> Khởi công dự án Bảo tồn, tôn tạo khu di tích Truông Bồn ngày 27-10
> Tri ân lực lượng thanh niên xung phong
Kỳ I: 29 năm mất tích của tiểu đội trưởng Trần Thị Thông
Khỏi nhắc lại sự kiện Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông của C317 Thanh niên xung phong thoát chết hy hữu trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ sáng ngày 31-10-1968.
Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông năm 1967. |
Hiếm bởi lực lượng đào bới đã đào kịp thời và phát hiện ra cái đầu ruồi nòng súng K44 của chị Thông chợt ló ra... Nhưng Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông vĩnh viễn mất cả 12 chiến sĩ trong tiểu đội TNXP của mình trong buổi sáng mùa đông định mệnh!
Thoát chết. Nhưng có lẽ bắt đầu từ buổi sáng mùa đông cuối năm 1968 ấy, Trần Thị Thông đã... mất tích!
Những khúc rú lở loét toạc toang màu đất chết chóc của trọng điểm giao thông ác liệt của Truông Bồn ngày ấy dần dà liền lại màu xanh sự sống...
Những năm tháng đạn bom rồi yên hàn hòa bình kế tiếp, người ta không biết người tiểu đội trưởng ấy đang ở đâu?
...Sự mất mát hy sinh nào chả trân quý! Tấm gương nghĩa liệt của các cô gái Tiểu đội 2 C317 Truông Bồn dường như đã khiến hậu thế giật mình bởi tấm gương ấy kém chi 10 liệt nữ ở Ngã Ba Đồng Lộc? Khoảng năm 1997, với tinh thần dẫu muộn còn hơn không, một quyết định từ trên xuống là khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để truy tặng tập thể tiểu đội thép ở trọng điểm Truông Bồn danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.
Mọi thủ tục được tiến hành nhanh chóng. Tất nhiên không thể thiếu được một bộ phim tài liệu về những chiến sĩ TNXP của Tiểu đội thép Truông Bồn. Không chỉ có phim. Một số bài báo thời điểm ấy cũng với nội dung tương tự.
Phim được phát hành rộng rãi. Nhưng đùng cái, có ý kiến phản ánh đến các cơ quan có trách nhiệm rằng trong bộ phim Tài liệu phóng sự ấy có 2 nhân vật không phải là người của Tiểu đội 2 C317! Và quan trọng hơn, nhân vật chính dẫn chuyện trong phim, xưng là tiểu đội phó tiểu đội 2 không phải là chị Trần Thị Thông!
Bà Thông với nhà báo Giao Hưởng. |
Tác giả của những ý kiến phản ánh đó, không phải là người của tiểu đội 2 bởi 13 người (như mọi người đều biết, trong tiểu đội chỉ có 1 nam và 12 nữ.
Nam là anh Cao Ngọc Hòa của C317 chuẩn bị xuất ngũ, trong khi chờ đợi làm thủ tục, Đại đội tạm thời cử anh về bổ sung cho Tiểu đội 2) thì cả 13 người đã hy sinh thì lấy đâu ra ý kiến? Những ý kiến phản ánh ấy là của một số anh chị em TNXP ở các tiểu đội khác của C317 và nhiều người đã trực tiếp chứng kiến thời điểm 12 chị em và anh Hòa hy sinh! Không có ý kiến nào của chị Thông Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2.
Bởi đến thời điểm ấy, người ta vẫn không biết tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Thị Thông, còn hay đã mất? Nếu còn sống thì đang ở đâu?
Những ý kiến phản ánh ấy đã đến tay một số nhà báo. Trong đó có nhà báo Nguyễn Giao Hưởng, PV Báo Lao Động thường trú ở Vinh.
Đón xem chương trình “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân” Kỷ niệm 44 năm ngày hi sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn (31-10-1968-31-10-2012), nhân dịp khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Nghệ An và Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị UBND tỉnh Nghệ An, Báo Tiền Phong, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Truông Bồn Huyền thoại và Tri ân. Chương trình được truyền hình trực tiếp lúc 20h, ngày 27-10-2012, trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Trân trọng mời bạn đọc đón xem. |
Giao Hưởng đã âm thầm vào cuộc. Có lẽ anh đã gặp may khi có được một bản báo cáo tóm tắt thành tích đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVT cho 15 LS Truông Bồn thuộc Đại đội 304 và 317 thuộc Tổng Đội TNXP Nghệ An.
Báo cáo đánh máy, không ghi ngày tháng, có dấu đỏ kèm chữ ký. Đứng đầu danh sách báo cáo là liệt sỹ (LS) Trần Thị Doãn sinh năm 1948 quê xã Sơn Thành huyện Yên Thành là Tiểu đội trưởng A 2. Người thứ 2 còn sống là đồng chí T. Tiểu đội phó Tiểu đội 2. Đáng chú ý là người thứ 15 được bổ sung bằng chữ viết tay hiện còn sống là chị Trần Thị Thông quê Thọ Thành, Yên Thành!
Nhờ những lần gặp gỡ 2 nhân chứng còn sống và làm việc với những cơ quan có trách nhiệm mà nhà báo Giao Hưởng đã lần tìm được cốt lõi câu chuyện cũng như uẩn khúc của vấn đề.
Chuyện cũng đơn giản. Hóa ra duyên do cũng là bệnh... thành tích mà ra... Một đồng chí trong Ban lãnh đạo Tổng Đội TNXP từng qua trận mạc khi ấy đã dàn xếp và thỏa thuận đơn giản thế này.
Ta không nên tự ti hẹp hòi. Chúng mình mang được gáo (đầu) về cho vợ con là may rồi. Bây giờ đang làm thủ tục sang tên đơn vị Truông Bồn. C304 có 12 cô gái làm cọc tiêu sống. C17 có tập thể liệt sĩ hy sinh. Ta gắn 2 sự kiện với nhau để làm mô hình cho tỉnh.
Nghĩ sao làm vậy. Khi ấy người ta đã hồn nhiên điều và gắn chị P. (mất vì bệnh sốt rét) và chị T. của một đại đội khác (C304) hiện còn sống (nhân vật dẫn chuyện trong bộ phim nọ) vào Tiểu đội 2 của Truông Bồn! (Tìm hiểu kỹ, nhà báo Giao Hưởng xót xa lẫn áy náy.
Chị T. vốn là một nữ TNXP nhiều năm đã từng vào chết ra sống lập nhiều thành tích ở các trọng điểm ác liệt của Khu Tư trong đó có Truông Bồn.
Có lẽ các đồng chí phụ trách nghĩ đến những đóng góp của chị T. nên mong muốn bù đắp lại những thiệt thòi mất mát ấy mà hồn nhiên làm cái việc lắp ghép ấy chăng?).
Sự thật chỉ có một. Không có việc 13 LS Truông Bồn hy sinh thuộc nhiều tiểu đội. Tiểu đội 2 thuộc C317 do chị Thông là tiểu đội trưởng. Chị đã thoát chết may mắn trong trận 13 người trong tiểu đội hy sinh ở Truông Bồn ngày 31-10-1968.
Bài báo Ngược Truông Bồn của Giao Hưởng năm 1997 đã góp phần quyết định việc sắp xếp lại trật tự bị nhiễu. Và đến thời điểm ấy, sau 29 năm gần như biệt vô âm tín, người ta mới thấy cô tiểu đội trưởng A 2 của C317 Tổng đội TNXP Nghệ An Trần Thị Thông tái xuất!
Theo chân nhà báo Giao Hưởng, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Thông ở phường Đông Vinh Thành phố Vinh. Căn nhà cao ráo như chung với một nhà thờ họ? Thì ra ông chồng họ Lê, nhà thờ họ Lê kế bên. Sàn gạch sạch bong.
Tấm ảnh cô TNXP Trần Thị Thông đội mũ lưới ngụy trang tươi cười ở lưng chừng cột nhà dường như có chi tương phản với một bà chủ nhà mảnh dẻ khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn.
Cánh ký giả mau mồm gạ lắm chuyện... Bà Thông hướng cái cười về nhà báo Giao Hưởng có chuyện chi thì hỏi ông ni...
Bà Thông rủ rỉ kể thêm từ khi thành lập Tổng Đội, bà đã là tiểu đội trưởng tiểu đội 2 và chị Trần Thị Doãn là tiểu đội phó. Bà nhắc vanh vách tên họ 6 tiểu đội trưởng của C317. Riêng Tiểu đội 6 toàn nam. Tiểu đội trưởng là Nguyễn Bích Cới.
Giọng bà Thông rành rẽ
Sáng 31-10-1968 trực ban thổi còi báo thức đi làm. Đến hiện trường được khoảng 10 phút máy bay rào rào.
Tôi, anh Hòa, o Vinh xuống chung một hầm, nghe Vinh khóc, tôi định nói với nó: Giờ ta chịu chết chứ không kêu được ai đâu, liền đó hoa mắt không biết gì nữa.
Sau này nghe các đồng chí nói lại: Dân quân địa phương đào sẵn 14 huyệt trên đồi vì không hy vọng ai sống sót. Nhờ cái đầu ruồi nòng súng của mày nhô lên mặt đất, lắc lắc nòng súng nghe rên rỉ dưới đất.
Bộ đội công binh đang rà phá bom lại giúp sức, đào thấy nửa cái cổ, không nghĩ là mày mà ngờ là con Hoài, sau đó đưa anh Hòa, o Vinh lên thì cả 2 đã chết.
Riêng Doãn, Bốn, Phúc, Đang nằm chung một hầm bị chết cả rồi, nhờ máy xúc tìm được 4 chị em, còn nữa đều mất tích.
Đơn vị đưa tôi về trường học của xã. Hồi đó các đơn vị bộ đội đi B qua đây thường nghỉ chân để lấy sức hành quân.
Bác Thởm chủ nhà nói với các anh bộ đội là còn nước còn tát. Tiểu đội O ni chết cả rồi đơn vị cũng tan tác. Nhờ các anh cứu lấy mạng sống cho em nó…
Tôi tỉnh lại thấy mình được truyền một lọ nước trăng trắng. Các anh bộ đội nói: “Sang đây từ 6 giờ, em không biết gì hết. Đã 3 giờ chiều, các anh không thể dừng lâu”.
Rồi họ để lại 2 hộp thuốc hình dáng dài dài. (Động thái cuối cùng trước khi viết bài báo Ngược Truông Bồn- ngược là tìm chiều thuận sự thật về việc hy sinh của tiểu đội 2 TNXP ở Truông Bồn- Giao Hưởng đã dẫn chị Thông đến nhà mẹ Thởm ở thôn Mỹ Thái xã Mỹ Sơn huyện Đô Lương. Nhà mẹ Thởm là nơi đóng quân của tiểu đội trưởng Thông, Vinh và Hòa của A2).
Sau khi thoát chết ở Truông Bồn tôi trở về quê. Năm 1969 được đi học lớp cắt may. Năm 1970 thì mần bạn với ông nhà tôi đây...
Ông nhà tôi đã đứng tuổi nhưng vóc đậm, khỏe. Ông Diên, Lê Văn Diên quê ở phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh, đi bộ đội năm 1963, thoát chết ở nhiều chiến trường, phục viên năm 1973.
Lúc chia tay, vẫn chất giọng mau mắn nhưng ngùi ngùi, bà nói là cứ buồn cười bữa coi tivi bà con trong xóm ni chất vấn diễn lại cảnh Truông Bồn răng không có mi hả Thông? Tôi nghĩ có hay không chả thành vấn đề chi! Sống được với con cháu đến lúc ni là may mắn lắm rồi.
Nhưng không mần thì thôi mần lại phải cho đúng. Cùng làm cùng ăn cùng ở cùng chịu hòn tên mũi đạn như nhau và cùng thịt nát xương tan, người được người không tội lắm...
Vội nên tôi cũng chưa kịp hỏi nhà báo Giao Hưởng rằng tại sao sự việc đã sáng tỏ từ năm 1997 mà mãi năm 2008, thủ tục vinh danh tập thể Anh hùng LLVT cho tiểu đội O Thông mới thực hiện?
Kỳ 2: Nhân chứng ngày tang thương