XB).
Tình cờ trong khi được huy động đi đón, Nguyễn Lào đã gặp Nguyễn Cai. Những khúc mắc dị nghị về hoàn cảnh gia đình ở quê nhà đã được Nguyễn Cai làm rõ từng điểm với tổ chức. Mọi việc càng sáng tỏ hơn khi đồng chí Năm Vinh, Khu ủy viên khu V vốn quen thân với gia đình Nguyễn Lào ra Bắc công tác.
Đồng chí Năm Vinh đã khẳng khái với tổ chức là gia đình Nguyễn Lào đã cam chịu đen vỏ để giữ đỏ lòng. Ông bố Nguyễn Lào suốt 10 năm bị bắt bị tù đày vẫn giữ vững khí tiết che mắt địch bằng cách lập một ngôi chùa. Còn anh Năm, người anh ruột của ông phải dùng kế sách ấy để che mắt địch và vẫn bí mật hoạt động.
Cũng cần nói thêm người anh ruột của ông hiện tuổi cao nhưng còn khỏe. Một lần bị địch bắt đày ra Côn Đảo, trên đường đi ông đã bí mật trốn thoát. Chuyến thoát tù hy hữu và ly kỳ nên ông được mệnh danh là Tẩu Như Phi. Từ tên Năm Thông mà ông có tên khác là Nguyễn Thế Tẩu. Ông Tẩu làm chính trị viên huyện đội rồi Bí thư huyện ủy Đức Phổ. Sau giải phóng ông là Trưởng Ban nông nghiệp tỉnh, Trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy Quảng Ngãi rồi nghỉ hưu.
Một thời điểm gay go trong quá trình hoạt động bí mật nửa hợp pháp của ông ở vùng ven Đà Nẵng. Đó là thời điểm xảy ra trận càn rất lớn của địch gồm 18 tiểu đoàn cả lính Mỹ, lính Sài Gòn và Nam Triều Tiên. Trận càn diễn ra trên địa bàn rất rộng và rất ác liệt từ Tây Nam thị xã Hội An và phía đông huyện Thăng Bình. Cuộc càn kéo dài 18 ngày. Trong 10 ngày đầu tiên ông mất liên lạc với cơ sở nên ban ngày phải tự tìm nơi ẩn nấp trong các bờ bụi ven sông. Ban đêm khi địch co cụm lại thì tìm đến khu vực có dân để nắm tình hình.
Vào đêm ngày thứ 11 của trận càn, ông gặp được một số thiếu niên do cơ sở bố trí. Đèn lửa không có, ông chỉ cảm giác các em hẵng còn nhỏ nít đang đi học nhưng nhiệt tình hăng hái. Qua gặp gỡ chuyện trò, ông lựa được 10 em học sinh có khả năng xây dựng trở thành cơ sở nội tuyến để đánh vào thành phố.
Sau ba đêm gặp gỡ, ông để ý đến một thiếu niên có cặp mắt sáng, lanh lợi thông minh. Cậu đã tích cực cùng các bạn mưu trí dũng cảm bảo vệ ông thoát ra khỏi vòng vây trong trận càn của địch trở về chiến khu an toàn.
Về sau này, sau Mậu Thân, một số trong 10 cơ sở này đã hoạt động hợp pháp móc nối với đường dây hoạt động bất hợp pháp hình thành bộ phận trực thuộc Thường vụ Khu Đoàn khu V. Những hoạt động ấy đã góp phần chỉ đạo thống nhất các hoạt động của học sinh sinh viên các thành phố thị xã trong toàn khu.
Cậu thiếu niên lanh lợi ngày ấy chính là đồng chí Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nay là Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Còn nữa