Một sinh viên trường Đại học Y - trong kỳ thực tập ngắn ngủi ở Bệnh viện Bạch Mai đã có dịp gần gũi "bệnh nhân đặc biệt" Phan Lạc Hoa tại khoa Tâm thần.
Những câu chuyện của người sinh viên ấy, nay là bác sỹ Sao Hồng, đã hé lộ sự thật về nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh.
Bút tích Phan Lạc Hoa dành cho bác sĩ Sao Hồng, hồi đó là sinh viên thực tập. |
"Lý lịch" bệnh nhân Phan Lạc Hoa
Bác sĩ Sao Hồng, người sinh viên ngày nào, giờ đã ở tuổi ngũ thập, chất giọng miền Trung đặc sệt chùng xuống khi kể về thời gian thực tập tại giường bệnh của Phan Lạc Hoa.
"Câu chuyện tôi kể chỉ là kỷ niệm của một thời đói khổ và mộng mơ. Tôi trực tiếp nghe, tiếp xúc, đọc được những gì về một nhạc sỹ tài hoa bạc mệnh. Có thể có một số chi tiết chưa chính xác (30 năm rồi còn đâu) nhưng tôi vẫn tự tin về trí nhớ của mình.
Tôi bắt đầu nghe tiếng Phan Lạc Hoa từ những bài hát nổi tiếng một thời qua làn sóng phát thanh: Tàu anh qua núi, Tình yêu bên dòng sông Quan họ.
Tháng 9 - 1981, tôi là sinh viên Y5 đi học luân khoa ở Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Sức khỏe tâm thần). Phan Lạc Hoa đang là một trong những "bệnh nhân nổi tiếng" ở khoa này.
Thời đó, nhiều bệnh nhân nam của Khoa Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, có "lý lịch cuộc đời" rất ấn tượng với sinh viên như tụi mình.
Đa số họ, có biệt tài, học giỏi, thông minh hoặc uyên bác một lĩnh vực nào đó. Nhưng những tư duy, những suy nghĩ thầm kín của họ hoặc là quá cao siêu hoặc là lạc lõng giữa thời cuộc, làm cho họ luôn cảm thấy cuộc đời mình bế tắc.
Những trường hợp này thường được các nhà tâm lý học, bệnh học tâm thần nói một cách ví von là thuộc nhóm nhân cách nghệ sỹ. Phan Lạc Hoa - một trong số bệnh nhân đó - được sinh viên quan tâm đặc biệt”.
Các khoa chỉ được ngăn cách bằng bờ dậu thưa, nên sinh viên thực tập có thể qua lại rất dễ.
Thời đó, nhiều bệnh nhân nam của Khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, có "lý lịch cuộc đời" rất ấn tượng. Đa số họ có biệt tài, thông minh hoặc uyên bác một lĩnh vực nào đó. Nhưng những tư duy, những suy nghĩ của họ hoặc quá cao siêu hoặc lạc lõng giữa thời cuộc, làm cho họ cảm thấy đời mình bế tắc |
Hồi ấy, bệnh nhân tâm thần được tìm hiểu rất kỹ về đời sống riêng tư - một việc cần làm để có thể tìm ra nguyên nhân bệnh và có liệu pháp điều trị hiệu quả.
Trong trí nhớ của Sao Hồng, Phan Lạc Hoa có mái tóc bờm lên những nếp xoăn màu nâu cháy nắng. Khuôn mặt gồ ghề sắc cạnh. Da mặt ngăm ngăm lại lỗ chỗ vết rỗ. Dấu tích của bệnh đậu mùa thời ấu thơ nghèo khó (có lẽ, điều này giải thích vì sao hiếm có hình ảnh của ông trên phương tiện truyền thông hiện nay).
Nhạc sỹ có đôi bàn tay đầy vết chai sạn của công nhân quen cầm búa, cầm kìm, cầm xà beng, tương phản hình ảnh ông ôm đàn ghi ta với giọng khàn khàn thuốc lào cất lên những bài ca.
Phan Lạc Hoa kể chuyện rất lôi cuốn. Những câu chuyện giữa khoảng tỉnh và mê với Sao Hồng đã chắp nối cuộc đời đầy sóng gió của ông. Ông cười nói: Mình tuổi Hợi mà sinh giữa ban đêm, nên cuộc đời kiếm được miếng ăn không phải dễ.
Bệnh viện Bạch Mai những năm 1980. |
Bác sỹ Sao Hồng nhớ lại lần được nhạc sỹ Phan Lạc Hoa kể chuyện đời: "Mồ côi cha. Tuổi thơ trôi dạt qua nhiều vùng quê. Phải lao động từ nhỏ. Học hành chắp vá. Nghề nghiệp bấp bênh. Dáng vẻ phong trần, bất cần đời. Không thích khuôn phép và sống theo cảm xúc.
Từ nhỏ, Phan Lạc Hoa đã phải cùng mẹ lang bạt kiếm ăn xứ người. Từ quê Thạch Thất, hai mẹ con trôi dạt theo dòng di dân quen thuộc thời Pháp: Nam Định, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ông học ở trường đời nhiều hơn ở trường lớp. Những công nhân và thợ lò vùng cảng, vùng mỏ tốt bụng đã cưu mang giúp đỡ mẹ con ông. Trong câu chuyện, ông vẫn ví von, tuổi thơ mình như cây cỏ dại mọc lên giữa cánh đồng hoang.
Học hành chắp vá nhưng ông là người thông minh và nhạy cảm. Ông có "hoa tay" và năng khiếu văn nghệ gần như là bẩm sinh. Vì thế, từ phong trào văn nghệ vùng mỏ ông được cử về học ở trường Âm nhạc Hà Nội, như là hạt nhân phong trào văn nghệ vùng mỏ trong tương lai.
Tại trường Nhạc, ông gặp và yêu mê mệt cô nữ sinh năm thứ ba "bé choắt có đôi mắt đẹp hút hồn và giọng hát đầy triển vọng", Nguyễn Thị Thanh.
Mối tình lãng mạn bay bổng đạt đến đỉnh của sự ngất ngây thì… cả hai phải đối diện thực tại. Cô sinh viên có thai khi chưa kết thúc khóa học.
Đó là một bước ngoặt trong cuộc đời Phan Lạc Hoa, buộc ông phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã. Việc có thai ngoài ý muốn mà chưa hôn thú, "chưa báo cáo tổ chức" là vấn đề rất nghiêm trọng bấy giờ.
Chế độ tem phiếu có thể nuôi sống người độc thân nhưng với một "gia đình sinh viên" chưa có hộ khẩu.. thì có thể đói nhăn răng.
Như một cú sốc, ông mất thăng bằng một thời gian vì không biết sẽ tổ chức cuộc sống thế nào. Ông chạy trốn thực tại và lang thang với bạn bè. Hồi tâm, ông quay về và sống với Thanh mà không cưới hỏi. Hồi ấy, sống không cưới hỏi đã là một điều ghê gớm. Nhưng việc ông mang tiếng đào ngũ khi có quyết định đi B để ở lại chăm sóc vợ đang bụng mang dạ chửa lại càng ghê gớm hơn. Việc đó đồng nghĩa với việc ông bị kỷ luật, mất biên chế, sổ gạo, bị "vứt ra đường".
“Mất biên chế, đồng nghĩa với trắng tay. Không có sổ gạo, tem phiếu. Không nơi nào dám nhận ông, "một thằng đào nhiệm", Phan Lạc Hoa kể lại với Sao Hồng với chất giọng thuốc lào trong khuôn viên khoa Tâm thần.
Ông nói hồi đó mình là như một người tỉnh lẻ trắng tay "trôi dạt về thủ đô" mà gánh trên vai trách nhiệm làm cha làm chồng.
Ông làm bất cứ công việc gì để sống cùng vợ con. Nhưng cũng có khi, sáng đi tìm việc, chiều về hai bàn tay trắng trong cơn say bét nhè.
Những năm tháng bị "tống ra lề đường" bị hắt hủi, ông mang tâm trạng mặc cảm và tự ti. “Thật là hèn khi phải ăn bám vợ", nhạc sỹ thốt lên cay đắng.
Vợ ông, ca sỹ trẻ Nguyễn Thị Thanh được nhận về Đài Tiếng nói Việt Nam như một biên chế chính thức. Rồi trở nên nổi tiếng với nghệ danh Thanh Hoa. Nỗi dày vò mặc cảm ngày càng chồng chất, khi vợ ông ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Công nhân sắp chữ và những bài hát để đời
Đúng lúc ấy, Phan Lạc Hoa gặp ông Tạ Đình Đề (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt), một nhân vật huyền thoại của thời kháng Pháp với bản tính nghĩa hiệp, giỏi thu phục nhân tâm. Ông về làm "lính"của ông Tạ Đình Đề.
Ông Tạ Đình Đề biết nhìn người và cưu mang những người có cá tính và thất cơ lỡ vận như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ,? tạo công ăn việc làm cho họ; tạo môi trường để phát huy sở trường của họ.
Thế nhưng con người vừa có tâm vừa có tầm ấy lại bị bắt oan và Phan Lạc Hoa trở về làm công nhân sắp chữ ở xưởng in.
Phan Lạc Hoa đã quen lao động chân tay. Nhưng những bản kẽm, thuốc lá, thuốc lào rẻ tiền, thiếu cơm thừa rượu tạp đã "góp nhặt" chất độc để làm nên… bệnh tật của ông sau này.
Nước nhà thống nhất. Năm 1976, ông Tạ Đình Đề được minh oan và trở lại làm việc. Phan Lạc Hoa vẫn vừa làm công nhân vừa làm… văn nghệ.
Những sáng tác của ông bắt đầu có tiếng vang qua giọng hát của vợ. Giai đoạn làm quân Tạ Đình Đề là thời điểm thăng hoa trong sáng tác của Phan Lạc Hoa...
Những hôm chủ nhật, phòng bệnh của nhạc sỹ rộn ràng tiếng hát cười khi cả nhà (nghệ sỹ Thanh Hoa và hai con gái Phan Huyền Thư và Phan Thế Lữ) vào thăm.
Nghệ sỹ Thanh Hoa và hai con cùng ông thường hát phục vụ theo yêu cầu của bệnh nhân, sinh viên trực ở khoa.
Phan Lạc Hoa còn chép tặng sinh viên thực tập Sao Hồng bài thơ "Nhụy lửa hoa đèn" do ông sáng tác. Bài thơ tình với những câu chan chứa yêu thương: "Ơi những ngọn đèn như đáy mắt em/ Khoảng tím cứ lung linh như hẹn hò nhắn nhủ".
Nhưng cuộc hôn nhân của Phan Lạc Hoa bắt đầu rạn vỡ khi chỗ đứng của hai người trong xã hội ngày càng xa nhau, họ không cùng một hướng.
Cuộc hôn nhân 10 năm và 3 mặt con đã kết thúc bằng một phiên toà lặng lẽ. Ít ai biết rằng người viết đơn ly hôn lại chính là Phan Lạc Hoa trong trạng thái "rồ dại và cay đắng".