> Một thời đạn bom một thời hòa bình (P1): Ký ức 'Em bé Hà Nội'
> ‘Điện Biên Phủ trên không’: Toàn cảnh về cuộc đối đầu lịch sử
Vui như xuống hầm
Dostoievsky có kiệt tác Bút ký dưới hầm. Dân Hà Nội loại nhớ dai ngày ấy dễ đều có thể hồi ký về những kỉ niệm xuống hầm bởi từ khi bắt đầu chiến tranh phá hoại cho đến cuối 1972, có tới hơn 9 vạn hầm tập thể và 40 vạn hố cá nhân, gọi là hầm tăng-xê, rải khắp Hà Nội.
Có 3 loại hầm trú ẩn tất cả: Trong nhà, cơ quan (trường học) và đường phố. Kỹ sư điện Đỗ Thọ, bệnh viện Bạch Mai kể: “Những lần đầu tiên, đang đi đường mà nghe còi báo động thì mọi người đều lao xuống hầm, có vị nhảy xuống chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy tiếp, ngồi lên đầu nhau. Về sau nó đánh như cơm bữa lại thấy rất bình thường. Vả lại nhiều hầm ngập nước, bẩn nên người ta ngại, ngồi ngay mép hầm. Lực lượng tự vệ nhắc nhở nhưng họ cũng chẳng buồn xuống hầm” (Đối mặt với B52- NXB Trẻ).
Hệ thống hầm tập thể và cá nhân ở Hà Nội bốn chục năm trước đủ chỗ cho 90 vạn người. Trong ảnh là một căn hầm trú ẩn tập thể phổ biến thời đó. Ảnh tư liệu của TTXVN. |
Căn hầm trú ẩn ở trường Ngô Sĩ Liên dài hơn chục mét, nhô khỏi mặt đất chừng mét rưỡi chính là cái hầm in đậm trong trí nhớ của Kim Anh bạn tôi mà tôi đã kể kỳ trước. Và là nơi dân xóm tôi trú ngụ mỗi khi “đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội… cây số”.
Nhà tôi đường vòng đến trường khoảng trăm rưỡi mét nhưng lưng của xóm áp sát lưng của trường, lúc vội có thể đi tắt nên tôi đi học ung dung lắm.
Sáng sớm ngồi đánh răng ở sân, ngước lên tầng 3 thấy bạn cùng lớp đã trực nhật, quét tước loạn cả lên. Bếp chung của xóm áp sát căn hầm trú ẩn, nên có thể nói xóm tôi và trường Ngô Sĩ Liên cùng sở hữu nó.
Nghe còi báo động, cả xóm í ới gọi nhau chui vào cái bếp tập thể, đủn mông nhau leo lên một cái thang, rồi luồn sang sân trường, chui tọt vào hầm. Bao năm rồi và hồi đó quá bé nhưng tôi vẫn nhớ cái mùi ngai ngái của nó, không hiểu sao lại thấy rất dễ chịu.
Trong hầm, nước lấp xấp nên mọi người phải dẫm lên những viên gạch kê sẵn mà đi, đứng. Vào hầm, điểm danh xem thiếu ai, nhất là trẻ con, thì cử người kiếm bằng được.
Trong khi chờ báo yên, câu chuyện cứ nở như ngô rang chả thấy hãi sợ gì mặc bom đạn ì ùng. Thấy pháo sáng rực cửa hầm còn hò reo ầm ĩ. Thỉnh thoảng lại bắc loa tay tự báo yên: Máy bay địch đã bay xa - Máy bay ta đã bay gần.
Bom đạn, chết chóc trong gang tấc thì mặn nồng thế. (Nhà tôi đầu phố Huế, nghĩa là cách Khâm Thiên chỉ chừng cây số. Ngay giữa phố Huế cũng từng trúng bom, về sau đoạn này có dựng một đài Chiến thắng B52).
Vậy mà hòa bình rồi, soi nhau từ cái ăn cái mặc! Trong bài ký Nhan sắc phố phường tôi từng kể một chi tiết ám ảnh tuổi thơ của mình: Mỗi khi ra máy nước công cộng vo rá gạo tương đối trắng và ít sạn so với rá của các nhà (do mẹ tôi làm trong ngành lương thực), xóm giềng lườm nguýt chửi đổng, đại loại là, chỉ có quân tham ô đục khoét mới sướng thế.
Bờ-lốc lịch nhà tôi năm sau in bức ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà kéo xác máy bay rơi ở hồ, một bức ảnh lịch sử rất đẹp nên hết năm rồi vẫn để yên trên tường không hạ xuống. Rồi chiến tranh kết thúc, chúng tôi học dần lên. Vào dịp năm chẵn kỷ niệm, Hà Nội lại ôn lại “Điện Biên Phủ trên không”.
Bây giờ “chai” rồi chứ hồi đó, năm 1982, đọc bài xã luận hào hùng trên báo Nhân Dân ở bảng tin phường Hàng Bài, xúc động lắm: “Hà Nội đã đánh rất Hà Nội, bắt B52 phải phơi xác ngay trên đất của Thăng Long Đông Đô. Hà Nội mến yêu ơi, cả nước tự hào về Hà Nội!”.
Bao năm không trở lại mái trường Ngô Sĩ Liên nơi gắn bó suốt 7 năm, nên ký ức hằn sâu vẫn là căn hầm trú ẩn cạnh bãi cỏ xanh, những củ ấu thơm thơm, dãy bàng cổ thụ đến mùa ra quả chín vàng, rụng xuống là tranh nhau nhặt ăn sao mà ngọt, nhân màu trắng rất bùi.
Bây giờ nghe đến Ngô Sĩ Liên thì toàn những chuyện như trường điểm, oách nhất nhì quận Hoàn Kiếm và Thủ đô, xin vào khó lắm, hàng chục vé. Cái khuôn viên rộng đẹp, vườn trước vườn sau để giờ sinh vật có chỗ mà thực hành, bên tả bên hữu đều có cây cối che mưa che nắng, giờ chẳng còn đất cho mẩu sinh vật cảnh nào.
Sân trường đẹp cổ kính để quay cảnh hàng gạo, phim Em bé Hà Nội, sao rồi? Hôm qua tôi vừa phóng xe đến ngó. Một mảnh sân con tí, khổ thân lũ trẻ con chen chúc giờ ra chơi, rồi thì tập thể dục thể thao thế nào đây.
Ba bề bốn bên là phòng ốc, khó thở, không gian được tận dụng tối đa để làm lớp học “trường điểm”. May mà vẫn còn cái màu tường vàng sẫm quen thuộc. Làm sao hình dung những quả bàng thơm, bãi cỏ xanh và dấu tích một thời.
“Em thanh xuân như ngày xưa của anh/Dưới sân trường có một viên sỏi xanh rất nhỏ/Anh cất giấu tuổi trẻ mình ở đó/… Cái hố tránh bom anh đào trước nhà Dòng/Ẩn nấp cùng anh có một người bạn nữa/Anh cất giấu tuổi trẻ mình ở đó…/Em có bắt được thì cho anh xin/Anh ngắm lại chứ không sao lấy lại/Mảnh vụn thời gian chắp nối đời người. (Nguyễn Duy - Gửi về Lam Sơn).
“Răng đi sơ tán chưa về”
Chiến tranh, bom đạn, rồi sơ tán. Từ “sơ tán” phổ biến đến nỗi hòa bình đã bao năm, người ta vẫn dùng nó hàng ngày. Đứa trẻ thay răng lâu không mọc lại, thường bị trêu “răng đi sơ tán chưa về”. Có loại bánh bột mì gọi là bánh “nắp hầm”.
Năm 1972, Hà Tây là một trong những điểm sơ tán chính của Hà Nội, gia đình tôi được bố trí ở Sấu Giá thuộc Hà Tây quê lụa.
Trên chiếc xe Vĩnh Cửu nam, bố tôi chất thằng em tôi 3 tuổi lên gióng ngang, cậu ruột tôi 10 tuổi chễm chệ ghi-đông, mặt quay ngược với hướng xe, nhè Sấu Giá mà thẳng tiến.
Còn tôi ngồi đằng sau, ngất ngư trên một đống chăn màn, xô chậu. Tài thế đấy, kẻ ngồi lẫn người lái! Tài nữa là “quả Vĩnh Cửu” màu xanh rêu- suất bố mua phân phối ở cơ quan.
Hồi đó có một loại xe đạp gọi là “xe Trâu” guồng rất khỏe. Xe này chưa phải Trâu, không Phượng Hoàng (xịn nhất thời đó) mà đã dẻo dai như thế - 4 con người và đồ đạc, bon bon mấy chục cây số, lại còn báo động báo yên suốt dọc đường. Đặt tên Vĩnh Cửu không oan.
Hai đấng trẻ trai đằng trước nghịch ngợm lại ngự ở vị trí khó, phải thường xuyên để mắt nên bố tôi quên phắt tôi. Rồi một lúc, bố tôi đang guồng hối hả thì được người đi đường mách “rơi con rồi không biết à”, bèn quành xe lại, phải hàng trăm mét mới nhìn thấy, “nhặt” tôi lên.
Từ độ cao kha khá của phooc-ba-ga cộng với chăn màn xô chậu áo quần tôi đã rơi tọt xuống đường lúc nào, gãy cả tay, phải bó bột hàng tháng, lủng lẳng, trắng toát.
Cuối mỗi tuần, bố mẹ lên thăm mang cho mấy cái bánh mì. Cậu tôi bây giờ là giám đốc công ty lớn của nhà nước, mỗi khi hồi tưởng lại hít hà “cái bánh mì ngày ấy, sao mà ngon thế không biết. Cứ chiều thứ bảy tao lại dắt chúng mày ra đầu làng ngóng bà chị mang bánh mì Hà Nội lên. Bánh mì bây giờ, nó không có mùi bánh mì!”.
Bánh mì hồi ấy làm bằng bột mì Liên Xô - ngon thật nhưng chắc cậu tôi bị hội chứng đói ăn khát uống một thời ám ảnh nhiều hơn là vì chất lượng của nó.
“Trùm tạp văn” Nguyễn Việt Hà trong cuốn Cơ hội của Chúa có kể lại kỷ niệm uống ăn hồi sơ tán ở Ba La Bông Đỏ: “Từng chiều thứ bảy tôi bỏ chơi đáo, chạy ra đầu làng đón mẹ ở Hà Nội về thăm. Hồi ấy mì sợi và lương khô Tàu là khao khát của tất cả bọn trẻ. Đột nhiên thần thoại là trong cái bao tải lỉnh kỉnh mẹ đèo bằng xe đạp lăn ra hộp thịt ba lạng. Tôi đã ăn pa-tê Pháp, thịt muối Đức, trứng cá Nga nhưng không sao nguôi nỗi nhưng nhức nhớ hộp thịt Việt Nam quá đát thời sơ tán”.
Vào khoảng cuối 1978 và trong năm 1979 lại rộ lên tin đồn phải sơ tán. Chương trình ca nhạc theo thư yêu cầu thính giả sáng chủ nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam bớt hẳn những bài hát êm đềm mà tăng bài về Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm, Nguyễn Bá Lại… Rồi Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, Chiều biên giới, Bài ca biên giới vân vân.
Toàn bài hay ghê lắm! Chương trình sân khấu tối thứ bảy ti vi phát đi phát lại Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga…, sau này là Bài ca giữ nước (tác giả Tào Mạt). Cả nước lại sôi sục bởi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới - Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới (Phạm Tuyên).
Nhà trường bắt đăng ký địa điểm sơ tán. Tôi lúc ấy đã ghi nơi đến là Nha Trang, bởi có dì ruột dạy học trong đó. Hồi ấy chưa biết Nha Trang song chỉ xem phim đã thấy yêu (Mưa rơi trên thành phố, Tự thú trước bình minh…). Ơn trời, rốt cuộc ai ở đâu vẫn ở đấy.
Đối với bọn chíp chúng tôi lúc bấy giờ, dù ký ức sơ tán hồi Mỹ tàn phá Hà Nội có êm đềm hay dữ dội thì có lẽ chỉ nên một lần trong đời là đủ lắm rồi!
Kỳ cuối: Những câu chuyện tháng 12
Thi sĩ Bùi Chí Vinh, người yêu bản thân đến nỗi có câu thơ Tôi kính trọng tôi thuở ngơ ngác cổng trường, có lần nói với tôi rằng hình ảnh Đặng Thái Sơn đội mũ rơm đến lớp học đàn nơi sơ tán để rồi sau này đoạt giải Chopin khiến anh kính trọng còn hơn cả đứa bé Trần Đăng Khoa cũng mũ rơm đến trường làm thơ về Những năm băng đạn vàng như lúa đồng/Bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông.
|