Nét chữ nét người
Thư phòng số 99 Nguyễn Thái Học lặng lẽ đặt mình trong lòng phố cổ Hội An yên bình. Những bức tranh thư pháp, thư họa là tài sản lớn nhất, tất cả vẫn in dấu những kỷ lục theo thời gian.
Không khó để chúng tôi nhận ra hình ảnh của một ông đồ ngồi viết thư pháp được tái hiện mỗi đêm rằm phố cổ - Họa sỹ Đỗ Minh Nhàn.
Trong bộ đồ giản dị, chiếc trán hói sâu, vài cọng tóc đang ngả màu sương không che hết được vẻ quắc thước từ trong đôi mắt.
Chậm rãi ông nói về hội họa, thư pháp như chính cái cách ông truyền vào tranh những tâm huyết của một đời nghệ sỹ.
“Xưa ông bà đã dạy, nét chữ nét người. Mỗi nét chữ uyển chuyển truyền tải hết tâm tư tình cảm của con người Việt. Đó là cách sống, là tâm hồn, văn hóa Việt” – ông dẫn giải.
Sinh ra vốn có chút năng khiếu viết chữ đẹp, nhưng điều quan trọng hơn là ông “mê muội” những nét chữ ấy, mỗi ngày lại luyện, lại ngắm, sáng tạo sao cho chính con chữ ấy Đẹp nhất, dễ đi vào lòng người nhất.
Nếu, với người dân Việt, văn hóa xin chữ ngày lễ, tết đã đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu, thì việc người dân phố Hội cùng các du khách biết và tìm đến ông vào mỗi đêm 14, lễ, tết như một điều hiển nhiên.
Chiếc bút lông nghiền mực tàu nhẹ nhàng lướt trên khuôn giấy dó nét thanh nét đậm như truyền hết được xúc cảm, biểu lộ thần thái của người viết.
Từ những chữ đơn dạy con người hướng tới những tính cách như Nhẫn, Tâm,… ông khéo léo lồng ghép đưa vào những câu thơ, tục ngữ mang tính răn dạy, khuyên nhủ.
Duyên Việt
Hơn ai hết, ông Nhàn không tin những con chữ Latinh người Việt vẫn dùng hoàn toàn là những lý tự đơn điệu, khô khan.
“Mình phải làm như thế nào để viết thư pháp thông qua hình ảnh. Phải biến những con chữ ấy vượt lên trên cái ý nghĩa biểu thị thông tin về nội dung, mà còn có khả năng truyền tải hình ảnh mềm mại lạ kỳ”.
Một số tác phẩm vẽ các di sản thế giới. Ảnh H. Văn . |
Với ý tưởng “đọc chữ, nhìn tranh”, ông bắt đầu viết thư họa. Đó cũng là thời gian phố cổ nơi ông sinh sống được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh cố đô Huế được đúc kết vẻn vẹn trong câu “Huế ơi, Thành nội bây chừ ra sao”, hình ảnh Thành nội – biểu tượng của Huế niềm tự hào của đất Thần kinh nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Hay hình ảnh nhà thờ Domaine de Marie hiển hiện bên cạnh ngôn từ “Đà Lạt thành phố ngàn hoa”. Dấu ấn của phố Hội được họa khắc qua đường nét thư họa bởi chiếc chùa Cầu vắt ngang bên dòng sông Hoài thơ mộng.
Nói đến chợ Bến Thành để nhớ về Sài Gòn; họa chùa Một Cột để nhắc nhở người xem có một Hà Nội như thế. Đó là cái cách “Song tuyền bất tranh tiên (tức Hai dòng suối không có tranh trước tranh sau) đã trở thành đỉnh cao của nghệ thuật chơi chữ.
Tác giả Đỗ Minh Nhàn được biết đến với nhiều tài năng: Huy chương Vàng về thư pháp Hội An tại Hội Hoa xuân 2007; giải nhất cuộc thi viết thơ Haiku bằng tiếng Việt tại Giao lưu văn hóa Việt - Nhật lần thứ 10; Huy chương Vàng thư pháp Hội sinh vật cảnh Quảng Nam... Với người dân phố Hội, ông được gắn với dòng tranh “kỷ lục”, bởi xem tranh hay thưởng thức thư pháp, hội họa của ông đều mang nội dung truyền tải cái đẹp, những cái đẹp bền vững kỷ lục thế giới. |
“Thư họa là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp. Ở đó người ta có thể thưởng lãm bằng mọi giác quan, đọc thơ, xem tranh, thấm thía, hiểu trọn vẹn những vẻ đẹp” – đôi mắt thi sỹ thăm thẳm nhìn vào những bức thư họa được bày biện xung quanh.
Đặt trang trọng ngay chính giữa thư phòng là bức tranh tượng Quan Âm được viết bởi 6 bài kinh phật. “Phải mất một thời gian dài, tôi đọc thuộc 6 bài kinh. Vẽ đến đâu tôi lại tụng và truyền tải vào đó bởi tất cả những gì mình hiểu về một đức tin”.
Tài năng của Đỗ Minh Nhàn được biết nhiều hơn lại trong những bức tranh thủy mặc. Điều đáng nói, cũng như thư họa, phần đa những bức tranh, những chủ đề Đà Lạt – Tình yêu và nỗi nhớ; Hội An – Đời phố trầm tĩnh… mà ông từng tham gia trong các lễ hội Festival Hoa Đà Lạt, Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản… nhẹ nhàng đi vào lòng người.
Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc bỗng có sức hút kỳ lạ từ trong những đường nét bay bổng kỳ diệu ấy.
Một quyết định khiến bạn vẽ của mình ngỡ ngàng là ông đăng ký triển lãm 100 bức tranh thủy mặc vẽ về Di sản thế giới và thủ đô của các nước. Và ông mỉm cười đánh đổi hơn 2 năm trời miệt mài cọ vẽ để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Ông cười tươi nói với chúng tôi rằng đang hoàn tất những bức tranh cuối cùng để hoàn thành kế hoạch đó.
Sau mỗi bức tranh, ông thường đề tựa vài câu thơ gợi nhớ, hay những thông tin để người xem tiện khắc vào đầu những hiểu biết.
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng vì sao Hội An lại trở thành Di sản thế giới, muốn giữ lại và tuyên truyền cho mọi người biết về những thắng cảnh vốn là niềm tự hào của người Việt. Và người dân nước bạn cũng tìm thấy được hình ảnh đất nước mình đẹp, thân thương ngay cả khi đang xa quê” - họa sĩ chia sẻ.
Dạy thư pháp cho người nước ngoài Du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An không quên ghé thăm phòng tranh ở số 99 Nguyễn Thái Học, vừa để thưởng lãm những bức tranh, thư pháp, thư họa và hơna thế là được học viết thư pháp miễn phí. Vào những ngày cuối tuần lớp học được mở ngay tại phòng tranh. Du khách đến từ nhiều nước, nói nhiều thứ tiếng nhưng tất cả đều tập trung vào những đường nét uyển chuyển, bay bổng. Ông thầy đồ lúc này vừa trở thành cầu nối văn hóa giữa du khách nước ngoài với người Việt. Tay khéo léo vẽ từng nét chữ bay bổng, vừa nói về thư pháp, hội họa và cả những thói quen, tâm hồn Việt. “Thật thú vị khi biết, hiểu về đó một nét đẹp từ cổ xưa, một nghệ thuật tao nhã thể hiện văn hóa, tâm hồn, tính cách Việt” - Một du khách chia sẻ. |
Ghi chép của
Hoài Văn