Người trở về từ 'vòng tròn bất tử' Gạc Ma

Người trở về từ 'vòng tròn bất tử' Gạc Ma
TP - Ngày 14.3.1988, quân Trung Quốc đổ bộ thêm quân đen đặc, hung hãn nhiều lần xông vào phá "vòng tròn bất tử” nhằm cướp lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên đảo Gạc Ma nhưng không thành...

> Ngày không thể quên
> Mộ gió Trường Sa

Mới rạng sáng, đang ngái ngủ, nhà báo Phạm Phú Thép, thường trú của báo Văn Hóa tại Quảng Bình oang oang trong điện thoại: “Chú ra ngay nghĩa trang xã Quảng Phúc để chứng kiến cuộc hội ngộ lịch sử của những anh hùng Gạc Ma”.

Cuộc hội ngộ sau 25 năm

Phạm Phú Thép cho biết thêm, cuộc hội ngộ này là nhờ những đồng nghiệp làm báo ở Hà Tĩnh tổ chức, thông qua sự kết nối trên Facebook. Họ tình cờ biết được cựu binh Lê Hữu Thảo (Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh) - người đã sát cánh chiến đấu bên Anh hùng liệt sỹ trung úy Trần Văn Phương để giữ lá cờ Tổ quốc trong trận chiến không cân sức với hải quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Và cựu binh Thảo cũng là người bảo vệ thi thể, kỷ vật của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương trước quân thù.

Cụu binh Lê Hữu Thảo cùng mẹ Hồ Thị Đức ôn lại chuyện cũ bên mộ anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương

Gặp nhau ngay cổng nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc (Quảng Trạch), chúng tôi không thể hình dung, một cựu binh trở về từ Gạc Ma lại có vóc người nhỏ nhắn, thư sinh và gương mặt quá trẻ so với tuổi 49 của anh.

Anh ôm chầm lấy bà Hồ Thị Đức, mẹ của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương đang đứng đợi đồng đội của con ở cổng nghĩa trang: “Con là Thảo đây mạ ơi!”. Người cựu binh kiên cường ở Gạc Ma là thế, nhưng trước đấng sinh thành của đồng đội đã hy sinh, anh bối rối hôn lên má, lên tóc mẹ trong hai hàng nước mắt.

Cùng với bà Đức ngồi bên mộ của liệt sỹ Trần Văn Phương trong khói nhang nghi ngút, anh Thảo nghẹn ngào: “Em về với anh đây anh Phương ơi! Cuộc sống khó khăn đã ngăn cách anh em ta 25 năm nay. Từ Hà Tĩnh vô đây có xa xôi chi, em có lỗi với anh, với mạ”.

... Rồi cứ thế, anh Thảo nói như ôn lại chuyện cũ với người nằm dưới mộ: Rạng sáng 14-3-1988, anh Thảo cùng đồng đội của mình nhận lệnh rời tàu xuống canh giữ đảo Gạc Ma mà chưa kịp nhận khẩu phần ăn.

Ngâm mình trong nước, mọi người chia nhau từng hơi thuốc lá để xua đi cái lạnh của sương biển. Anh Phương được giao nhiệm vụ giữ lá cờ Tổ quốc, biểu tượng của chủ quyền Việt Nam. Lúc này các tàu chiến của Trung Quốc lượn lờ trong sương sớm quanh đảo khiêu khích.

Khoảng 6 giờ ngày 14-3-1988, hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc mang số hiệu 502 và 531 đậu ở phía nam bãi đá Gạc Ma bất ngờ thả ba thuyền nhôm đổ gần 60 lính được trang bị vũ khí tràn lên đảo Gạc Ma.

Cuộc chiến không cân sức xảy ra, gần 50 người lính công binh trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng, quân Trung Quốc được trang bị súng ống, lưỡi lê sắc lẹm.

Với phương châm không nổ súng trước để đối phương lấy cớ leo thang xung đột, các chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, mà sau này trở thành biểu tượng “vòng tròn bất tử”.

Đầu năm 1988, vùng IV Hải quân tuyển chọn hơn 300 chiến sỹ quê Quảng Bình. Một ít trong số đó được điều động học tập huấn luyện nhiệm vụ khác, đa phần lên các tàu ra với Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và đều có mặt ở trận hải chiến ngày 14-3-1988. Trong số 64 chiến sỹ hi sinh ở Gạc Ma, Quảng Bình có đến 10 liệt sỹ, hai trong số đó được phong Anh hùng LLVT ngay sau đó là trung úy liệt sỹ Trần Văn Phương quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch và trung sỹ Nguyễn Văn Lanh quê ở Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh.

Thấy thế lính Trung Quốc mạnh, anh em trên tàu HQ-604 ai biết bơi đều nhảy ùm xuống nước bơi về phía Gạc Ma cùng đồng đội giữ đảo.

Địch đổ bộ thêm quân đen đặc, hung hãn nhiều lần xông vào phá "vòng tròn bất tử” nhằm cướp lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên đảo Gạc Ma nhưng không thành. Linh cảm của người lính trước cuộc chiến, anh Phương nói với anh Thảo: “Anh hy sinh rồi chú lấy chiếc nhẫn cưới của anh gửi về cho vợ con anh với”.

Vừa dứt lời, một phát đạn của địch xuyên qua đầu trung úy Phương. Anh gục xuống, tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh, bồng bềnh trong nước loang máu. Anh Thảo lao tới ôm thi thể đồng đội đang cuộn trong lá Quốc kỳ.

Thấy thế, lính Trung Quốc xông vào cướp cờ, cùng ngay bên cạnh, nhanh như cắt trung sỹ Nguyễn Văn Lanh (sau này được phong Anh hùng LLVTND) giành được lá cờ.

Một tay anh giương cao ngọn cờ, một tay anh cầm xà beng chống đỡ đối phương. Thấy không thể chiến đấu trực diện với người lính kiên cường Việt Nam, lính Trung Quốc đã đâm lén từ phía sau và nã đạn vào anh Lanh.

Bên cạnh anh Lanh là anh Thảo, một tay ôm thi thể anh Phương giữ để khỏi bị nước cuốn mất, một tay cầm cuốc chiến đấu.

Không thể chiến thắng bằng đánh giáp lá cà, lính chiến Trung Quốc được lệnh rút quân để đại liên, pháo 37 li từ tàu chiến của chúng bắn thẳng vào các chiến sĩ Việt Nam đồng thời dùng hỏa lực bắn dồn dập vào tàu HQ-604.

Anh Thảo cùng vài đồng đội sống sót, lấy giẻ nhét bịt lỗ thủng chiếc thuyền con để quyết tâm đưa thi hài anh Phương và những người bị thương về đảo Cô Lin và bảo vệ suốt đêm cho đến khi về được đảo Sinh Tồn.

Nhớ lời đồng đội trước lúc hi sinh, anh Thảo tháo chiếc nhẫn cưới, 5 phân vàng từ tay anh Phương giao lại cho chỉ huy trước khi xuất ngũ để gửi về cho vợ con anh Phương ở quê Quảng Bình.

Liệt sỹ Gạc Ma trở về

Sau hơn 3 năm kể từ ngày nhận được giấy báo tử, gia đình, người dân xóm Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bất ngờ khi liệt sỹ Lê Văn Đông bằng xương, bằng thịt trở về. Mừng mừng, tủi tủi, người dân nghèo xóm Rẫy góp gạo, góp tiền mở tiệc mừng đứa con "hy sinh" nay bỗng trở về.

Ngồi cùng vợ trong căn nhà nhỏ sau bao nhiêu chắt chiu từ bấy đến nay, chị Nguyễn Thị Thương vợ anh Đông nhớ lại: "Cưới nhau được mấy ngày thì anh Đông lên đường nhập ngũ. Cuối năm đó gia đình nhận được giấy báo tử của anh Đông.

“Nhận giấy báo tử của chồng mà như tiếng sét bên tai, tui suy sụp tinh thần. Bọ mạ (bố mẹ- PV) bên chồng thì không gượng dậy được bỏ bê đồng áng. Nhìn giọt máu của anh ấy để lại còn đỏ hỏn trên tay, tôi đành gượng dậy, làm lụng nuôi con qua ngày” - chị Thương kể.

Anh Lê Văn Đông kể lại những ngày bi tráng chiến đấu vì Gạc Ma
Anh Lê Văn Đông kể lại những ngày bi tráng chiến đấu vì Gạc Ma.

Anh Đông giải thích về sự nhầm lẫn “hy sinh” của mình. Theo anh Đông thì không chỉ anh mà nhiều đồng đội khác cũng đã được báo tử về gia đình như anh. Riêng ở huyện Bố Trạch ngoài anh còn hai đồng đội khác là Mai Văn Hải (Liên Trạch) và Mai Văn Thống (Nhân Trạch).

Những người có giấy báo tử là do Trung Quốc bắt đi sau cuộc chiến ở Gạc Ma mà đồng đội cứ tưởng là đã hy sinh vì tìm không thấy xác. Trong tù đày đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày, anh Đông cùng đồng đội được trao trả lại về quê hương qua con đường ngoại giao.

Chính anh và nhiều người khác còn sống vẫn được ghi tên ở đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến ngày 14-3-1988 trong quân cảng Cam Ranh. Năm 2012, khi làm mới bia tưởng niệm, các anh mới được xóa tên khỏi danh sách các liệt sỹ Gạc Ma.

Giấy báo tử của anh Mai Xuân Hải vẫn còn được lưu giữ như một kỷ niệm của một thời bi tráng
Giấy báo tử của anh Mai Xuân Hải vẫn còn được lưu giữ như một kỷ niệm của một thời bi tráng.

Trở lại cuộc chiến rạng sáng 14-3-1988, tình hình lúc đó trên Gạc Ma quá nguy cấp, anh em định cho tàu HQ-604 lao lên đảo nhưng không kịp, đạn pháo của địch khiến tàu bốc cháy và chìm ngay sau đó.

Anh Đông may mắn vớ được tấm ván, lênh đênh trên biển đến chiều thì bị tàu Trung Quốc bắt gặp và vớt lên trói gô trên boong tàu. Anh nhận ra Hải và Thống cùng quê và 6 đồng đội khác cũng đang bị trói trên tàu, chịu đói và khát cho đến khi về đến bán đảo Lôi Châu.

“Chúng nhốt chúng tôi biệt lập mỗi người một phòng trong căn nhà hai tầng. Hai tháng đầu tiên liên tục từ sáng đến chiều quân địch dọa nạt, đánh đập hỏi cung. Chúng hỏi ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì...? Chúng tôi đều nói không biết, chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ xây dựng và giữ đảo, những việc khác không biết. Chừng một năm rưỡi, lính canh mở cửa phòng giam cho chúng tôi ra ngoài hành lang tắm nắng. Bữa đầu tiên, nhìn thấy đồng đội, ai cũng mừng mừng, tủi tủi, nhưng lính canh không cho anh em nói chuyện, chỉ nhìn nhau và biết không ai bị mất trong số chín người” anh Đông nhớ lại.

Đã 25 năm, nhưng anh Mai Văn Hải (Nhân Trạch) vẫn nhớ như in ngày bị Trung Quốc bắt giữ trên biển: “Chúng tôi bị bắt lên tàu, trói gô lại, đoạn phim công bố trên mạng có hình ảnh người lính không quần, bị trói đó chính là tôi chứ không phải ai khác. Bữa đầu tiên, một cái cốc thủy tinh rất to nhưng chúng rót ở đáy cốc chưa đầy đốt tay nước và cho anh em chúng tôi chia nhau trong chín người, mỗi người chỉ dám thấm môi để còn nhường cho đồng đội. Khi về đến bán đảo Lôi Châu, bữa sáng là miếng bánh mì, bữa chính bát cơm nhưng không có thức ăn. Suốt một thời gian dài ăn nhạt thế nên tôi bị phù thũng vì thiếu muối”.

Trở về sau cuộc chiến anh dũng ở Gạc Ma, những cựu binh mà chúng tôi tìm gặp, không ít người đã qua đời do bạo bệnh, còn đa số họ sống trong cảnh bần hàn, bị lãng quên. Tiền Phong sẽ đăng tải những cảnh đời cựu binh Gạc Ma trong một dịp thích hợp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG