Nơi mũi đất gần nhất với Hoàng Sa

Nơi mũi đất gần nhất với Hoàng Sa
TP - Hoàng Sa đơn vị hành chính cấp huyện của TP Đà Nẵng, nhưng ít ai biết khoảng cách gần nhất đền quần đảo này lại chính là mũi đất Ba Làng An (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những làng chài theo nghiệp cha ông bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn là miền cổ vật sâu nặng trầm tích văn hóa...

> Lính ra-đa làm rể đảo tiền tiêu
> Làng chài đẹp nhất thế giới

Không phải ngẫu nhiên trong các nghiên cứu khoa học thế giới, khi đề cập đến Hoàng Sa, hay vùng lãnh hải nước ta, cái tên Cape Batangan (mũi Ba Tân Gân) tức Ba Làng An lại được nhắc đến như xác định vị trí đáng chú ý trên bản đồ.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi): Các thông số đo đạc địa lý cho thấy, Việt Nam nằm gần nhất với Hoàng Sa, và vị trí đất liền gần nhất với quần đảo này được xác định chính là Ba Làng An với chiều dài 135 hải lý. Trong khi đó, khoảng cách từ Hoàng Sa đến đất liền lục địa Trung Hoa tối thiểu phải hơn 230 hải lý.

Cái nôi của đội Hoàng Sa

Trạm hải đăng ở mũi Ba Làng An Ảnh: nguyễn huy
Trạm hải đăng ở mũi Ba Làng An.  Ảnh: nguyễn huy.
 

Trạm đèn Ba Làng An (thôn Phú Quý, Bình Châu, Bình Sơn) ở mỏm ngoài cùng của mũi Ba Làng An. Ngọn hải đăng nơi đây luôn chớp sáng dẫn lối tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ.

Nhìn từ Tịnh Kỳ, Ba Làng An là mũi đất được tạo nên từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển. Từ đây có thể nhìn thấy đảo Lý Sơn.

Cái tên Ba Tân Gân có từ thời Pháp. Còn Ba Làng An là tên người dân địa phương gọi chung cho mũi đất này được hình thành từ ba ngôi làng cùng tên An, gồm: An Hải (Bình Châu), An Vĩnh, An Kỳ (Sơn Tịnh).

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh: Cư dân vùng Ba Làng An đã khai phá và hình thành nên lớp cư dân Việt đầu tiên trên đảo Lý Sơn.

Các tài liệu chính sử ghi nhận, chậm nhất từ thế kỷ 16, người dân đất liền phát hiện và chiếm đóng hòn đảo này để từ đây vươn ra những vùng biển xa. Các địa danh An Hải, An Vĩnh và sau này An Bình trên đảo Lý Sơn xuất phát từ địa danh của mũi Ba Làng An.

Dấu tích của đội Hoàng Sa tại mũi đất này là địa danh Vườn Đồn (thôn An Vĩnh, Tịnh Kỳ) - nơi xuất phát của đội Hoàng Sa. Vườn Đồn nay là nơi đồn Biên phòng Sa Kỳ đóng chân.

Chỉ tiếc, nơi đây chưa có một biển báo hay tượng đài. Cách đó vài trăm mét là dấu tích miếu Hoàng Sa, trước mỗi lần dong thuyền ra biển, đội Hoàng Sa đến đây để lễ tế thần linh, cầu ông Nam Hải phù giúp.

Theo các vị lão niên trong làng: tương truyền miếu Hoàng Sa thờ hài cốt đầu cá voi to được mang về từ Hoàng Sa. Sau này miếu bị tàn phá, bộ xương cá voi được chuyển sang thờ tại Lăng Chánh của người dân vùng Tịnh Kỳ.

Ông Khánh phân tích: Từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, do Lý Sơn người Việt chưa tập trung nên đội Hoàng Sa chủ yếu lấy người từ An Hải, An Vĩnh của đất mũi Ba Làng An.

Cần phân biệt, đội Hoàng Sa do triều Nguyễn quy tập gồm các cai đội, thủy quân (dân biển được thuê đi) làm nhiệm vụ đo đạc, cắm mốc, thì còn có thuyền ra Hoàng Sa do chính người dân xin đi để săn lượm hải vật, đồ mồi tại quần đảo này.

Làng cổ vật

Những món đồ cổ của thợ lặn Bình Châu
Những món đồ cổ của thợ lặn Bình Châu.
 

Câu chuyện chiếc tàu đắm và kho cổ vật dưới nước khu vực biển Châu Thuận Biển (Bình Châu) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Những thợ lặn Bình Châu vùng mũi Ba Làng An chính là những người săn tìm cổ vật có tiếng. Họ cũng rành rõi từng loại niên đại, giá trị cổ vật.

Tay lặn Võ Văn Hân (42 tuổi, thôn Châu Thuận Biển), kể: Từ vài chục năm trước, cả làng đã có đến vài chục tàu lặn cổ vật, tập kết quanh vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), nơi có nhiều xác tàu đắm để lặn tìm.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh Hân theo tàu bạn lặn hải sâm ở tọa độ X vùng biển Cù Lao Chàm và phát hiện trong lòng tàu chất đầy đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương).

Chỉ sau vài chuyến biển năm đó, kho đồ cổ của anh Hân lên đến hơn 3.000 món đủ các loại bát, đĩa, chùm sành. Nhưng theo anh Hân: Số lượng này thuộc loại hạng trung, nhiều ngư dân trong làng sở hữu kho đồ cổ còn “khổng lồ” hơn.

Tháng 8-2010, cơ quan chức năng Quảng Ngãi phát hiện vụ vận chuyển hơn 4.300 cổ vật gốm sứ men nâu đen, men xanh xuất xứ Trung Quốc thế kỷ 16-17.

Truy tìm gốc tích số cổ vật này, không đâu khác chính là tại “làng cổ vật” Bình Châu.

Theo Bảo tàng Quảng Ngãi: Cuối năm 1998, tại vùng biển Châu Thuận Biển này, ngành chức năng tìm thấy một số lượng lớn mảnh vỡ bình, chén, hũ, đĩa thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435). Mới đây, năm 2011, ngư dân vùng biển Bình Châu tìm thấy xác tàu cổ đắm gần bờ với nhiều cổ vật gốm sứ có giá trị…

Trầm tích văn hóa

Theo TS khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi - Phó GĐ Bảo tàng Quảng Ngãi: Các đợt khai quật năm 1978, 2002, tại đây đã phát hiện dấu tích quan trọng về một lớp cư dân tiền Sa Huỳnh cư trú có niên đại 2.500-3.000 năm.

Mở rộng phạm vi khảo cổ ra huyện đảo Lý Sơn, năm 1996, tiếp tục phát hiện ra di chỉ của văn hóa Sa Huỳnh ngay trên huyện đảo này. So sánh những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và Bình Châu đều phát hiện những nét tương đồng.

Chứng tỏ từ 2.500-3.000 năm trước, những tiền nhân cư dân Bình Châu có mặt trên đảo Lý Sơn để từ đó vươn ra những vùng lãnh hải xa xôi của Tổ quốc.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh cho hay: Người Ba Làng An sớm hình thành tri thức làm chủ biển khiến khát vọng mở biển, khai phá những vùng biển đảo luôn thường trực.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ – GĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, với đặc thù gồm cảng biển Sa Kỳ phát triển sầm uất từ nhiều thế kỷ trước, mũi Ba Làng An là nơi thông thương quan trọng của tuyến đường biển. Vị trí gần Hoàng Sa, là điểm mốc quan trọng trên biển Đông nên lưu lượng tàu thuyền ra vào nhiều.

Ngay từ rất lâu tại đây hình thành nét văn hóa biển, kinh tế biển cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Kết cấu địa chất quần thể đá bazan, đất đá ong, vết tích nham thạch núi lửa phun trào của mũi đất Ba Làng An từng được Cục địa chất và khoáng sản đề xuất xây dựng một Công viên địa chất cùng với ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên) và quần thể bazan dạng cột thác Trinh nữ ở tỉnh Đăk Nông.

Giữ biển

Ông Tiêu Viết Là (51 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu) dẫn chúng tôi đến đình làng An Hải nằm ngay sát mé biển. Cả vùng biển đang chộn rộn vì con tàu cổ vật, nhưng trong ngồi đình lúc nào cũng giữ được sự tôn nghiêm, thành kính.

Nét văn hóa biển của người Ba Làng An gắn liền với những địa chỉ tâm linh: Đình An Hải, Lăng vạn Vũng Tàu, miếu Bà… Các vị cao niên trong làng lưu truyền vùng đất từng ghi dấu các vị vua quan triều đình mỗi chuyến ra Hoàng Sa, Lý Sơn đều dừng chân tại mũi đất để lễ tế thần linh.

Tại đình làng An Hải còn lưu giữ bức tượng quan Thánh - một trong những bức tượng gỗ cổ xưa nhất trên đất Quảng Ngãi để thờ phụng.

Khoảng cách mũi Ba Làng An đến Hoàng Sa được ông Tiêu Viết Là đo đạc bằng những chuyến biển kéo dài gần 2 ngày 1 đêm trên con tàu hơn 200 CV, gần nhất so với mọi vị trí xuất phát khác từ đất liền nước ta.

Hơn 30 năm bám biển, Tiêu Viết Là là cái tên được nhắc đến như một ngư dân dày dặn kinh nghiệm nhất của làng biển. Từng 4 lần bị Trung Quốc bắt tàu, hủy hoại tài sản ngay trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Không ít lần khánh kiệt vì biển, lúc có cơ hội, ông lại đóng mới tàu giong thuyền ra khơi. Tháng 3-2010, thuyền trưởng Là cùng 12 ngư dân trên tàu QNg 50362 TS đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bất ngờ bị tàu chiến Trung Quốc ập tới, bắt tàu, tịch thu hơn 2 tấn cá.

Sau nhiều tháng trời bỏ biển ở nhà, ông Là làm mọi người ngạc nhiên khi “cưỡi” con tàu QNg 90018 TS hơn 500 CV, cắm cờ đỏ sao vàng từ cảng Sa Kỳ trực chỉ Hoàng Sa.

Giọng ông mừng rơn: Mấy đầu nậu họ hỗ trợ giúp tôi đóng mới tàu. Mấy chuyến đầu năm nay đều làm ăn khó khăn nhưng tôi chưa nghĩ tới chuyện “nghỉ hưu”. Biển là nghiệp, là nhà rồi, bỏ sao được!

Anh Nguyễn Hồng Mai (31 tuổi, quê Nghi Lộc, Nghệ An) - Trạm phó trạm hải đăng Ba Làng An, tự hào: Lần nhận nhiệm vụ về trạm công tác hai năm trước, tôi thật sự xúc động khi biết đây chính là vị trí đất liền gần nhất với Hoàng Sa.

Ý chí của ngư dân nơi đất mũi này mãnh liệt lắm, tàu thuyền bị bão tố, bắt bớ tả tơi, nhưng không ai bỏ biển …

Đất thiêng

Trong chiến tranh, cửa biển Ba Làng An là cứ địa quan trọng của cả ta và địch. Địa đạo Đám Toái (thôn Phú Quý, Bình Châu) là minh chứng cho ý chí cách mạng của quân và dân nơi đây.

Ông Nguyễn Minh Hồng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, người tham gia xây dựng địa đạo, kể: Địa đạo được đào từ năm 1946, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ thì được mở rộng, đào dài thêm đến hàng trăm mét.

Từ năm 1962-1965, Đám Toái được QK V và tỉnh đội Quảng Ngãi chuyển làm trạm phẫu tiền phương để cứu chữa cho thương bệnh binh.

Ngày 9-9-1965, lính Mỹ phát hiện hầm bí mật, bắt được y sĩ Lâm và y tá Lệ. Chúng trói hai người cùng khối thuốc nổ lớn đặt trên cửa địa đạo rồi bấm nổ, đánh sập địa đạo giết hại toàn bộ cán bộ quân y, thương bệnh binh và người dân đang điều trị bên dưới, gồm 66 người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG