> Biển người lên Đền Hùng dâng hương
> Con Lạc cháu Hồng hội tụ về Đất Tổ
Ngôi Đền thiêng kết cấu hình chữ Vương tọa lạc trên Nghĩa Lĩnh ở độ cao vừa phải 175 mét gồm các quần thể Đền Hạ, Trung, Thượng đã được bao năm rồi nhỉ? Thời vua Đinh Tiên Hoàng thế kỷ thứ X cho viết thần tích Đền Hùng nhưng nơi thờ tự vua Hùng đã có từ lẩu lâu.
Và thời gian nào Hùng Vương Cơ Miếu (miếu thờ cơ nghiệp Vua Hùng) từ làng Trẹo (đọc chệch từ Triệu) ở chân núi Hy Cương được ai, triều nào dời sang bên Nghĩa Lĩnh?
Tôi nghĩ đến cái lần giặc Minh hung bạo triệt phá Đại Việt trong đó có việc làm cỏ Đền Hùng. Thần tích rõ là bị hủy. Nhưng còn bao câu đối hoành phi? Chắc cũng cùng chung số phận?
May mà thời Lê Trịnh, Đền lại được phục dựng, lại nguy nga! Nhưng xôm tụ bàn thờ Quốc Tổ được như bây giờ phải tính đến công sức của dân 18 tỉnh thành miền Bắc đâu như năm 1917 hay 1918 chi đó, đã có một cuộc lạc quyên lớn góp được hơn 6.000 đồng bạc Đông Dương để sửa sang tu bổ Đền Hùng.
Uẩn súc ngữ nghĩa
Khá khen cho cái lần trùng tu năm 1917 quy mô ấy. Việc đầu tiên phải tính đến cái cổng chính Đền Hùng? Xây mới hay trùng tu? Đau cái nỗi, cận gần là thế mà chưa tìm ra những biên chép cụ thể. Nhưng có lẽ từ thời điểm đó, con dân nước Việt hành hương, mới đến cổng thôi, chưa nhịp bước leo những Hạ, Trung, Thượng mà có cảm giác như đương chạm mặt trước Bàn thờ Quốc Tổ?
Ngước lên sừng sững bức hoành là 4 chữ trên nóc cổng Cao sơn cảnh hành (Núi cao, ngẩng trông. Đường rộng ta bước). Vế đối hai bên như lời diễn giải ý nghĩa của bức đại tự: Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch/Đăng cao viễn vọng quần phong la liệt tự nhi tôn (Mở lối đắp nền, bốn phía non sông qui một mối/Lên cao nhìn rộng, núi non trùng điệp tựa đàn con)
Khéo là thứ đại tự ấy. Núi cao ta ngẩng đầu trông/ Đường rộng ta bước đất thiêng Đền Hùng. Có người đã mạo muội diễn nôm 4 chữ ấy. Mạo muội bởi 4 chữ này lấy từ Kinh Thi. Cao sơn ngưỡng chi, cảnh hành hành chi. Duyên do ông Nhan Hồi học trò Khổng Tử, ca ngợi đạo của Thày mình Ngưỡng chi di cao, toàn chi di kiên, chiêm di tại tiền, hốt yên tại hậu (càng ngẩng trông, càng thấy cao, đục đẽo vào càng thấy cứng, vừa thấy đằng trước, thoắt đã đằng sau).
Thôi thì những cao thâm này khác của tích Tàu, nếu tán ra thì còn dài. Nhưng lần sửa sang xây cất ấy, những hiệp thợ Việt tuân người mách bảo, chỉ chăm chút có 4 chữ mà thôi. Cao sơn cảnh hành. Ngẩng trông lên là ân đức của Vua Hùng. Dưới chân là đường rộng như cơ đồ cơ nghiệp vua Hùng đã mở mang cho tộc Việt!
Nhớ bận ấy lên Đền, tình cờ đụng được một vị áo chùng, khăn đóng, giọng hào sảng đương cắt nghĩa cho các người cùng đi ngữ nghĩa uyên thâm của đôi câu đối mà nhằm vào hai chữ thác thủy khởi đầu vế đối. Thác nghĩa là nâng lên là tạo dựng. Rõ rồi. Còn thủy có bộ nữ bên trái và chữ thai bên phải tượng trưng cho phụ nữ nghĩa là sinh nở.
Như vậy, thác - sức lực tạo dựng nên hiểu đó là Cha. Thủy – sinh nở, tức là Mẹ! Thác thủy là lấy tích Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh trăm con tỏa khắp nơi nhưng đều quy về một mối tức gốc tổ!
Lại cũng khá khen cho tác giả câu đối! Dùng chữ nghĩa sao đó khiến hậu thế nổi... hứng có thể sáng tạo ra những ngữ nghĩa không ngờ? Đã đành Thủy do hai chữ nữ và thai hợp thành. Nhưng oái oăm, Thai ở đây không phải là... thai sản.
Thủy càng chả phải là sinh nở mà vẫn ngữ nghĩa của nó là mới. Thác thủy khai cơ là dựng nền mở lối mới vậy! Nhưng vị nọ với tâm thế luôn đăm đắm hướng về nguồn cội, cắt nghĩa như thế cho đám con Lạc cháu Hồng nghe, áng chừng thú vị và cũng lọt tai đấy chứ nhỉ?
Cũng như bức hoành Triệu Tổ Nam Bang hoặc Nam Việt Triệu Tổ (thứ khắc thứ đắp) người thuyết minh hướng dẫn đã dõng dạc như trong vài ba cuốn sách hẳn hoi là Tổ muôn đời của nước Nam.
Nghe có vẻ thuận và lọt tai? Nhưng chuẩn vẫn phải gọi đúng cái tên là Tổ đầu tiên của nước Nam! Bởi chữ Triệu được khắc được đắp có một nghĩa duy nhất là bắt đầu là ngay mới. Triệu ở đây không phải là số đếm để mà muôn hay vạn chi cả!
Về một chữ lạ
Chữ trên mặt tiền Hùng Vương Cơ Miếu. |
Lần ấy ghé Hùng Vương Cơ Miếu, tôi chợt thấy một chữ lạ trong đôi câu đối.
Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ/ Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đới thượng triều tôn (Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông quanh quất hướng chầu vua. – Ba sông ở đây là sông Lô, sông Thao, sông Đà).
Chữ lạ ấy là chữ Bách!
Đã đành chữ, ngữ nghĩa của câu đối uẩn súc, thâm hậu. Tác giả đã hào sảng cái mạch chủ quyền độc lập quốc gia bất khả xâm phạm trong bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt khi rinh hẳn tổ hợp từ định phận thiên thư về cho một vế đối ở bàn thờ Quốc Tổ. Nhưng trong câu đối, chữ Bách viết khá lạ. Cứ băn khoăn mãi cái nỗi, không hiểu sao tác giả câu đối lẫn người thợ khắc chữ lại không dùng chữ Bách mà người thạo tiếng Hán ai cũng rành?
Chữ bách ở đây được viết, có thể nói là cường điệu và ở dạng tháu. Tháu đây không có nghĩa là lối viết thảo, giản lược. Mà chữ bách nom từa tựa như chiếc rìu Việt cổ. Hình rìu Việt lại có đầu rìu cuộn lại hình sóng nước, hình rắn và có đầu rắn. Kiểu viết như thế này khiến ta liên tưởng ngay tới Bách Việt. Chao ôi, nội đôi câu đối này thôi, và cũng nội một kiểu viết chữ Bách rờ rỡ nghiêm ngắn đĩnh đạc trên bàn thờ Quốc Tổ kia đã toát lên âm hưởng hùng khí chủ quyền quốc gia bao đời của giống nòi Lạc Việt
Hình như chữ Bách này khi chuyển câu đối từ Hùng Vương Cơ Miếu sang Đền Thượng ở Nghĩa Lĩnh đã được kíp thợ khắc bằng chữ bách thường thấy, thường viết? (Một dịp thích hợp, chúng tôi sẽ trở lại chữ Bách này trong một bài viết về hòn đá lạ - thực chất là một đạo bùa đang đặt ở Đền Thượng từng xôn xao cư dân mạng lâu nay. Đó là chữ Bách trong hàng chữ Bách Giải Tiêu Tai Phù - bùa giải tai ách - viết trên một mặt hòn đá)
Một dạo người viết bài này lấy làm tâm đắc ngữ nghĩa đôi câu đối tại Đền Thượng do chính nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, người trai trưởng thi sĩ Tản Đà trực tiếp cắt nghĩa. Câu ấy là Thử địa thử sơn, Nam quốc kỷ/Ngô vương ngô thổ, Bắc thần tôn (Đất này núi này nước Nam dấy nghiệp/Vua ta nước ta khiến phương Bắc cũng phải nể vì).
Lần ấy trong buổi trà dư tửu hậu với mấy ông thạo chữ ở Hà Thành, mạo muội hé ra cái điều sở đắc ấy, một ông cười đại ý, cụ Nguyễn Khắc Xương nghĩ thế cũng là được! Nhưng cái sự thể nó không hẳn thế...
Không hẳn là thế nghĩa là cứ chăm chắm nghĩa của Bắc thần tôn thì dễ lạc sang nghĩa khác. Bắc thần tôn thường hiểu và dịch là phương Bắc, Bắc quốc. Bởi phải hiểu và dịch như thế thì mới đối được với vế bên là Nam quốc. Phải quá đi rồi!
Hơn nữa, chữ Thần ở đây (khác chữ thần trong thánh thần buổi sớm, thần chỉ các quan...) gồm bộ Miên, dưới là chữ Thìn. Thần cư là nơi vua ở. Thần chương là văn chương của vua. Chữ Tôn ở đây là tôn trọng nể vì!
Nhưng Bắc thần tôn ở đây phải lấy Luận Ngữ ra mà giải. Đó là câu trong chương Vi Chính. Có câu “Tử viết: Vi chính dĩ đức. Thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Khổng Tử nói rằng, người làm chính trị, cầm quyền trị dân mà dùng Đức để thi hành chính sự thì dân chúng đều tuân phục tựa như ngôi sao Bắc thần, ở một chỗ mà mọi vì sao khác đều phải tuân chầu!)
Vậy đôi câu đối nên hiểu Đất này núi này đã được ghi chép là của nước Nam/Vua ta trị vì bằng Đức nên dân ta tôn kính như muôn sao hướng về Bắc Đẩu.
Hiếm hoi tác giả
Chữ Hùng Vương Tổ Miếu ở Đền Trung. Ảnh: Xuân Ba |
Bao bận ghé Đền mà vẫn cứ bẵng đi cái việc hỏi ông thủ từ Nguyễn Xuân Các, Trưởng Ban Khu Di tích Đền Hùng, sơ bộ thống kê thì Khu Di tích Đền Hùng có bao nhiêu hoành phi câu đối, bao nhiêu là Hán? là Nôm? Là quốc ngữ? Lại nữa, tác giả những bức hoành phi câu đối ấy là ai vậy?
Quả là một điều khiếm khuyết lẫn tiếc xót, như nét mặt rầu rĩ của ông thủ từ khi ắng lặng đi một hồi rồi mới khẽ khàng rằng, đến tận bây giờ, mặc dầu đã hết sức cố gắng bươn bả này khác nhưng nhà Đền vẫn chưa biết tác giả những chữ nghĩa ấy là ai? Được viết và dâng cúng vào Đền Hùng thời gian nào?
Khiếm khuyết ấy ở thời nào vậy? Cứ lẩn thẩn, khi chế tác, các hiệp thợ tiếc chi một dòng lạc khoản (tác giả, triều nào ngày lành trọng đông hay trọng xuân hoặc sơ hạ) thì hậu thế tường ngay! Hoặc giả có một cuốn giấy bổi hay xuyến chỉ chép lại tường tận rồi giao cho thủ từ.
Hay là có những cuốn ấy nhưng qua bao tao loạn biến cố, nó mất đi rồi? Than ôi, bây chừ hậu sinh con cháu về Giỗ Tổ đành ngậm ngùi cảm nhận ngữ nghĩa qua người thuyết minh hoặc các bảng biểu treo trên tường.
Không biết tác giả nhưng thầm đoán phải là những đấng văn chương, các bậc túc nho hay chữ hoặc cao sang hơn phải là chữ nghĩa của các đấng quân vương. Thêm nữa, việc tuyển chọn chữ nghĩa để dâng bàn thờ Quốc Tổ phải từng được tiến hành rất cẩn trọng thì mới chất lượng thế!
Nói vô danh, khuyết danh cả cũng chả phải! Có đấy. Nhưng hiếm hoi làm sao, nghển ngó mỏi cổ cũng chỉ được biết ở Hùng Vương Cơ Miếu có ba bức hoành. Một của vua Duy Tân (nam quốc sơn hà), hai bức của vua Khải Định (Quyết sơ sinh dân - Dân sinh là điều tiên quyết và Tử tôn bảo chi - Con cháu nhớ giữ gìn).
Và cũng hiếm hoi ở Đền Trung có đôi câu đối của Chúa Trịnh Sâm Vấn lai dĩ sự tu vi sử/ Tế nhận như đồ dục mệnh thi (Hỏi lại việc xưa nên chép sử/Ngắm xem phong cảnh muốn đề thơ). Sở dĩ biết tác giả là Trịnh Sâm bởi hậu thế căn cứ vào Bản dập thủ cảo của Tĩnh vương Trịnh Sâm trên núi Hùng được treo ở Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ trước 1945, và chụp đăng trên tạp chí BEFFO,1937.
Chúa có câu đối, vua cũng chả kém. Thơ của vua Lê Hiển Tông (bố vợ của Quang Trung) về Đền Hùng Mộ cũ ở lưng đồi/Đền thờ trên sườn núi/Muôn dân tới phụng thờ/Khói hương còn mãi mãi... Nhưng thơ vua chỉ lưu trong sách, trên Đền không thấy ghi!
Cũng cần nói thêm, chính sử còn chép rõ giai đoạn vua Lê chúa Trịnh đã có sự quan tâm đặc biệt và vương triều này đã góp phần lớn xây dựng lại đền Hùng. Năm 1407 nhà Minh phá trụi thùi lụi Đền Hùng. Khi nước độc lập, triều Lê sơ chiêu dân lập lại làng.
Vua Lê Thánh Tông xây lại đền Trung, đền Hạ, như vậy hầu như hoàn thành xây dựng lại ba đền có từ thời Lý Trần, Tiếp đó xây lại đền Giếng. Năm 1600, thời vua Lê Kính Tông, chúa Trịnh Tùng sai quan thị độc Nguyễn Trọng sao lại tài liệu về đền Hùng. Năm 1727, chúa Trịnh Cương sai Hoàng Nghĩa Chử xây dựng ở Hy Cương tức đền Hùng. Cuối thế kỷ XVIII, vua Lê, chúa Trịnh đề thơ ca ngợi sự nghiệp vua Hùng và cảnh đẹp núi Hùng.
Và cũng hiếm hoi câu đối Nôm? Hiện tạc ở Lăng Vua Hùng Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ/ Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc giống nòi còn biết nhớ Mồ Ông khá hay nghe nói của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không biết có phải? Còn quốc ngữ, hình như hiếm hoi mỗi câu. Mà cũng phải trước năm 1945 bởi hồi ấy còn Xứ Bắc Kỳ, Trung và Nam Kỳ? Con cháu ba kỳ thăm mộ tổ/Non sông muôn thuở rạng nòi Tiên.
Biên ra như thế không có nghĩa là khuyến khích việc cần khẩn trương cúng thêm chữ nghĩa Hán Nôm lẫn quốc ngữ lên bàn thờ Quốc Tổ! Hoàng phi lẫn câu đối Đền Hùng chừng như cũng đã rậm đã dày?
Thôi cứ để tiếp tục lẫn trường tồn cái mạch uẩn súc thoang thoáng như hiện trạng cho thuận mắt! Bởi cứ nghĩ đến những chữ nghĩa trên các hoành các câu đối chăng giăng khắc in một cách tùy tiện, sai be bét, lòe loẹt và ngây ngô ở không ít các đình chùa di tích đã thấy hai hãi!
Sao lại tài liệu về Đền Hùng! Gặp được dòng này trong sử cứ ngỡ như đang vớ được cuốn vở ghi danh tên các tác gia cúng tiến chữ nghĩa vào Đền Hùng mà thời Lê Trịnh từng làm!
Và không phải chỉ thời ấy làm việc đó? Xa hơn cũng như gần hơn? Dẫu thất tán nhưng người nhà Đền lẫn các nhà chức việc hình như chưa ráo riết và siêng năng thực thi cái việc chắp nối sưu tra từ ký ức trong dân gian lẫn việc nối mạng với giới nghiên cứu cùng các nhà bảo tàng trong ngoài nước?
Phập phồng một ngày đẹp giời, hậu thế hành hương Đền Hùng khi chiêm quan chữ nghĩa trên các hoành phi câu đối có được cảm khoái biết thêm được các tác giả cùng lý lịch trích ngang và hoàn cảnh ra đời của những chữ nghĩa ấy!
Đêm Mồng Mười tháng Ba năm Tỵ
Ngước lên sừng sững bức hoành là 4 chữ trên nóc cổng chính Đền Hùng “Cao sơn cảnh hành” (Núi cao, ngẩng trông. Đường rộng ta bước). “Cao sơn cảnh hành”. Ngẩng trông lên là ân đức của Vua Hùng. Dưới chân là đường rộng như cơ đồ cơ nghiệp vua Hùng đã mở mang cho tộc Việt! |