Mong ước một công trình tưởng niệm

Mong ước một công trình tưởng niệm
TP - Từ năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho sự kiện ngày 13-1-1973 tại thôn Quyết Thắng. Tuy nhiên, đến nay di tích này vẫn là một bãi đất trống hoang vu.

> Ngày định mệnh

Liệt sỹ duy nhất có tên

Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, hầu hết các gia đình ở thôn Quyết Thắng đều đón bộ đội, TNXP về ở nhà mình. Bà Lê Thị Xuân (64 tuổi) nhớ lại: Năm 1972, nhà bà may mắn được đón 5 TNXP của Hải Hưng về ở.

Cùng là con gái, lại trạc tuổi nhau nên bà nhanh chóng thân thiết và kết nghĩa chị em với chị Đặng Thị Chốc, Đội trưởng TNXP 283 (Hải Hưng): “Hai chị em hay chuyện trò với nhau lắm, có lần chị ấy tâm sự: Ngày chị lên đường, nhà chỉ còn mẹ già một mình, hai mẹ con ôm nhau khóc, chị ấy nói với mẹ “con đi không biết ngày nào về. Bom đạn vô tình. Nếu không về được, mẹ cứ lấy ngày con ra đi làm ngày giỗ của con”.

Bà Xuân nâng niu tấm hình người chị kết nghĩa - liệt sỹ Đặng Thị Chốc
Bà Xuân nâng niu tấm hình người chị kết nghĩa - liệt sỹ Đặng Thị Chốc.

Bà Xuân với tay lên bàn thờ lấy một bức ảnh chân dung, nói đây là ảnh của chị Chốc tặng bà trước ngày hy sinh: “Như điềm báo, trước đó một ngày, chị Chốc gọi tui lại, đưa bức ảnh ni và lột đôi khuyên tai bằng vàng đang đeo, nói là tặng tui làm kỷ niệm vì không biết sống chết khi mô. Tui nói với chị là chỉ nhận bức ảnh, còn vàng thì không nhận, vì như thế sẽ rất xui xẻo. Rứa là ngày sau chị ấy hy sinh”.

Sau loạt bom đánh trúng trạm xá dã chiến, trước hàng trăm xác người nằm ngổn ngang không thể nhận dạng, bà Xuân lặng lẽ tìm gom từng bộ phận thân xác của chị Chốc mang đi chôn cất.

“Chị ấy người to, có nước da đen, lại ở cùng nhà nên tui đã nhận ra những phần thi thể của chị ấy. Xác chị văng mỗi nơi một mảnh, đầu treo trên ngọn cây, chân văng xa mấy chục mét... Tui đánh dấu ở ngôi mộ của chị trước khi ra về” - bà Xuân nói.

Năm 1981, xã Thanh Trạch cải táng đưa toàn bộ liệt sỹ trong trận bom ngày 13 từ đồi cát về nghĩa trang Nam Gianh. Gia đình bà Xuân trực tiếp cất bốc hài cốt chị Chốc và chôn ngay cạnh mộ của anh trai bà cũng là liệt sỹ để tiện hương khói.

Nhà thơ Cảnh Giang, một người con của Thanh Trạch khi tham gia viết cuốn lịch sử Đảng bộ xã, xúc động trước câu chuyện của bà Xuân kể về chị Chốc, ông đã cảm tác viết bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ”.

Bài thơ được báo Quảng Bình đăng tải và sau này nhờ bài thơ mà người nhà của liệt sỹ Đặng Thị Chốc đã tìm vào đưa chị về quê. “Nghe chị Xuân kể, tôi cứ nghĩ người mẹ già của chị Chốc nay đã qua đời, gia đình không còn ai.

Tôi lớn hơn chị Chốc 2 tuổi, cảm thương trước hoàn cảnh của chị, tôi nguyện với lòng mình và xin được làm anh kết nghĩa, thay mặt gia đình hương khói. Bài thơ được mọi người chuyền tay nhau đọc, và may mắn đã về đến quê chị Chốc ở Hải Dương. Người nhà chị ấy đọc được và tìm vào đưa hài cốt về quê” - nhà thơ Cảnh Giang kể.

Ngày giỗ làng

Ông Lê Văn Rạn, Chi hội trưởng CCB thôn Quyết Thắng, lấy từ trên gác xép những kỷ vật trong trận bom ngày 13 xuống, bày ra hiên nhà cho chúng tôi xem.

Ông nói, ngày xảy ra trận bom, ông đang chiến đấu ở Quảng Trị. Cảm phục những đồng đội trên quê nhà, ngày về nghỉ hưu, ông thu gom những kỷ vật của các liệt sỹ về cất trong nhà. Từ chiếc bi đông đựng nước, cái dao, cái xẻng, đến chiếc mâm khi các anh, các chị đang ăn cơm bị mảnh bom xuyên thủng...

Ông chỉ vào chiếc nồi nhôm to, nói: “Đó là vật dụng dùng nấu cơm cho các anh, các chị. Sau trận bom, vì quá nhiều người hy sinh, quan tài không đủ, mọi người đã phải lấy xô, chảo, xoong nồi đựng xác để chôn cất. Ngày cải táng mộ cho các liệt sỹ, tôi xin mang về nhà như một vật báu, minh chứng cho sự bi tráng của quê hương những ngày chống Mỹ”.

Ông Rạn cũng là người khởi xướng, đôn đáo chạy khắp nơi để trận bom ngày 13 được công nhận di tích lịch sử.

“Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô đều đã được ghi nhận xứng đáng. Nhân dân thôn Quyết Thắng và những đồng đội còn sống sót như chúng tôi vẫn ngày đêm mong ước sự kiện ngày 13 cũng phải được ghi nhận xứng tầm. 110 liệt sỹ và 46 người dân, họ hy sinh khi đang sát cánh cùng nhau chiến đấu với máy bay giặc. Phải có một công trình để tri ân những mất mát hy sinh to lớn này. Và những kỷ vật này phải được trưng bày để giáo dục các thế hệ con cháu mai sau” - ông Rạn nói.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội có lẽ là một trong những người thấu hiểu nhất nỗi đau của chiến tranh. Ông đã mất cha trước đó, rồi đến lượt chỗ dựa duy nhất là mẹ cũng mãi mãi ra đi trong trận bom ngày 13 ấy.

Mẹ ông là một người dân bình thường của thôn Quyết Thắng, thấy bom đạn tàn phá quê hương cũng lao vào cứu chữa. Loạt bom thứ hai đã khiến bà và nhiều người khác chết không toàn thây, để lại bốn người con thơ dại. Mới 13 tuổi, cậu bé Đức đã phải thay cha mẹ quăng quật nuôi ba em khôn lớn.

Bây giờ ông được xem là người thành đạt, nhưng năm nào cũng vậy, ông luôn cố gắng sắp xếp công việc để được về quê vào đúng ngày 13, cùng cả làng làm giỗ.

“Trận bom ngày 13-1-1972, là minh chứng, là biểu tượng của tình quân dân trong những năm tháng chiến tranh. 156 con người ngã xuống khi đang sát cánh bên nhau chiến đấu với máy bay giặc, để rồi thân xác họ, máu thịt họ quyện vào nhau, vào quê hương đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay cả làng Quyết Thắng làm giỗ chung một ngày, cùng một điểm..., vì nơi đó có 156 con người đã cùng nhau ngã xuống cho đất nước thống nhất” - GS Đức nói.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch cho biết: Từ lâu nhân dân thôn Quyết Thắng đã góp tiền xây một tấm bia nhỏ ghi lại sự kiện ngày 13-1-1973. Hằng năm, cả thôn Quyết Thắng đều làm giỗ chung một ngày.

Và tấm bia nhỏ là nơi để nhân dân, đồng đội thắp hương vái vọng hương hồn của những người đã ngã xuống ngày hôm ấy. “Hơn 100 liệt sỹ không thể về quê hương bản quán vì trận bom ác nghiệt đã xóa hết tên tuổi, địa chỉ của họ.

Họ mãi mãi nằm lại ở bên dòng Gianh, nên Thanh Trạch phải có trách nhiệm với sự hy sinh to lớn này. Xã đã dành một khu đất rộng cho việc xây dựng một tượng đài, mang biểu tượng tình “cá, nước” của quân dân, nhưng mãi vẫn chưa thể thực hiện vì ngân sách địa phương quá eo hẹp” - ông Tuệ nói.

Bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” của Cảnh Giang

“Em bây giờ là em gái của anh

Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại

Một chút sẻ chia những gì mãi mãi

Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung

Mới biết em cô gái nhỏ Hải Hưng

Tạm biệt quê hương em lên đường cứu nước

Em nằm lại với quê anh hơn ba mươi năm trước

Cùng hàng trăm ngôi mộ vô danh

Ôi! Bạo tàn ngọn lửa chiến tranh

Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái

Em hẹn mẹ: Con không ngày trở lại

Ngày giỗ của con là ngày con ra đi

Em hóa thân vào đất nước khắc ghi

Em hóa thân cho mùa xuân mãi mãi

Cho trai gái quê anh ngọt ngào hoa trái

Rì rào sông Gianh ru em ngủ ngon lành

Em không còn người thân, em sẽ có anh

Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ

Anh thay mẹ lo cho em ngày giỗ

Có hương hoa, tư trang đủ em dùng

Và từ nay giữa nghĩa trang chung

Có tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ

Em ấm lòng hơn: Anh trai mình đến đó

Một chút tình cùng sông núi ghi ơn!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.